Bổ sung thêm yêu cầu, Thiên Phú bị các bên phản ứng
Như PLVN đã phản ánh, đây là vụ kiện mà Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú (trụ sở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) đã bàn giao tài sản là Dự án Hòa Lân cho Agribank – Chợ Lớn để bán đấu giá trả nợ. Thiên Phú đồng ý với kết quả bán đấu giá, ký vào Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (HĐMBTSĐG), ký biên bản đo đạc, bàn giao đất cho bên mua đấu giá trúng là Công ty CP Đầu tư & Phát triển Kim Oanh TP HCM (trụ sở phường Phước Long A, quận 9, TP HCM). Nhưng sau đó một thời gian dài, Thiên Phú “trở cờ” khởi kiện đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại dự án Hòa Lân.
Phiên tòa thu hút khá đông người dự khán và báo chí, ngoài ra, khu vực cổng, hành lang tòa xuất hiện một số thanh niên lạ mặt không rõ để làm gì?
Phía bị đơn là đơn vị đấu giá tiếp tục vắng mặt không lý do.
Ngay phần thủ tục, đại diện Kim Oanh đề nghị thay đổi người tham gia tố tụng là chủ tọa Lê Thị Phơ và kiểm sát viên. Sau khi nghị án, HĐXX không chấp nhận đề nghị trên. Phiên tòa tiếp tục.
Trình bày tại phần tranh tụng, Thiên Phú đưa ra 5 yêu cầu đề nghị HĐXX xem xét tuyên vô hiệu: Kết quả đấu giá “vì vi phạm điều cấm”; HĐMBTSĐG số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 1/7/2017; Biên bản thỏa thuận về việc xử lý nợ năm 2015; Hai hợp đồng tín chấp của Thiên Phú với Agribank và Thiên Phú được phép trả nợ cho Agribank. Sau khi trả nợ xong, Agribank phải trả lại giấy tờ Dự án Hòa Lân cho Thiên Phú; hoặc Thiên Phú liên hệ cơ quan chức năng để được cấp lại.
Lập luận Thiên Phú đưa ra cho 5 yêu cầu trên “là do đơn vị đấu giá bán tài sản đấu giá có vi phạm như bán đấu giá cả QSDĐ được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng, không niêm yết công khai, không đúng giá, hành nghề đấu giá bất hợp pháp…”. Với hợp đồng tín chấp, Thiên Phú cho rằng vi phạm điều cấm của pháp luật nên bị vô hiệu là “cầm cố cả QSDĐ được nhà nước giao không thu tiền sử dụng và việc quy đổi vàng ra VNĐ vi phạm”.
Đại diện Agribank cho rằng những yêu cầu của Thiên Phú là vô lý nên không chấp nhận và sẽ làm rõ tại phần hỏi, tranh luận.
Luật sư phía Kim Oanh nói rằng trước đây trong đơn khởi kiện và khởi kiện bổ sung, Thiên Phú chỉ nêu ra 3 yêu cầu. Nay tại tòa lại có 5 yêu cầu, tức là Thiên Phú bổ sung thêm 2 yêu cầu nhưng chưa được tiến hành theo thủ tục tố tụng, là vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, HĐXX không xem xét đề nghị trên mà chỉ hỏi các bên có hòa giải với hai yêu cầu mới của Thiên Phú hay không? Sau đó, phiên tòa tiếp tục.
Lộ diện những vô lý của Thiên Phú trong phần hỏi – đáp
Tại phần hỏi – đáp, phía Thiên Phú xoay quanh vấn đề thế chấp, bán đấu giá tài sản là QSDĐ được Nhà nước giao không thu tiền.
Đáp lại, phía Agribank cung cấp hợp đồng thế chấp năm 2003 giữa Thiên Phú và Agribank. “Quan hệ thế chấp giữa hai bên được thiết lập từ 2003 là toàn bộ Dự án Hòa Lân được hình thành trong tương lai. Thời điểm này, luật không cấm việc thế chấp vay vốn với dự án.
