Hai lần Thủ tướng Chính phủ có ý kiến
Dự án đầu tư dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho UBND tỉnh Phú Yên triển khai từ năm 2009 theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) và áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp Dự án vào Danh mục đề nghị được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011- 2015 để hỗ trợ cho tỉnh Phú Yên.
Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2011- 2015, nhưng dự án đã bị gián đoạn do chính sách cắt giảm đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11 năm 2011. Đến giữa năm 2015, công trình mới được UBND tỉnh Phú Yên cùng liên danh các nhà đầu tư tiến hành khởi công với tổng mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tuyến đường có tổng chiều dài hơn 61 km, quy mô đường cấp bốn miền núi, được thi công theo hình thức BT và áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư gồm Liên danh Cty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Phương Anh, Cty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh, Cty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn.
Đại diện UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai là tuyến giao thông huyết mạch, có ý nghĩa quan trọng góp phần tránh trú bão, cứu hộ cứu nạn, việc nâng cấp tuyến đường này không những rút ngắn tuyến giao thông giữa đồng bằng với Tây Nguyên mà còn tạo điều kiện khai thác tiềm năng địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi trong khu vực.
Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có ý kiến chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Phú Yên khẩn trương rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư để phân kỳ đầu tư Dự án nâng cấp tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai, đoạn trên địa bàn tỉnh Phú Yên phù hợp với khả năng nguồn vốn; Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của dự án vào kế hoạch đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Yên vào tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận, nêu rõ, Dự án tuyến đường bộ nối tỉnh Phú Yên với tỉnh Gia Lai là công trình dở dang, UBND tỉnh Phủ Yên và Gia Lai rà soát quy mô, tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư Dự án (đoạn qua địa phận mỗi tỉnh) phù hợp với khả năng nguồn vốn. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn của Dự án vào Danh mục dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020…, đảm bảo đầu tư đồng bộ tuyến đường, trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Dự án tiếp tục bị dở dang?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, tỉnh Phú Yên đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành tuyến đường vào năm 2019 và đã có văn bản đề nghị Bộ KH-ĐT đưa Dự án đường nối Phú Yên - Gia Lai vào danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020, thay thế cho danh mục dự án sửa chữa, nâng cấp công trình chỉnh trị cửa sông Đà Nông.
Tuy nhiên, địa phương này đã khá bất ngờ khi biết rằng, theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 tuy được bố trí 900 tỷ đồng, nhưng Bộ KH-ĐT lại không trình phương án đầu tư số vốn này cho Dự án nâng cấp tuyến đường nối Phú Yên - Gia Lai.
Ông Nguyễn Thành Trí - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho hay, nếu đầu tư xong dự án này sẽ tạo động lực để phát triển kinh tế của các xã vùng căn cứ cách mạng và nó gắn liền với vấn đề an ninh quốc phòng giữa miền Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, kết nối đường quốc lộ 1 với đường 19 và đường Hồ Chí Minh. Chậm tiến độ thì dân cư sẽ bị chia cắt mùa mưa lũ, đi lại rất khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi là rất khó khăn.
Ngoài ra, việc không đưa dự án vào danh mục đầu tư còn khiến địa phương này lo ngại rằng, dự án dở dang sẽ khiến mất uy tín và phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng nếu phải đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tỉnh Phú Yên cũng còn phải thanh toán hợp đồng ở những hạng mục mà các nhà đầu tư đã thực hiện như: giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, tư vấn khảo sát thiết kế, các khối lượng đã thi công trên tuyến… Dự án dừng thi công về lâu dài cũng sẽ gây bức xúc cho nhân dân trong vùng.
Được biết, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính kiến nghị về vấn đề trên và đề nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn trái phiếu cho Dự án tuyến đường bộ nối Phú Yên với Gia Lai – một dự án trọng điểm nhưng bị dang dở từ năm 2010 đến nay.