Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương triển khai Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế.
Ngày 4/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP.HCM thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật của nước ta trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020.
Theo Đề án, hai trường sẽ trở thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật, có đội ngũ giảng viên vững mạnh; hệ thống chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo tiên tiến; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, cơ sở thực hành và thư viện hiện đại; có mô hình quản trị tiên tiến; tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật và nghiên cứu khoa học pháp lý; cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, theo thống kê, Trường Đại học Luật Hà Nội đang đào tạo gần 15.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh với 293 giảng viên, trong đó có 2 giáo sư, 24 phó giáo sư, 97 tiến sỹ, 144 thạc sỹ, 5 giảng viên nước ngoài làm việc dài hạn.
Còn Trường Đại học Luật TP.HCM trong năm học 2014 – 2015 đã tuyển sinh đại học chính quy được 1.548 sinh viên trúng tuyển làm thủ tục nhập học trên tổng số 1.500 chỉ tiêu đăng ký, đạt tỷ lệ 103,2%.
Có thể thấy, các trường đang từng bước thực hiện đúng mục tiêu đặt ra, đảm bảo đến năm 2016, tổng quy mô đào tạo đại học chính quy của hai trường vào khoảng 22.000 sinh viên; mở rộng quy mô tuyển sinh văn bằng 2, thạc sĩ và tiến sĩ với mức tăng năm sau so với năm trước khoảng 12%, kết hợp nâng cao chất lượng đại học hệ vừa học vừa làm.
Tuy vậy, qua gần hai năm triển khai, việc thực hiện Đề án tổng thể vẫn gặp nhiều khó khăn như: tiến độ triển khai dự án còn chậm; việc mở rộng quy mô đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng đào tạo của các trường chưa có chuyển biến mạnh mẽ so với thực tế cải cách tư pháp hiện tại; việc phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao có thể không đạt được kết quả của giai đoạn 1 (đến năm 2016 có 900 giảng viên); quy mô nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, chưa được đầu tư, quan tâm thỏa đáng; vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập tuy đã có cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với một cơ sở hàng đầu của cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đánh giá Đề án là cơ hội lớn, là “cú hích” để hai trường trở thành những trường trọng điểm của quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo Đề án, lãnh đạo hai trường cần rà soát lại, thống kê đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan trên tất cả các mặt làm cho việc thực hiện Đề án chậm. Từ đó, cần thực hiện quyết liệt hơn gấp hai, gấp ba lần, cần nắm bắt cơ hội, phối hợp nhịp nhàng giữa các bên để tạo đột phá trong quá trình thực hiện Đề án này.