Đối với người nông dân thì đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì độ mặn giảm là do quy luật tự nhiên, tức triều cường tăng chứ không phải do Trung Quốc xả đập.
Độ mặn giảm là do triều cường
Theo PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), đến nay các địa phương khu vực ĐBSCL vẫn chưa nhận được nước từ đập Cảnh Hồng (Trung Quốc). Thời gian tới, nếu nhận được cũng sẽ rất ít, không có ý nghĩa.
Do đó, ông Tuấn cảnh báo nông dân miền Tây “không nên nghe thông tin độ mặn giảm mà vội vàng xuống giống lúa hè thu vì theo dự báo từ nay đến tháng 6/2016 vẫn xảy ra nắng hạn gay gắt”.
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết, Trung Quốc xả đập Cảnh Hồng từ ngày 13/3, nếu nước đến được ĐBSCL cũng phải mất từ 20-21 ngày. Như vậy, độ mặn giảm mấy ngày qua là do triều cường tăng theo quy luật tự nhiên, đẩy nước mặn ra biển, làm giảm độ mặn ở một số địa phương chứ không phải do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về.
Trong khi đó, tình trạng hạn mặn tại Cà Mau không có gì thay đổi, vẫn đang ở mức báo động và ngày càng gay gắt hơn
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho hay, nếu Trung Quốc có xả đập thì tình trạng hạn mặn tại Cà Mau vẫn không có gì chuyển biến vì Cà Mau sản xuất nông nghiệp 100% là dựa vào nước trời - chỉ có mưa xuống thì tình trạng hạn mặn nơi đây mới có thể cải thiện.
Kiểm tra chặt chẽ độ mặn trên sông
Theo ghi nhận của phóng viên, mấy ngày qua tại một số địa phương độ mặn của nước đã giảm bớt so với những ngày đầu tháng ba. Theo Trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), độ mặn đã giảm vài ngày qua ở nhiều nơi; riêng tại xã Hưng Khánh Trung B (nơi có cán bộ trực đo độ mặn hàng ngày), độ mặn chỉ còn 1,2‰, trong khi trước đó nơi đây độ mặn gần đến 2‰. Còn tại xã Phú Sơn, nơi từng có độ mặn rất cao đã giảm xuống còn 2,4‰.
Ở một số địa phương thuộc tỉnh Trà Vinh, hiện độ mặn cũng đã giảm, nhiều khu vực độ mặn chỉ còn có 0,5‰. Từ ngày 30/3 đến nay, ngành chức năng tỉnh này đã vận hành lấy nước ngọt ở một số cống tại địa phương, từ đó giải quyết được một phần nước nội đồng cho bà con nông dân.
“Chúng tôi đang kiểm tra chặt chẽ 24/24 giờ độ mặn trên sông và sẽ tiếp tục lấy nước vào nội đồng để phục vụ số diện tích lúa hè thu tại huyện Càng Long và Cầu Kè, một số trà lúa đông xuân còn lại ở huyện Trà Cú và Châu Thành” - ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Trà Vinh, phấn khởi cho biết.
Cũng như các địa phương trên, hiện độ mặn của nước ở Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng đang có chiều hướng giảm. Các con kênh ở cách Đại Ngãi (huyện Kế Sách) và huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng khoảng 7km đã có nước ngọt, độ mặn được đẩy lùi ra xa theo hướng biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết, nước ngọt hiện đã có ở một số nơi đã giảm bớt diện tích thiệt hại cho ngành nông nghiệp và cứu được khoảng 2.000ha lúa xuân hè đã xuống giống.
Giúp người dân học cách đo độ mặn
Để ứng phó với tình trạng hạn, mặn giúp người dân có nước phục vụ sản xuất, bên cạnh nhiều giải pháp thiết thực mà tỉnh đã thực hiện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại một số địa phương ở ĐBSCL còn tích cực trực tiếp hướng dẫn nhiều người dân học cách đo độ mặn, chọn thời điểm thích hợp để có thể chủ động lúc nào bơm nước vào ao để trữ, lúc nào không nên bơm nước vào để cứu vườn cây ăn trái của mình.
Ông Nguyễn Huỳnh Thiên, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chợ Lách cho biết, hiện tại mỗi ngày có hơn 100 lượt người dân mang mẫu nước đến đo độ mặn, cao điểm có ngày hơn 150 lượt. Để kịp thời hỗ trợ cho người dân, Trạm đã phân công cán bộ đo độ mặn miễn phí cho người dân xuyên suốt kể cả ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật để người dân an tâm sản xuất.
“Hiện độ mặn dao động dưới 2‰ nên một số loại cây mẫn cảm với mặn như: sầu riêng, chôm chôm khó chịu được. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nên đo độ mặn trước khi bơm, tưới và chọn thời điểm lúc nước ròng khi độ mặn đã giảm”, ông Thiên cho biết thêm.