Theo báo cáo, tính đến 30/9/2016, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang quản lý 72.684 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ nhận thác của NHCSXH là gần 60.000 tỷ đồng, cho 2.652.796 hộ gia đình phụ nữ nghèo vay. Trong đó, tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo (14.000 tỷ đồng); hộ cận nghèo (12.000 tỷ đồng); hộ thoát nghèo (4.000 tỷ đồng); HSSV có hoàn cảnh khó khăn (8.100 tỷ đồng) và cho vay giải quyết việc làm (2.500 tỷ đồng).
Minh chứng cho việc sử dụng “cần câu” hiệu quả để thoát nghèo có thể kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Duyên ở xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Theo đó, năm 2013, gia đình chị Duyên được vay 25 triệu đồng hộ cận nghèo của NHCSXH cùng với số tiền dành dụm của gia đình, vợ chồng chị Duyên đã cải tạo 1.500m2 mặt nước làm ao thả cá giống và nuôi bò sinh sản, gà thịt. Công việc nuôi cá, và chăm sóc đàn gà, bò sinh sản thuận lợi, cho thu nhập cao, gia đình chị tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống chuồng trại, ao nuôi. Dự kiến trừ mọi chi phí gia đình chị cũng để ra 60 -70 triệu đồng/ năm.
Từ một trong những gia đình nghèo nhất nhì xã, gia đình chị đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Tương tự, gia đình chị Hà Thị Hậu ở xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình) trước đây là hộ nghèo điển hình. Thông qua Hội Phụ nữ xã, gia đình chị đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiện, gia đình chị đẩy mạnh đầu tư vào chăn nuôi lợn, bình quân xuất bán 3 lứa/năm. Ngoài ra, gia đình chị còn thu mua nông sản tại chỗ bán cho các thương lái. Nguồn thu từ chăn nuôi và kinh doanh đạt trên 100 triệu đồng/năm đã giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững, có điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.
Vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH thông qua nhiều “kênh” như tổ chức hội, đoàn cơ sở đã bước đầu khẳng định được tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế của chị em nói chung và đặc biệt là với phụ nữ nghèo nói riêng. Tuy nhiên, một thực tế là việc sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hiệu quả luôn là một bài toán khó đối với những đối tượng vay vốn, bởi nguyên nhân của sự đói nghèo đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức, thiếu khoa học kỹ thuật và cả công tác quản lý tài chính của từng hộ vay.
Bởi vậy, từ những mô hình phát triển kinh tế điển hình, nên chăng các cấp Hội, Đoàn phụ trách công tác liên quan cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” cho từng trường hợp vay vốn cụ thể sao cho “cần câu” phát huy tác dụng hiệu quả cao nhất. Có như vậy mới có thể tạo ra động lực để chị em vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước phát triển thành hộ khá, giàu.