Theo đó, Bộ đã có một số thay đổi về khu vực ưu tiên 1 và 2, nguyện vọng và làm tròn điểm, điểm xét tuyển học bạ... Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ ban hành quy chế chính thức sau 30 ngày lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, thí sinh và phụ huynh.
Bỏ điểm sàn cao đẳng, xét tuyển học bạ vào đại học
Một điểm đặc biệt khác so với các năm trước đây là theo dự thảo, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của bậc cao đẳng là tốt nghiệp THPT. Với các hệ đại học (ĐH), căn cứ kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT xây dựng phương án xét tuyển.
Với các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển: Điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25.
Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD- ĐT quy định, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GD-ĐT. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường và số thí sinh được tuyển thẳng (kể cả số học sinh dự bị của trường; học sinh các trường dự bị ĐH được giao về trường...), Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định phương án điểm trúng tuyển.
Cũng theo dự thảo Quy chế sửa đổi, Bộ GD-ĐT quy định ngưỡng cụ thể xét tuyển bằng học bạ như sau: Đối với trường sử dụng phương án xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp các môn dùng để xét tuyển hoặc điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối với hệ ĐH (theo thang điểm 10).
Nếu trong năm 2015, Bộ quy định các trường tổ chức thi tuyển sinh riêng sẽ không được dùng kết quả thi THPT quốc gia xét tuyển thì năm nay các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ quy định.
Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành (sau đây gọi chung là ngành), các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Tốt nghiệp ở đâu, hưởng chính sách ưu tiên ở đó
Đối với chính sách ưu tiên, dự thảo quy định rõ hơn để tránh tình trạng thí sinh lợi dụng chính sách này chuyển trường về những khu vực khó khăn nhằm được cộng thêm điểm. Theo đó, thí sinh học liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó.
Nếu trong 3 năm học THPT có chuyển trường thì thời gian học ở khu vực nào lâu hơn được hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Nếu mỗi năm học một trường thuộc các khu vực có mức ưu tiên khác nhau hoặc nửa thời gian học ở trường này, nửa thời gian ở trường kia thì tốt nghiệp ở khu vực nào hưởng ưu tiên theo khu vực đó. Quy định này áp dụng cho tất cả thí sinh, kể cả những em đã tốt nghiệp từ trước năm thi tuyển sinh.
Đối tượng ưu tiên cũng được điều chỉnh. Cụ thể, đối tượng 01 là công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT) trên 18 tháng tại khu vực 1. Khu vực 2 cũng được thông tư quy định rõ hơn, gồm các thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc khu vực 1).
Năm 2015, nhiều thí sinh sau khi nhập học mới phát hiện hồ sơ có vấn đề, dẫn đến tình trạng đỗ thành trượt. Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi.
Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.
Làm sao để tránh tiêu cực?
Năm 2015, tại Đại học Y Hà Nội, một trường dẫn đầu cả nước về thí sinh trên 30 điểm (tính theo cộng điểm ưu tiên) và cũng là năm đầu tiên, trường có tới 90% thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Tại trường, có thí sinh được cộng tới 6,5 điểm ưu tiên (3,5 điểm ưu tiên khu vực 1 và 2 điểm dân tộc cùng 3 điểm khuyến khích do đoạt giải nhì quốc gia môn Sinh học). Và thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ băn khoăn việc cộng điểm ưu tiên có thật sự công bằng khi trong kỳ thi các thí sinh cạnh tranh nhau từ 0,25 điểm?
Để điểm ưu tiên thực sự có hiệu quả và công bằng, theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD-ĐT cần có giới hạn số lượng ưu tiên các em miền núi và vùng sâu, vùng xa. Điểm cộng ưu tiên cho mỗi thí sinh không nên quá 2 điểm (với tổng điểm xét tuyển đối đa là 30 cho một khối thi). Thêm nữa, ưu tiên không có nghĩa cộng điểm, có thể mở rộng mô hình học bổ túc, dự bị để cho những học sinh chưa đủ trình độ vào đại học có nhiều cơ hội hơn.
Còn PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đề xuất, điểm cộng (ưu tiên và khuyến khích) không nên quá 10% tổng điểm xét tuyển. Một học sinh thuộc diện được hưởng nhiều chế độ ưu tiên và khuyến khích như khu vực, dân tộc, học sinh giỏi quốc gia, chỉ nên chọn chế độ có điểm cộng cao nhất. Bởi việc không kiểm soát được điểm ưu tiên sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực như chạy hộ khẩu, chạy hồ sơ, học bạ...