PLVN đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.
* TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ĐH Quốc gia Hà Nội:
Doanh nghiệp sẽ có lợi
Có ba điểm muốn nhấn mạnh: Thứ nhất, đây là thắng lợi mang tính ngoại giao, chính trị của Trung Quốc; thứ hai, các lợi ích của việc gia nhập SDR đối với Trung Quốc cũng hạn chế và thứ ba, tác động của việc đồng nhân dân tệ (NDT) gia nhập SDR đối với cấu trúc hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu trong ngắn hạn không rõ nét, tác động đối với hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam không lớn nếu căn cứ theo cấu trúc dự trữ ngoại tệ, cấu trúc nợ công và thị trường chứng khoán.
Tôi cho rằng, việc NDT của Trung Quốc gia nhập SDR không thay đổi nhiều thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, bởi việc NDT gia nhập SDR không có nghĩa các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ mua vào NDT ngay lập tức. Thay vào đó, họ sẽ có thêm một lựa chọn cho rổ ngoại tệ dự trữ của mình. Mà điều này trên thực tế một số ngân hàng trung ương đã làm rồi.
Với các doanh nghiệp, trên thực tế việc NDT gia nhập SDR có thể tác động đến tâm lý của doanh nghiệp trong việc lựa chọn tiền tệ thanh toán. Nhưng ở Việt Nam, điều này phụ thuộc vào việc hai nước đã thỏa thuận thanh toán thương mại song phương bằng đồng NDT hay chưa và phán đoán của doanh nghiệp dựa trên tỷ giá VND với USD và NDT.
Với việc là đồng tiền thanh toán phổ biến nhất tại khu vực Đông Nam Á, sau khi gia nhập SDR, đồng NDT càng có thêm “tính chính danh” để trở thành đồng tiền thanh toán thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này về cơ bản có lợi cho các doanh nghiệp vì sẽ giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp. Hiện thanh toán bằng đồng NDT mới chỉ chiếm 2-4% tổng giá trị thương mại của Việt Nam trong khi quy mô thương mại giữa hai nước vào khoảng 60-65 tỷ USD/năm và còn tiếp tục gia tăng.
* TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV:
Có tác động nhưng không đáng kể
Quyết định đưa NDT vào giỏ tiền tệ dự trữ của IMF có thể coi như một sự thừa nhận của thế giới đối với nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Về cơ bản thị trường đã tiên liệu đoán trước được, Trung Quốc đã chuẩn bị trong 10 năm vừa qua và IMF đã bật tín hiệu hồi đầu năm nên tác động liên quan đến giá cả chứng khoán, tài chính đã phản ánh phần nào trong thời gian vừa qua…
Với Việt Nam cũng như một số nước đặt trong tình huống có xem xét dự trữ đồng NDT hay không. Còn trong quan hệ thương mại, theo tôi sẽ có một chút ảnh hưởng. Có thể sẽ xảy ra chấp nhận thanh toán quốc tế bằng đồng NDT trong thương mại của hai nước, nhưng sẽ không lớn vì hiện nay quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc chủ yếu vẫn là do bên xuất và nhập khẩu quyết định.
Ví dụ như bên Trung Quốc muốn thanh toán bằng NDT nhưng DN Việt Nam muốn thanh toán bằng USD để dễ chuyển đổi hơn, dễ mua hơn, bên Trung Quốc vì hợp đồng xuất khẩu, họ có thể vẫn phải chấp nhận. Do đó có tác động nhưng không phải là nhiều. Liên quan đến chính sách tiền tệ tỷ giá của Việt Nam, theo tôi cũng có một chút tác động khi thời gian tới đồng NDT có xu hướng thả nổi.
Trong bài toán chính sách tỷ giá, Trung Quốc phải linh hoạt thả nổi tỷ giá nếu muốn giữ cam kết trong rổ tiền tệ IMF với quốc tế, và hiện nay quốc tế cũng đang theo dõi Trung Quốc với vấn đề này. Khi linh hoạt hơn, mức độ biến động của đồng NDT tăng lên, biên độ dao động của đồng NDT sẽ cao hơn và do trong rổ tiền tệ thanh toán quốc tế thì rõ ràng sẽ tác động nhiều, lan tỏa hơn tới tỷ giá các nước, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó có thể có tác động đến lãi suất. Gần đây Bắc Kinh thay đổi cách tính toán tỷ giá hối đoái NDT- USD, thực hiện tự do hóa lãi suất tiết kiệm và như vậy khi lãi suất của NDT tăng thì rõ ràng cũng sẽ tác động đến lãi suất trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, tác động một chút liên quan đến nợ nước ngoài của Việt Nam. Hiện nợ nước ngoài của Việt Nam theo số liệu của Bộ Tài chính công bố năm 2011, nợ nước ngoài bằng đồng SDR khoảng 27%, hiện nay chưa có số liệu chính thức nhưng chắc khoảng 20-25%. Đồng NDT chiếm 10,92 tỷ trọng SDR, như thế sẽ tác động nhất định tới Việt Nam, nhưng nên nhớ là thời điểm hiệu lực tháng 10/2016.