Đây là lần thứ hai Bộ TN&MT, cơ quan có chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đất đai trong phạm vi cả nước có văn bản chính thức tới Bình Dương giải thích pháp luật về sự việc tương tự khu đất 43ha. Vì vậy, câu chuyện càng thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là giới đầu tư tại Bình Dương.
Dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự
Nguồn cơn sự việc bắt nguồn từ nhiều năm trước, khi Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCty Bình Dương, đơn vị thuộc Tỉnh ủy Bình Dương) được giao (có thu tiền sử dụng đất) khu đất trên để lập dự án khu đô thị.
TCty Bình Dương sau đó kết hợp với một công ty khác lập Công ty liên doanh Tân Phú thực hiện dự án, rồi chuyển nhượng dự án cho Tân Phú. Đến năm 2018, Kim Oanh mua 100% vốn góp của Tân Phú, sở hữu Cty Tân Phú cùng dự án 43ha.
Năm 2020, cho rằng việc TCty Bình Dương chuyển nhượng khu đất cho Tân Phú là “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, Công an (CA) tỉnh này đã khởi tố vụ án, bắt giam 3 lãnh đạo TCty Bình Dương.
Dù Kim Oanh nhất quyết khẳng định là bên thứ ba ngay tình, theo quy định pháp luật thì phải được bảo hộ tài sản đã nhận chuyển nhượng ngay tình, hợp pháp. Nhưng mới đây, khi sổ đỏ khu đất đang được Kim Oanh gửi giữ tại Ngân hàng OCB, CA Bình Dương đã ra quyết định tạm giữ đồ vật, tài liệu với 2 sổ đỏ. Với khu đất 43ha, CA tỉnh “xác định là tang vật vụ án”, nên lập biên bản “bàn giao cho UBND phường Hòa Phú để bảo quản”.
Trong cuộc họp báo do Bình Dương tổ chức chiều 5/5/2020 được PV một tờ báo trụ sở tại TP HCM đánh giá là “thông tin cung cấp rất lấn cấn, không rõ trọng tâm vấn đề nào”, CA Bình Dương cho rằng khu đất trên chưa được Tân Phú đăng ký biến động sau khi Kim Oanh mua lại toàn bộ cổ phần Tân Phú, nên chưa đủ điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng QSDĐ với khu đất trên; vì vậy CA Bình Dương “đang điều tra xác minh làm rõ” việc này; nên “đề nghị các cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch liên quan đến khu đất thì liên hệ điều tra viên”.
Phản ứng động thái trên, đại diện Kim Oanh (công ty mẹ của Tân Phú) cho rằng đây là dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự, gây khó dễ cho DN… Ý kiến này của Kim Oanh cũng đã được gửi đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và DN mới đây.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định “không phải làm thủ tục đăng ký biến động”
Vậy theo quy định pháp luật, sau khi sở hữu DN cùng dự án bất động sản, thì có phải “đăng ký biến động” hay không? Văn bản số 674/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ của Bộ TN&MT vừa gửi UBND tỉnh Bình Dương đã có nội dung trả lời rõ ràng “không”.
Văn bản Tổng cục Quản lý đất đai trả lời UBND tỉnh Bình Dương. |
Tổng cục Quản lý đất đai (QLĐĐ) cho biết được Bộ TN&MT giao trả lời Công văn 1078/UBND-KT ngày 12/3/2020 của UBND tỉnh Bình Dương về việc xin ý kiến vướng mắc thủ tục đất đai khi chuyển nhượng vốn góp trong DN, trong đó có đề nghị hướng dẫn trình tự, thủ tục đăng ký biến động QSDĐ, tài sản gắn liền với đất với các trường hợp chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của DN mà không thay đổi tên DN hoặc sau đó xin thay đổi tên DN.
Tổng cục QLĐĐ khẳng định: “Tại điểm a khoản 1 Điều 43 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 27 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) quy định: a) Trường hợp mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần trong DN, trong đó có giá trị QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nhưng không thay đổi về người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì không phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.
