Quảng cáo “cởi”, “hở” như nấm sau mưa
Mới đây, trên các tuyến phố của Hà Nội như Thái Hà, Nguyễn Lương Bằng, Trần Duy Hưng… người dân rất sốc khi bắt gặp các “bà bầu sắp tới ngày sinh” mặc áo croptop để lộ bụng bầu ghi dòng chữ “Trai hay gái đều có quyền làm người” gắn một nhãn hiệu và trượt patin. Các “thai phụ” này ngông nghênh lướt patin mặc cho đường phố xe cộ đi lại tấp nập. Họ ngang nhiên gây mất an toàn giao thông, náo loạn đường phố với mục đích…quảng cáo sản phẩm, thương hiệu dành cho mẹ và bé. Trung tuần tháng 8 vừa qua, người đi đường một phen sốc khi một chiếc xe ô tô chở theo một lồng kính bên trong có một cô gái trẻ uốn éo bên mô hình điện thoại. Một đoàn xe máy đi theo cờ phướn, bóp còi tạo thêm phần chú ý tới sản phẩm điện thoại với người đi đường
Việc dùng những cô gái ăn mặc hở hang, uốn éo, lố bịch để “câu khách” chú ý tới thương hiệu của mình dường như là mốt của một số doanh nghiệp. Các thương hiệu không ngại cho các cô gái mặc thiếu vải, hớ hênh ngoài đường. Còn nhớ, một siêu thị điện máy ở Hà Nội đã cử một nhóm cô gái mặc bikini bốc lửa ra tận bãi gửi xe đón khách, giới thiệu sản phẩm.
Tại Cần Thơ, một doanh nghiệp cho nhân viên của mình mặc áo mỏng trắng để lộ nội y đi quảng cáo…cà phê. Còn nhãn hàng nước giải khát tăng tung ra bộ lịch với sự góp mặt của ba chân dài nổi tiếng, khoe những đường cong nóng bỏng trong những shoot hình gợi dục và khiêu khích. Trước các hành động quảng cáo phản cảm trên, dư luận bức xúc đặt câu hỏi hẳn doanh nghiệp muốn sản phẩm của họ đi liền với những bộ phim cấp 3, kích dục? Thế nhưng, bất chấp lời thị phi dư luận, bất chấp việc xử phạt của ngành văn hóa, các doanh nghiệp với hình ảnh phản cảm ngày càng rộ lên như nấm nở sau mưa.
Sẵn sàng dùng chiêu trò để “được” phạt
Đối diện với tình trạng đó lại là một thực tế đáng buồn: việc xử phạt quá nhẹ. Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời được UBND thành phố Hà Nội ban hành vào ngày 20/1/2016, quy định đoàn người thực hiện quảng cáo ngoài trời bắt buộc phải thông báo tới Sở Văn hoá và Thể thao về nội dung, hình thức quảng cáo, số lượng người tham gia, thời gian và lộ trình thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày thực hiện quảng cáo. Quy chế chặt chẽ nhưng chế tài xử phạt nhẹ hều chỉ từ 1-3 triệu đồng nên không ít doanh nghiệp thà chịu phạt còn hơn phải tốn công sức đi xin cấp phép.
Nghị định 158 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. Số tiền này cũng không phải là quá nhiều nên chẳng mấy ngạc nhiên khi một chủ nhà hàng hồ hởi khoe: “Sắp tới, nhà hàng tôi sẽ tuyển 50 em ngực khủng, ăn mặc sexy sẽ đón thực khách. Nếu chỉ đón thực khách thì chuyện quá thường mà một siêu thị điện máy đã từng làm. Nhà hàng tôi làm “cú sốc” rất táo bạo đó là… khuyến mại cho thực khách đàn ông chụp ảnh bên…ngực nhân viên. Đảm bảo nhà hàng tôi nổi như cồn. Yên tâm là tôi đã chuẩn bị sẵn tiền phạt rồi. Khỏi lo!”
Với một doanh nghiệp thì việc bỏ ra vài triệu đến vài chục triệu để phạt là một chuyện “nhỏ như con thỏ”. Chưa kể, khi bị phạt, họ lại “được” lên truyền thông, báo chí. Đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, thương hiệu “miễn phí” một cách nhanh rộng nhất, doanh thu cao ngất ngưởng. Vậy nên, dễ hiểu, tại sao, một số doanh nghiệp lại yêu thích sử dụng “văn hóa cởi, văn hóa hở” vào chiến dịch quảng bá sản phẩm nhãn hiệu của mình. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng vứt bỏ thuần phong mỹ tục, vứt bỏ văn hóa doanh nghiệp của mình, khiến xã hội thêm vẩn đục.
Ông Đỗ Hùng- nhà nghiên cứu văn hóa bức xúc: “Các cơ quan chức năng cần nâng cao chế tài xử phạt số tiền gấp nhiều lần hơn nữa, cần xử phạt mạnh tay hơn để loại bỏ những doanh nghiệp hám lợi mà triệt tiêu văn hóa, mặt khác người tiêu dùng cần tẩy chay những nhãn hàng này. Nếu không sẽ có thể có ngày đồng tiền vò nát văn hóa”.