Đầu tháng 8, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) có văn bản hỏa tốc gửi đến các sở VH-TT&DL 63 tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh một số hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Một trong những nội dung quan trọng trong văn bản này là đề nghị các sở tham mưu cho UBND tỉnh, TP hạn chế tối đa việc cho phép tổ chức các cuộc thi người đẹp.
Lý do mà Bộ đưa ra là trong thời gian gần đây, một số đơn vị tổ chức cuộc thi không thực hiện đúng quy định của pháp luật cũng như bị dư luận, báo chí lên tiếng về tình trạng thương mại hóa, thí sinh đoạt giải không giữ gìn đạo đức, hình ảnh danh hiệu...
Có thể nói, đề nghị của Bộ VH-TT&DL dẫu có muộn màng nhưng là động thái tích cực trước tình trạng loạn thi nhan sắc như hiện tại. Tuy nhiên, hai chữ “hạn chế” là quá mông lung; hạn chế như thế nào, căn cứ vào đâu để hạn chế? Và phải chăng Bộ không những chỉ “hạn chế” mà cần phải thẳng tay cắt tỉa những cuộc thi quá nhiều tai tiếng, như Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam (HHCDTVN) hay Nữ hoàng sắc đẹp là ví dụ.
Hiện nay, theo quy định của Bộ VH-TT&DL thì mỗi năm chỉ cho phép tổ chức tối đa hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Tuy nhiên, ngoài hai cuộc thi này thì mỗi năm nước ta còn có hàng loạt các cuộc thi sắc đẹp cấp vùng miền, ngành, đoàn thể trung ương khác. Đó là chưa kể đến những cuộc thi nhan sắc cấp tỉnh!
Có thể nói, chưa bao giờ các cuộc thi nhan sắc lại nhiều như hiện tại, cũng như chưa khi nào giá trị của danh hiệu, vương miện hoa hậu lại trở nên mất giá trị đến thế! Đến mức người đẹp dù khó khăn vất vả mới đạt được nó nhưng cũng sẵn sàng từ bỏ, thậm chí coi nó như một thứ rác vứt đi!
Và không phải cuộc thi nào cũng tổ chức một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp. Đã có rất nhiều cuộc thi bị chính thí sinh tố là mua bán giải, không minh bạch, ưu tiên “gà nhà”… Đáng nói nhất có lẽ chính là cuộc thi HHCDTVN do công ty CIAT mà quý bà Đoàn Thị Kim Hồng làm Chủ tịch HĐQT phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Đây là một cuộc thi hoa hậu mang tai tiếng ngay từ mùa giải đầu tiên vào năm 2007 cho đến bây giờ!
Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc việt Nam 2011 |
Về mặt lý thuyết, HHCDTVN là cuộc thi tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, trí tuệ, tài năng của các thiếu nữ các dân tộc Việt Nam, đồng thời giới thiệu nền văn hóa dân tộc đầy bản sắc của các dân tộc trên cả nước; hướng tới đoàn kết - thân thiện - hòa hợp - hội nhập phát triển. Có thể thấy đó là một mục đích rất tốt đẹp mà cuộc thi này đã đề ra.
Song, đáng tiếc là người trực tiếp thực hiện nó lại làm sai lệch đi quá nhiều dẫn đến chuyện lý thuyết một đằng nhưng thực tế lại đi một nẻo! Các hoa hậu bước ra từ cuộc thi này đều hoàn toàn mờ nhạt so với các cuộc thi nhan sắc khác; còn nếu có được chú ý đến thì hầu hết đều xuất phát từ những scandal!
Thật tế là khó ai có thể nhớ được tên của HHCDTVN qua các năm. Thay vào đó, người ta có thể nhớ ngay rằng ở mùa đầu tiên vào năm 2007, ngay sau nhận danh hiệu Á hậu, người đẹp Trương Thị May liền bị tố cáo khai gian trình độ học vấn, chưa có bằng tốt nghiệp THPT và dân tộc Kinh nhưng lại khai là dân tộc Khmer để đủ điều kiện dự thi.
Hay vào giữa năm 2013, khi cuộc thi HHCDTVN vừa kết thúc, Quý bà Kim Hồng, lúc đó là phó trưởng ban tổ chức tiếp tục bị dính vào vụ lùm xùm khi Hoa hậu Nguyễn Thị Ngọc Anh, người đẹp vừa đăng quang năm đó bị tố mua giải.
Cụ thể là có một thí sinh đạt giải phụ lên tiếng rằng, chiếc vương miện của Ngọc Anh đang giữ đã được mua lại với giá 1,5 tỷ đồng từ Ban tổ chức trước đó khá lâu! Đặc biệt, con trai của bà Kim Hồng còn bị đồn là có quan hệ yêu đương với tân hoa hậu này và đó cũng chính là lý do Ngọc Anh được đăng quang hoa hậu.
Gần đây nhất là scandal hoa hậu Triệu Thị Hà (hoa hậu đoạt giải HHCDTVN năm 2011) xin trả vương miện. Lý do được Triệu Thị Hà chia sẻ trên báo chí là do cô bị Ban tổ chức quá o ép, bị lợi dụng sức lao động. Đặc biệt, hoa hậu bức xúc khi bị Ban tổ chức bắt đi tiếp khách lúc nửa đêm mà không rõ lý do!
Người đẹp từ bỏ danh hiệu, xem danh hiệu như thứ rác vứt đi |
Như vậy, trải qua 3 mùa giải thì HHCDTVN đều để xảy ra scandal, tai tiếng. Mà những scandal này không phải là tai bay vạ gió hay là từ trên trời rơi xuống mà nó là kết quả từ hành động của con người, cụ thể ở đây là Ban tổ chức. Song, lạ một điều là trước những sự việc nghiêm trọng này thì chỉ cần vài thanh minh của bà Kim Hồng là… xong chuyện!
Ví dụ, một vụ ầm ĩ như nghi án hoa hậu 2013 bị tố mua giải lại dễ dàng êm xuôi sau khi bà Kim Hồng lên báo nói: không thiếu thốn để bán giải! Nhưng ngược lại, với vụ Triệu Thị Hà trả vương miện và tố Ban tổ chức thì lại thấy sự vào cuộc một cách nhiệt tình quá mức cần thiết của phía Bộ VH-TT&DL, Cục NTBD!
Trong khi đó, ở cuộc thi Nữ hoàng biển, ngay sau khi có người tố cáo về một vài sai phạm trong khâu tổ chức cuộc thi thì đại diện của Bộ VH-TT&DL đã đến làm việc ngay với BTC. Và ngay ngày hôm sau đó, Cục NTBD đã ban hành luôn quyết định thu hồi giấy phép cuộc thi, buộc cuộc thi phải dừng lại trước thềm chung kết.
Và đương nhiên với kiểu xử lý chụp giật như vậy thì chuyện Cục NTBD thua kiện BTC Nữ hoàng biển như vừa qua cũng là chuyện dễ hiểu!
Sau rất nhiều những lùm xùm, tai tiếng nhưng quý bà Kim Hồng vẫn bình yên vô sự. Và cho đến nay, cuộc thi HHCDTVN của bà vẫn sẽ được tổ chức đều đặn 2 năm/lần. Thiết nghĩ, với những cuộc thi có quá nhiều tai tiếng, nhưng hạn hẹp về mặt ý nghĩa xã hội như HHCDTVN thì nhà quản lý cần quyết liệt hạn chế, dẹp bỏ đúng như tinh thần “hạn chế tối đa thi người đẹp”!