“Nếu TAND quận 7 TP HCM nhận ra cái sai, đình chỉ vụ án, gỡ lệnh “phong tỏa” với Dự án Hòa Lân thì chúng tôi sẽ rút đơn tố cáo và không khiếu nại, khiếu kiện bất cứ điều gì, dù bị thiệt hại rất lớn”, bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, TGĐ Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM, trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP HCM), khẳng định.
Dấu hiệu hàng loạt vi phạm tố tụng
Sáng nay (10/3), TAND quận 7 sẽ tiếp tục xét xử sơ thẩm phiên tòa kiện đòi hủy kết quả đấu giá Dự án Hòa Lân (diện tích gần 50ha tại phường Thuận Giao, TP Thuận An, Bình Dương). Trước đó, như PLVN đã phản ánh, phiên tòa đã được mở vào ngày 5/3 vừa qua nhưng sau đó tạm ngưng với lý do chủ tọa đưa ra là “không sắp xếp được thời gian”.
Vụ kiện có nội dung như sau: “Con nợ” là Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã đồng ý bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank Chợ Lớn bán đấu giá trả nợ. Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐMBTSĐG), ký tên biên bản đo đạc, bàn giao đất cho bên mua đấu giá là Công ty Kim Oanh.
Nhưng sau đó hàng năm trời, khi Kim Oanh đã đầu tư vào dự án này 1.600 tỷ, Thiên Phú bất ngờ “trở cờ”, khởi kiện ra tận TAND quận 7 (TP HCM) đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại Dự án Hòa Lân. Thẩm phán Lê Thị Phơ sau đó đã ra lệnh “phong tỏa” với Dự án Hòa Lân, khiến Công ty Kim Oanh điêu đứng, “chôn vốn” hàng ngàn tỷ tại đây.
Trước phiên xử, Kim Oanh đã có nhiều đơn gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh việc Thẩm phán Lê Thị Phơ, chủ tọa, có một số vi phạm tố tụng trong vụ kiện này.
Thứ nhất, thẩm phán đã thụ lý vụ án kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Trong đơn khởi kiện ngày 14/2/2019, Thiên Phú có hai yêu cầu “Tuyên bố HĐMBTSĐG số 01-10/2017/HĐMBTSĐG vô hiệu do vi phạm điều cấm” và “Hủy kết quả bán đấu giá là Dự án Hòa Lân”. Tuy nhiên, trong Thông báo thụ lý số 20/2019/TB-TLTA, Thẩm phán lại nêu “thụ lý vụ án Hợp đồng bán đấu giá”, dù Thiên Phú không hề kiện tranh chấp Hợp đồng bán đấu giá (là hợp đồng dịch vụ giữa Agribank Chợ Lớn với công ty đấu giá).
Thứ hai, khi thụ lý vụ tranh chấp “Hợp đồng bán đấu giá” thì Dự án Hòa Lân không phải là chủ thể của vụ kiện này. Thế nhưng, điều vô lý đã xảy ra khi thẩm phán lại “phong tỏa” Dự án Hòa Lân.
Kim Oanh đã thiệt hại cực lớn vì Dự án Hòa Lân bị TAND quận 7 bất ngờ ra lệnh “phong tỏa”. |
Sai phạm thứ ba xảy ra khi “phong tỏa” khối tài sản có giá trị 1.353 tỷ (tính ở thời điểm 2 năm trước) nhưng chỉ nộp tiền bảo đảm 1 tỷ. Căn cứ Điều 136 BLTTDS 2015 thì số tiền bên yêu cầu “phong tỏa” phải nộp phải tương đương với số tiền thiệt hại, tổn thất do yêu cầu này gây ra.
Với 1.353 tỷ, tính riêng thiệt hại nếu tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng (khoảng 8%/năm), mỗi tháng vì bị cấm chuyển dịch mà Kim Oanh đã mất ít nhất 9 tỷ, một năm xấp xỉ 110 tỷ. Thế nhưng, TAND quận 7 lại chỉ buộc Thiên Phú phải “ký quỹ”… 1 tỷ đồng.
Thứ tư, khi Kim Oanh khiếu nại về việc bị “phong tỏa” tài sản trái luật, TAND quận 7 đã trả lời không thuyết phục khi cho rằng “thiệt hại tổn thất là chi phí đấu giá tổ chức đấu giá”. Trả lời như trên lại càng lộ ra sai phạm của tòa khi đã xử lý kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Thứ năm, thẩm phán đã vi phạm thời gian đưa vụ án ra xét xử. Căn cứ Điều 203 BLTTDS, thì trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày thụ lý, vụ án phải được đưa ra xét xử. Nếu có trở ngại thì Chánh án TAND quận mới có quyền gia hạn không quá 2 tháng. Tuy nhiên, từ ngày thụ lý là 27/2/2019 và thụ lý bổ sung ngày 15/3/2019 đến ngày 27/8/2019 (gần 6 tháng), thẩm phán đã không tiến hành các thủ tục như hòa giải, đối chất, lấy ý kiến, công khai chứng cứ.
Từ việc vi phạm này mà Thiên Phú có cơ sở để bổ sung đơn khởi kiện và được thụ lý ngày 27/8/2019 gây kéo dài thời gian xét xử, gây thêm thiệt hại chồng chất cho Kim Oanh.