Theo quy định này thì tại thời điểm chuyển nhượng phần vốn góp trong DN, trong đó có giá trị QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nhưng không thay đổi về người SDĐ, chủ sở hữu gắn liền với đất (vẫn giữ nguyên tên người SDĐ trên GCN QSDĐ) thì không phải làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.
“Trên đây là ý kiến của Tổng cục QLĐĐ gửi UBND tỉnh Bình Dương để nghiên cứu, thực hiện đúng quy định pháp luật”, văn bản do Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn ký, nhấn mạnh.
Trước giải thích này của Bộ TN&MT, đại diện Kim Oanh nói: “Cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về đất đai trong phạm vi cả nước đã có ý kiến rõ ràng, rành mạch như trên. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc CA Bình Dương nại ra lý do khu đất “chưa được đăng ký biến động sau khi Kim Oanh mua lại toàn bộ cổ phần Tân Phú” để mở cuộc điều tra; chỉ là một cái cớ vụng về, sai quy định, bất chấp hướng dẫn của cơ quan TW, gây khó dễ cho DN”.
Trước đó, liên quan khu đất này, ngày 30/10/2019, Sở TN&MT Bình Dương đã có công văn gửi Bộ TN&MT xin ý kiến. Ngày 21/11/2019, Bộ TN&MT đã có Văn bản 2252/TCQLĐĐ-CĐKĐĐ, hướng dẫn.
Theo Bộ TN&MT, tại thời điểm thực hiện chuyển nhượng năm 2016, 2017, TCty Bình Dương đã được giao đất, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tiền SDĐ đã nộp không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đã được cấp GCN QSDĐ nên có quyền chuyển nhượng.
Trình tự thủ tục thực hiện chuyển nhượng QSDĐ áp dụng theo Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; khoản 2 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT; thành phần hồ sơ không yêu cầu phải có văn bản đồng ý của cơ quan chủ quản (hoặc cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước đầu tư). Do đó, DN nhà nước tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chuyển nhượng QSDĐ không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Về việc chuyển đổi mục đích QSDĐ để thực hiện dự án Tân Phú, Bộ TN&MT trả lời: Tại thời điểm TCty Bình Dương được giao đất năm 2012, theo Luật Đất đai 2003 thì việc UBND tỉnh Bình Dương quyết định giao đất có thu tiền sử dụng cho TCty Bình Dương để sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ với thời hạn sử dụng đến năm 2052 là phù hợp pháp luật.
Bộ TN&MT hướng dẫn, áp dụng các quy định hiện hành, trường hợp Tân Phú đề nghị chuyển đổi mục đích SDĐ phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt, Tân Phú có đủ điều kiện theo quy định pháp luật về đất đai và các pháp luật khác thì UBND tỉnh Bình Dương xem xét quyết định cho chuyển đổi mục đích.
Theo Tân Phú, thông tin CA Bình Dương công bố khu đất đã được thế chấp đảm bảo khoản vay 350 tỷ cũng là sai sự thật. Sự thật thì DN này từng làm thủ tục thế chấp 2 sổ đỏ khu đất, nhưng sự việc chưa hoàn tất, hợp đồng thế chấp chưa có giá trị pháp lý thì các bên đã thanh lý.
Ngày 12/9/2019, Tân Phú và OCB đã soạn thảo hợp đồng dự định thế chấp khu đất này làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 350 tỷ của một DN khác. Tuy nhiên, khi đăng ký hợp đồng thế chấp này, do cơ quan chức năng Bình Dương chưa chấp thuận nên các bên đã “khai tử” hợp đồng này. Hợp đồng thế chấp như vậy chưa hoàn thành, chưa có giá trị pháp lý, OCB chưa giải ngân một xu.
“Sau khi không thế chấp nữa, chúng tôi sử dụng dịch vụ bảo quản lưu giữ sổ đỏ của OCB. CQĐT đã quy chụp, thấy sổ đỏ nằm ở ngân hàng nên hiểu nhầm mang sổ đỏ đi thế chấp”, đại diện Tân Phú nói.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu