Di tích chờ… sập
Từng là nơi hoạt động của cán bộ cách mạng trước và sau 1945, đình làng An Cựu (phường An Cựu, TP Huế, Thừa Thiên Huế), một ngôi đình cổ có niên đại cách đây hàng trăm năm và đã được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh vào năm 2008.
Tuy nhiên, khi có mặt tại ngôi đình thì một cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là những bức tường gạch của hai dãy nhà phụ đã bị đổ nát hoàn toàn, bên trong chính điện là cuộc sống của một người dân tá túc ở đây. Dãy cửa gỗ trước của ngôi đình cũng bị hư hỏng, khi đóng lại phải dùng dây thép buộc.
Bên cạnh đó, phía trong sân đình cỏ mọc um tùm, quần áo người dân xung quanh phơi ngổn ngang làm mất đi mỹ quan của ngôi đình. Mái ngói liễn của ngôi đình cũng bị bể nát không còn được nguyên vẹn…Một di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng do không được con người quan tâm tu sửa và sự thiếu ý thức của một số người dân đã và đang làm cho tình hình xuống cấp ngày càng nhanh hơn.
Ông Lê Văn Ngộ - Trưởng làng, Phó Ban quản lý di tích đình làng An Cựu cho biết: “Đình làng này giờ xuống cấp đến 80% và cần được chống xuống cấp khẩn cấp. Hơn 8 năm nay, dân làng kêu cứu, Hội đồng tộc trưởng của làng nhiều lần làm đơn kiến nghị, đề xuất nhưng vẫn chưa được trùng tu”.
Cùng chung cảnh ngộ với đình làng An Cựu, đình làng Thế Lại Thượng nằm trên đường Bạch Đằng thuộc phường Phú Hiệp (TP Huế) với kiến trúc và không gian độc đáo, ngôi đình ba gian hai chái này đã được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Đây là ngôi đình cổ rất nổi tiếng trong hệ thống đình làng ở Huế, nằm hướng ra sông Đông Ba.
Ông Nguyễn Đắc Chỉnh, Trưởng làng Thế Lại Thượng chỉ cho chúng tôi những cột đình đã bị mối mọt ăn thủng, nhiều đoạn tường đình bị sập đổ, phải dùng dây thép gai để rào chắn lại. Ông cho biết: “Mái ngói cũng bị nứt toác nhưng do không có tiền để thay ngói mới, cũng không đủ tiền mua tôn mới nên chỉ đi mua tôn cũ để che tạm nắng mưa”.
Cách đây khoảng 2 năm, ông và chính quyền địa phương đã gửi văn bản lên cơ quan chức năng xin chi phí để trùng tu một số hạng mục nhưng chờ hoài vẫn không thấy hồi âm. Nếu tình trạng xuống cấp kéo dài thì đình làng có thể đổ sập bất cứ lúc nào – ông Chỉnh cho hay.
Thanh Bình Từ Đường (nằm trên đường Chi Lăng, TP Huế) là ngôi từ đường cổ hiếm hoi còn lại ở Việt Nam được công nhận Di tích Quốc gia từ năm 1992. Sau vài lần tôn tạo chắp vá, hiện ngôi từ đường cổ này đang bị dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, các trụ đỡ bị mục ruỗng phải sử dụng các ống sắt để chống sập, các kèo cột, đòn tay đều bị mối mọt ăn phải sử dụng các cột sắt để buộc tạm.
Ông Trần Ngọc Lợi (89 tuổi), người giữ hương khói ngôi từ đường đã 60 năm nay cho biết, lúc trước ngôi từ đường gọi là Thanh Bình Thự, được xây dựng vào năm Minh Mạng nhị niên để dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát Bội Việt Tường trong cung cấm. Trải qua hơn 180 năm, hiện từ đường đang xuống cấp trầm trọng.
Phần cột trụ của Di tích Quốc gia Thế Lại Thượng bị mối mọt ăn, phần mái ngói bị hư hỏng phải sử dụng mấy tấm tôn cũ để lợp lại và dùng thép gai để rào chắn những chỗ bị hư hỏng |
Muốn trùng tu phải xác định rõ trách nhiệm từng cấp
Trao đổi về vấn đề di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, ông Cao Huy Hùng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên Huế cho rằng: Thành phố Huế phải đưa vào lộ trình xây dựng kế hoạch hàng năm, phải ưu tiên đưa những di tích có nguy cơ sụp đổ vào kế hoạch tu sửa lúc nào, khi nào.
Về phương pháp làm thì Nhà nước phải có một phần đầu tư và phải phát động được hình thức xã hội hóa từ các tổ chức và cá nhân. Ngoài ra, phải xác định nhân dân là chủ thể của di tích đó, họ phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước. Nhưng để đảm bảo các di tích không bị xâm hại, cơ quan nhà nước phải quản lý chặt về mặt chuyên môn và thực hiện tốt các luật di sản.
Cũng theo ông Hùng, để bảo vệ và gìn giữ các di tích thì các phường cũng phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và báo cáo với thành phố những vấn đề xuống cấp. Phải huy động lực lượng của toàn xã hội, phải xác định rõ trách nhiệm của thành phố, của phường chứ không thể đổ qua đổ lại, không ai chịu trách nhiệm. Khi có sự xuống cấp rồi phải quy định rõ thành phố phải chịu trách nhiệm gì và đơn vị hưởng lợi chịu những trách nhiệm gì.
Hiện kinh phí yêu cầu bảo tồn di tích quá lớn nhưng thực tế vốn rất hạn hẹp nên gặp rất nhiều khó khăn. Không phải cái gì cũng khoán trắng cho Nhà nước hoặc cái gì cũng khoán trắng cho nhân dân mà Nhà nước và nhân dân cùng chung tay.
Nhiều người làm công tác văn hóa phản ánh, công tác tuyên truyền chưa tích cực, đầy đủ nên người dân chưa hiểu được giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng là việc cần thiết, để những người sống trong vùng di tích hiểu rõ giá trị, ý nghĩa của di tích và tự hào về nó.
Ông Trần Quốc Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phú Hiệp, Trưởng Ban quản lý di tích phường cho rằng: "Tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như chính quyền địa phương đều canh cánh nỗi lo trùng tu các di tích trên địa bàn nhưng “lực bất tòng tâm” vì chẳng có tiền. Khi di tích xuống cấp, chúng tôi đã gửi nhiều văn bản lên cấp trên kêu cứu.
Chúng tôi cũng đã mời đơn vị tư vấn lập hồ sơ trùng tu gửi ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin kinh phí tu bổ nhưng chưa có phản hồi. Chỉ sợ lâu quá, không biết di tích có chờ nổi không. Đây là di tích rất có giá trị về kiến trúc, văn hóa, nếu đến khi bị sập đổ, mất đi thì không bao giờ tìm lại được”.