Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Hà Nội cho biết, từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, nguồn thu chính của Văn phòng chủ yếu dựa vào hoạt động lập vi bằng. Số lượng vi bằng trung bình hàng tháng của năm 2015 được lập cao hơn trung bình hàng tháng của năm 2014.
Tuy nhiên, công tác lập vi bằng còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Công tác tuyên truyền về TPL nói chung và lập vi bằng nói riêng chưa tạo được dấu ấn đột phá để thay đổi nhận thức của người dân. Đại đa số người dân chưa hiểu được giá trị pháp lý của vi bằng.
Bước sang năm 2015, số lượng khách hàng tìm đến Văn phòng TPL yêu cầu lập vi bằng ngày càng tăng lên nhưng số lượng lập vi bằng vẫn chưa nhiều do Văn phòng phải từ chối nhiều yêu cầu lập vi bằng vì không thuộc thẩm quyền của TPL. Ví dụ vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi xảy ra ngoài địa bàn thành phố Hà Nội; vi bằng sự kiện, hành vi liên quan đến quá trình thi hành công vụ của cán bộ, công chức…
Hiện tại, Văn phòng TPL Hà Nội đã ký Hợp đồng dịch vụ tống đạt với 03 cơ quan là: Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Chi cục Thi hành án quận Thanh Xuân, Chi cục Thi hành án dân sự quận Long Biên. Văn phòng đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan trên trong hoạt động tống đạt. Do đó, hoạt động tống đạt văn bản đã đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, số lượng văn bản tống đạt còn chưa nhiều. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực của Văn phòng còn hạn chế. Bên cạnh đó, do mức phí tống đạt còn thấp so với chi phí thực tế nên hoạt động tống đạt còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù Văn phòng TPL Hà Nội luôn luôn chú trọng để nâng cao chất lượng, số lượng xác minh điều kiện thi hành án (THA) và trực tiếp tổ chức THA. Thế nhưng hiệu quả thu được còn thấp do nhiều nguyên nhân. Đơn cử các hợp đồng được khi mới bắt đầu hoạt động, khách hàng còn chưa biết nhiều về hoạt động TPL; chính quyền địa phương một số nơi còn chưa nhiệt tình, chưa phối hợp trong xác minh và tổ chức THA, nhận thức chưa đúng về TPL, vẫn có quan điểm cho rằng TPL là đơn vị đòi nợ thuê nên không có trách nhiệm phối hợp.
Bên cạnh đó, các ngân hàng còn chậm cung cấp thông tin về tài khoản của người phải THA, cơ quan đăng ký tài sản cung cấp chưa kịp thời thông tin về tài sản của người phải THA theo yêu cầu của TPL. Cơ quan thuế từ chối cung cấp thông tin về báo cáo thuế hàng tháng, báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về TPL, tạo hành lang pháp lý cho TPL hoạt động, Văn phòng TPL Hà Nội cũng mong muốn thành phố tuyên truyền nhiều hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, giá trị công việc của TPL; các cơ quan chức năng tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho các TPL, đặc biệt là về kiến thức, kinh nghiệm xác minh điều kiện THA và tổ chức THA; tăng cường kinh phí cho hoạt động TPL, hỗ trợ cơ sở vật chất, tăng phí tống đạt, tạo điều kiện cho TPL hoạt động có hiệu quả.
Đối với hoạt động lập vi bằng, mở rộng phạm vi công việc và địa bàn TPL được lập vi bằng. Đối với hoạt động tống đạt, đề nghị có sự phân loại các văn bản cần giao cho TPL trực tiếp tống đạt để tránh lãng phí ngân sách nhà nước và lãng phí nguồn nhân lực.