3 tháng là ngắn?
Theo quy định tại Điều 33 BLHS thì tù có thời hạn là việc buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam trong một thời hạn nhất định, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 20 năm. Như vậy có thể thấy rằng, việc quy định thời hạn tối thiểu của hình phạt tù là 3 tháng như hiện nay dựa trên cơ sở cho rằng hình phạt tù là hình phạt nghiêm khắc nên việc tước tự do thân thể của một người ở mức độ đó là đủ để người phạm tội trả giá cho hành vi của mình.
Phạm nhân lao động trong thời gian chấp hành án. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh Tuyên (VKSNDTC), đại diện nhóm chuyên gia trong nước xây dựng Báo cáo “Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chế tài hình sự hiện hành”, thời hạn này là không hợp lý bởi mục đích quan trọng của hình phạt là cải tạo, giáo dục người phạm tội trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa chung thì với thời hạn chấp hành hình phạt tù ngắn ngủi như vậy sẽ khó đạt được; hơn nữa, từ góc độ tổ chức thi hành hình phạt tù đòi hỏi mất nhiều thời gian vì thủ tục rất phức tạp. Vì vậy, sẽ là thiếu hợp lý khi cơ quan tiến hành tố tụng phải bỏ ra một thời gian tương đối dài chỉ để thi hành một quyết định mà hiệu quả không cao.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Anh Tuyên cũng cho rằng một bất cập khác trong Điều 33 BLHS là chỉ quy định thời hạn tối thiểu và thời hạn tối đa của hình phạt tù có thời hạn mà không quy định đối tượng được áp dụng, loại tội được áp dụng, điều kiện áp dụng như đối với một số loại hình phạt khác. Đặc biệt, điều luật cũng không quy định điều kiện chung của việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn… gây khó khăn trong việc áp dụng.
Cần thận trọng
Để khắc phục những bất cập nêu trên, nhóm chuyên gia đề nghị tăng mức phạt tù tối thiểu từ 3 tháng lên 6 tháng bởi với thời hạn dưới 6 tháng sẽ khó tổ chức cải tạo, giáo dục hiệu quả. Đây cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy” mà một số Tòa án áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà họ có thể được áp dụng hình phạt không phải tù hoặc cho hưởng án treo.
Tuy nhiên, theo ông Chu Thành Quang (Viện Khoa học xét xử, TANDTC) thì đề xuất tăng mức phạt tù tối thiểu cần phải nghiên cứu kỹ, bởi theo tinh thần cải cách tư pháp và xu hướng hiện nay là đang từng bước chuyển dần cho Tòa án thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính. Theo xu hướng này, hình phạt tù có thời hạn tính theo ngày nên cũng được cân nhắc để áp dụng đối với những trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng thay thế cho biện pháp tạm giữ hành chính hiện nay.
Ông Vũ Việt Hùng (VKSNDTC) - cũng cho rằng, mức khởi điểm hình phạt tù 3 tháng hay 6 tháng không quan trọng bằng việc phải đánh giá hiệu quả việc áp dụng quy định hiện nay, từ đó mới có cơ sở để đề xuất mức bao nhiêu là phù hợp.
“Mức khởi điểm hình phạt tù có thời hạn trước đây là rất ngắn. Quy định ngắn cũng có nhiều lý do, song chúng ta chưa có đánh giá, tổng kết về vấn đề này nên việc đưa lên 6 tháng cần phải thận trọng, vì còn liên quan đến nhiều yếu tố khác” là đề xuất của ông Lê Trung Kiên (Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân).
Ngoài vấn đề tăng hay giữ nguyên quy định về mức tối thiểu của hình phạt tù, nhiều ý kiến còn đề nghị sửa đổi BLHS 2009 cần nghiên cứu rút ngắn khoảng cách giữa mức tối thiểu và tối đa của khung hình phạt ở một số điều luật cụ thể để thuận tiện cho việc áp dụng các quy định này trên thực tiễn.n
Khi không còn lựa chọn nào khác mới áp dụng phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội
Sửa đổi BLHS, nhóm chuyên gia đề xuất nghiên cứu bổ sung thêm một số hình phạt không tước tự do vào hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội (ví dụ như hình phạt lao động phục vụ cộng đồng), đồng thời xác định rõ nguyên tắc hình phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phải là biện pháp cuối cùng, khi không lựa chọn được các hình phạt khác thích hợp hơn.