Sau này, khi Thiên Phú được cấp QSDĐ gồm hai loại: Có thu tiền và không thu tiền. Hai bên ký kết phụ lục hợp đồng là thế chấp đối với QSDĐ có thu tiền. Nhưng để đảm bảo tính toàn vẹn của việc thế chấp toàn bộ dự án Hòa Lân, hai bên mới lập thỏa thuận để Thiên Phú giao nộp QSDĐ không thu tiền cho ngân hàng. Đây là thỏa thuận nhằm đảm bảo quan hệ thế chấp và nếu sau này Thiên Phú vi phạm trả nợ thì ngân hàng có quyền xử lý với Dự án Hòa Lân”, đại diện ngân hàng nói rõ.
Ở đây phải hiểu rằng, thế chấp toàn bộ dự án là gồm cả QSDĐ và tài sản hình thành trong tương lai. QSDĐ ở đây không thể tách rời với dự án. Dự án là sự toàn vẹn gồm cả QSDĐ và các nghĩa vụ liên quan được xác lập cho chủ đầu tư; không đơn thuần là QSDĐ cho cá nhân, tổ chức.
Về quá trình bán đấu giá, ký kết HĐMBTSĐG, ngân hàng cho hay: “Biên bản thỏa thuận bàn giao tài sản của Thiên Phú cho Agribank xử lý nợ là tự nguyện, dựa trên biên bản họp Hội đồng thành viên của Thiên Phú”.
“Tất cả thủ tục đấu giá như giá bán, các lần giảm giá, hai bên thỏa thuận lại giá bán mới đều có sự tham gia của Thiên Phú. Thiên Phú biết rõ về quá trình này”.
Kim Oanh có vi phạm nghĩa vụ trả tiền sau khi mua trúng đấu giá hay không? Ngân hàng khẳng định: “Không. Căn cứ vào HĐMBTSĐG việc thanh toán trong 45 ngày nhưng điều kiện cần và đủ là không có phát sinh trở ngại về pháp lý. Thực tế, có nhiều phát sinh trở ngại về khách quan, đó là việc đền bù bị khiếu kiện, bị thanh tra nợ thuế và Thiên Phú khiếu nại. Việc Thiên Phú khiếu nại là vi phạm cam kết trong biên bản đấu giá, HĐMBTSĐG”.
“Khi biên bản đấu giá thành thì chuyển sang giai đoạn các bên thỏa thuận và tiến tới ký HĐMBTSĐG. Do đó không có chuyện HĐMBTSĐG và biên bản bán đấu giá mâu thuẫn. Những thỏa thuận đó, Thiên Phú đều đồng ý”.
Phía Thiên Phú lại hỏi tại sao chưa xin chủ trương đã ký HĐMBTSĐG và cho rằng việc này vi phạm Luật Kinh doanh Bất động sản. Ngân hàng nói: “Cần phải hiểu việc chuyển nhượng dự án theo Luật Kinh doanh Bất động sản khác với việc bán đấu giá dự án”.
Căn cứ Luật đấu giá, tại khoản 1, điều 46 thì sau khi bán đấu giá thành, các bên tiến tới ký kết HĐMBTSĐG. Từ đó mới tiến hành các thủ tục khác. Ngoài ra, ở đây tài sản đấu giá là QSDĐ của Dự án Hòa Lân nên Kim Oanh kế thừa các quyền và nghĩa vụ khác của Thiên Phú như quyền là chủ đầu tư, quyền thực hiện đầu tư.
Đại diện Kim Oanh nói rằng ngay từ đầu đến lúc bán đấu giá thành, ký HĐMBTSĐG, bàn giao hồ sơ, đo đạc bàn giao dự án, Thiên Phú đều đồng ý nhưng sau đó lại “trở cờ”. Phía Kim Oanh tiếp tục đưa ra bằng chứng là văn bản Thiên Phú gửi UBND Bình Dương đề nghị thay đổi chủ đầu tư sang Kim Oanh.
