Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong loạt bài trước đó về việc TAND quận 7 đã thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, hợp đồng mua bán đấu giá tài sản có nhiều dấu hiệu bất thường, trái pháp luật.
Đặc biệt, việc nhận đơn và ra quyết định thụ lý trong cùng một ngày làm việc, với một yêu cầu khởi kiện mà theo quy định của pháp luật lại không thuộc thẩm quyền của TAND quận 7 đã đặt ra nghi ngờ về việc vụ kiện này là một nước cờ nằm trong một kế hoạch được dàn dựng nhằm ngăn cản Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh thực hiện dự án để “mặc cả” và đòi quyền lợi liên quan đến dự án khu dân cư Hòa Lân, được phê duyệt trên khu đất hơn 49ha tại TP Thuận An, Bình Dương.
Tìm hiểu sâu hơn về vụ việc, phóng viên tiếp tục ghi nhận được các tài liệu và bằng chứng về sự việc này. Trong đó có cuộc trao đổi giữa ông Bùi Thế Sơn và bà Đặng Thị Kim Oanh liên quan đến vụ kiện.
Về phía Công ty Kim Oanh TP HMC, do việc bị Công ty Thiên Phú khởi kiện một cách vô lý, khiến dự án bị ngừng trệ và gây thiệt hại nghiêm trọng nên Công ty Kim Oanh TP HCM cũng đã tìm ra các bằng chứng vi phạm pháp luật của Công ty Thiên Phú để đề nghị cơ quan pháp luật giải quyết.
Trong đơn tố cáo mà Công ty Kim Oanh gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an, Công ty Kim Oanh TP HCM đã có bằng chứng về việc Công ty Thiên Phú lập khống hồ sơ giải phóng mặt bằng để chiếm đoạt của Công ty Kim Oanh TP HCM gần 30 tỷ đồng. Vụ việc này đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an giải quyết.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh TP HCM cho biết, trong quá trình hai bên giải quyết các sự việc phát sinh từ việc Công ty Thiên Phú khởi kiện, ông Bùi Thế Sơn đã trao đổi và cho biết, việc khởi kiện này là “bất đắc dĩ”.
Theo bà Oanh cho biết, qua cuộc nói chuyện giữa bà và ông Bùi Thế Sơn thì bản thân ông Sơn không muốn khởi kiện nhưng phải ký đơn và làm theo ý kiến của nhóm người khác, cũng là những người kinh doanh bất động sản.
Để chứng minh điều này, ông Bùi Thế Sơn cho bà Đặng Thị Kim Oanh biết, việc khởi kiện, tố cáo đều đã được ủy quyền cho người khác, ông không trực tiếp tham gia. Nhìn vào hồ sơ vụ kiện thì thấy, sau khi ký các đơn khởi kiện, ông Bùi Thế Sơn không tham gia bất cứ hoạt động tố tụng nào.
Việc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng là chuyện bình thường, song sự vắng mặt này của ôbng Bùi Thế Sơn cũng đã phản ánh những gì ông Sơn nói với bà Oanh là chân thực.
Ngoài ra, người nhà ông Bùi Thế Sơn cũng có đơn phản ánh về việc bị ép bán vốn góp trong công ty một cách bất ngờ. Theo phản ánh của anh Đặng Bình Anh Trọng thì có một nhóm người không quen biết tìm anh và đe dọa gia đình anh, gây áp lực để anh phải ký chuyển nhượng vốn góp trong Công ty Thiên Phú.
Việc phản ánh của anh Trong đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương mời lên giải quyết. Hiện nay, anh Đặng Bình Anh Trọng đã không còn là thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú, thay vào đó là người có tên là Trương Thành Phú.
Bên cạnh đó, nhìn vào các tài liệu mà Công ty Thiên Phú gửi các cơ quan chức năng gần đây thì sẽ thấy được một phần nào sự việc có lên quan đến vụ kiện bất thường ở Tòa án Quận 7.
Cụ thể, ngày 17/2/2020, Công ty Thiên Phú gửi “đơn kêu cứu” đến các cơ quan báo chí, truyền thông về vụ kiện tại Tòa án Quận 7, người đứng đơn là ông Nguyễn Văn Tuấn, người ký với tư cách Phó giám đốc Công ty.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng ký một loạt văn bản gửi đến các cơ quan chức năng “tố cáo” các nội dung không liên quan đến vụ kiện mà chỉ liên quan đến hoạt động của Công ty Kim Oanh TP HCM.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tuấn có văn bản gửi Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam đề nghị xem xét lại việc tặng Huận chương lao động Hạng nhì cho Công ty Kim Oanh TP HCM; gửi đơn đến Tạp chí Mặt trận tổ quốc để tố cáo Công ty Kim Oanh có sai phạm trong dự án khu dân cư Mỹ Phước và dự án Khu dân cư Cầu Đò.
Qua một loạt các sự việc bất thường trên, sự việc bắt đầu hé lộ. Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, việc Công ty Kim Oanh TP HCM trúng đấu giá tài sản xử lý nợ xấu của Ngân hàng NN và PTNT là khu dân cư Hòa Lân đã khiến cho một nhóm người kinh doanh bất động sản nhìn thấy món lợi nên đã gây khó khăn để buộc bà Oanh phải “thương lượng”.
Thông qua việc lấy danh nghĩa Công ty Thiên Phú để khởi kiện, những người sử dụng vụ kiện này muốn Công ty Kim Oanh TP HCM không thể thực hiện dự án, lâm vào khó khăn mà phải đàm phán và chia lợi với họ.
Nếu vụ kiện là phương thức cản trở doanh nghiệp khác kinh doanh để mặc cả và đòi quyền lợi là sự thật thì rõ ràng đây là phương thức làm ăn kiểu “mafia”, cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm để tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.