Thứ sáu, sau khi vụ án được thụ lý, Kim Oanh có nhiều đơn khiếu nại về thẩm quyền thụ lý không thuộc TAND quận 7, tố cáo vi phạm tố tụng của thẩm phán nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời khiếu nại, trả lời tố cáo (trừ khiếu nại về lệnh “phong tỏa”). Theo quy định, phải giải quyết khiếu nại trước khi đưa vụ án ra xét xử.
Thứ bảy, tại phiên tòa ngày 5/3, Thiên Phú có 5 yêu cầu, tăng thêm 2 yêu cầu so với đơn khởi kiện. Các luật sư và đương sự phản ứng vì cho rằng HĐXX chưa xem xét hai yêu cầu này có đúng luật hay không, có vượt quá đơn khởi kiện ban đầu hay không? Và phải tiến hành các thủ tục tố tụng khác. Tuy nhiên, thẩm phán vẫn chấp nhận hai yêu cầu của Thiên Phú. Động thái này là vi phạm tố tụng theo quy định tại Điều 244 BLTTDS.
Thứ tám, việc tạm dừng phiên tòa ngày 5/3 với lý do “không sắp xếp được thời gian” là không đúng với quy định pháp luật về tố tụng.
Vụ kiện phải được đình chỉ, các lệnh “phong tỏa” phải chấm dứt
Trong vụ án này, một câu hỏi đáng chú ý được đặt ra, vụ việc đã được Thanh tra Bộ Tư pháp kết luận, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo. Thiên Phú sau khi “hết cửa” ở khâu khiếu nại hành chính, thì đã chuyển vụ việc sang “kênh” tòa án. Vậy trong vụ kiện, nội dung KLTT và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ có giá trị gì không?
LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) nói: “Theo tôi, KLTT là một chứng cứ khó có thể bị phản bác, đánh đổ. KLTT của Bộ Tư pháp dựa trên Luật Đấu giá. Tòa cũng dựa trên Luật Đấu giá mà đánh giá chứng cứ, xem xét đúng sai. Nên tòa không thể có nhận định và kết luận trái ngược với KLTT”.
Theo LS Thuận, nếu tòa tuyên hủy kết quả đấu giá, bản án xung đột với KLTT thì cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án vì KLTT có trước và đang có hiệu lực.
Còn một vấn đề khác, việc thụ lý vụ án có đúng luật hay không? LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) nói: “Qua xem xét đơn của Thiên Phú gửi Thanh tra Bộ Tư pháp và Đơn khởi kiện gửi TAND quận 7, thấy Thiên Phú có chung một mục đích là “hủy kết quả đấu giá”.
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS, thì cùng một vụ việc đã có quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước thẩm quyền, thì tòa phải trả lại đơn và ra quyết định đình chỉ vụ án. Ở đây là KLTT của Thanh tra Bộ Tư pháp đang có hiệu lực pháp luật trước khi vụ kiện xảy ra và Thiên Phú không khiếu nại gì”.
Ngoài ra, tại phiên xử ngày 5/3 vừa qua, khi được hỏi vai trò của Thiên Phú trong HĐMBTSĐG, cả ngân hàng và Văn phòng công chứng (VPCC) đều khẳng định Thiên Phú chỉ ký kết với tư cách người làm chứng, không có vai trò gì khác.
Do đó, Thiên Phú không có quyền khởi kiện đòi hủy HĐMBTSĐG. Và nếu có tranh chấp HĐMBTSĐG thì thẩm quyền thụ lý thuộc về TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) chứ không phải ở TAND quận 7, TP HCM. Như vậy, vụ kiện này phải được đình chỉ, các lệnh “phong tỏa” phải được chấm dứt.
Bà Oanh: “Nếu thẩm phán nhận ra cái sai và sửa sai, chúng tôi sẽ rút tất cả các đơn tố cáo khiếu nại”. |
Một ngày trước khi phiên xử được nối lại, trao đổi với PLVN, bà Đặng Thị Kim Oanh nói: ““Vô phúc đáo tụng đình”, nhất là với một doanh nghiệp. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là đầu tư, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi chưa bao giờ muốn kiện tụng, tố cáo, khiếu nại cán bộ, cơ quan nhà nước. Nhưng trong vụ án này, chúng tôi bị dồn vào đường cùng, bị ức hiếp nên mới buộc phải thực hiện những quyền của đương sự mà quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại”.
Như phân tích của các luật sư và đương sự nêu trên, rằng theo quy định pháp luật, vụ kiện này phải được đình chỉ, các lệnh “phong tỏa” phải được chấm dứt, khi đó Kim Oanh sẽ có động thái gì? “Nếu thẩm phán nhận ra cái sai và sửa sai, chúng tôi sẽ rút tất cả các đơn tố cáo khiếu nại.
Mặc dù việc thụ lý sai, “phong tỏa” không đúng suốt 1 năm qua khiến Kim Oanh thiệt hại rất lớn về kinh tế, về tinh thần; nhưng như đã nói, mục tiêu số 1 của doanh nghiệp là kinh doanh, phát triển kinh tế nên chúng tôi sẽ rút khiếu nại, tố cáo; không yêu cầu bồi thường bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển dự án, tạo ra bộ mặt thật đẹp cho dự án gần 18 năm nay phải bỏ hoang”, bà Oanh khẳng định.