Ngân hàng: “Thiên Phú đã được lợi ít nhất 97 tỷ từ Kim Oanh”
Đại diện Kim Oanh nói: “Từ lần đấu giá thứ nhất đến thứ sáu, Thiên Phú đều đồng ý. Đến lần thứ bảy, chính Thiên Phú đề nghị thẩm định giá lại và bắt đầu đấu giá bằng kết quả này. Lần thứ 11, Thiên Phú có văn bản đưa ra giá khởi điểm mới cao hơn giá đã giảm. Vì thế, yêu cầu hủy kết quả đấu giá căn cứ vào việc giảm giá từ lần thứ nhất đến lần thứ hai có sai sót là không có cơ sở”.
Kim Oanh hỏi về kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp, Thiên Phú nói “không đồng ý với kết luận nhưng không khiếu nại”
Khi được hỏi vai trò của Thiên Phú trong HĐMBTSĐG, cả ngân hàng và Văn phòng công chứng đều nói rằng Thiên Phú chỉ ký kết với tư cách người làm chứng, không có vai trò gì khác. Do đó Thiên Phú không có quyền khởi kiện đòi hủy HĐMBTSĐG. Và nếu có tranh chấp HĐMBTSĐG thì thẩm quyền thụ lý thuộc về TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) chứ không phải ở TAND quận 7 (TP HCM).
Kim Oanh hỏi ngân hàng việc có vi phạm nghĩa vụ thanh toán hay không? Ngân hàng nói: “Dựa trên thỏa thuận ở HĐMBTSĐG, do phát sinh vấn đề pháp lý nên hai bên ngồi lại và thỏa thuận nên không vi phạm. Sau đó, Kim Oanh có vi phạm nhưng đã thực hiện xong nên việc vi phạm đó đã bị triệt tiêu”.
“Kim Oanh và ngân hàng thỏa thuận trả nợ chậm hơn sau 45 ngày có lợi cho Thiên Phú chứ không gây thiệt hại. Vì giá trị tài sản bán đấu giá đã đủ trả nợ gốc nên Thiên Phú không bị nợ nữa và không chịu lãi phát sinh. Chúng tôi cũng áp dụng lãi suất 8% cho Kim Oanh. Và Kim Oanh trả lãi 97 tỷ. Số tiền này được chúng tôi sử dụng để bù vào tiền lãi của Thiên Phú”, đại diện ngân hàng nói. Theo trả lời của đại diện ngân hàng thì Thiên Phú đang hưởng lợi 97 tỷ từ Kim Oanh.
Các bên thực hiện xong phần hỏi – đáp thì chủ tọa bất ngờ tuyên bố phiên xét xử ngừng. Theo chủ tọa, quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ có một buổi vào ngày 5/3, nhưng do phiên xử phải kéo dài hơn dự kiến nên không thể sắp xếp được và chủ tọa quyết định phiên xử sẽ tiếp tục vào ngày 10/3.
Các luật sư phía Kim Oanh phản bác, cho rằng cần phải xét xử liên tục, không thể dừng được. Tuy nhiên, chủ tọa nói “các đương sự cần thông cảm”.
Động thái bất ngờ ngừng phiên xử của TAND Quận 7 được LS Nguyễn Đình Thuận (Đoàn LS TP HCM) đánh giá: “Về nguyên tắc thì phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Phiên tòa chỉ bị dừng, tạm dừng, ngừng khi có lý do chính đáng như xuất hiện tình tiết, chứng cứ mới cần xem xét, cần thẩm định tại chỗ hoặc vì sức khỏe. Tòa không thể ngừng vì lý do quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ có 1 buổi, 1 ngày. Vì quyết định đưa vụ án ra xét xử, thời gian xét xử chỉ là dự kiến, dự định. Làm như vậy là vi phạm tố tụng”.
Tại phiên tòa, khi PV PLVN đến tham dự thì bị một bảo vệ và một cán bộ ngăn cản, không cho vào. PV phản bác, khẳng định đây là phiên tòa công khai nên không thể ngăn cản báo chí tham dự. Vị cán bộ gọi điện cho ai đó và nói “không giải quyết được”. PV yêu cầu hướng dẫn đến phòng Chánh án TAND quận 7 để được khiếu nại, trình bày. Tuy nhiên, bảo vệ cho rằng “lãnh đạo đi vắng”. Đến khi PV gọi điện cho Chánh án TAND TP HCM, vị cán bộ mới để PV vào phòng xử