Chỉ riêng ở An Giang đã có 150 di chỉ, tiêu biểu như di chỉ Đá Nổi (huyện Thoại Sơn) với nhiều mộ hỏa táng, di chỉ Ba Thê với hàng loạt dấu vết kiến trúc, cư trú, tháp cổ An Lợi, di chỉ Cô Tô (huyện Tri Tôn), di chỉ Gò Cây Tung (huyện Tịnh Biên)…
Di chỉ đầu tiên được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện và khai quật tại gò Óc Eo (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944. Tiếp theo đó, các nhà khảo cổ học đã khai quật và làm làm rõ thêm diện mạo nền văn hóa cổ Óc Eo.
Ở Óc Eo đã phát hiện ra nhiều di chỉ khác nhau như di chỉ cư trú, di chỉ kiến trúc tôn giáo, di chỉ mộ táng... cùng rất nhiều hiện vật quý như tượng thờ, linh vật, phù điêu, con dấu, tiền tệ, di vật bằng vàng, đồ trang sức bằng đá quý, vật dụng bằng đá, đồ gốm, vật dụng bằng gỗ, cốt động vật, cốt thực vật...
Qua phân tích các mẫu vật, đã xác định được niên đại của di chỉ Óc Eo là cuối thế kỷ 2 đến thế kỷ 5. Các hiện vật khảo cổ đã nói lên tầm quan trọng rất lớn trong nền văn hóa Óc Eo ở Đông Nam Á.
Những hiện vật đa dạng đã chứng minh rằng cư dân Óc Eo đã có chữ viết, tiền tệ, có hệ thống sản xuất với nhiều ngành nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có thương nghiệp phát triển và đời sống tinh thần phong phú, có sức lan tỏa rộng lớn ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.
Về di tích kiến trúc, nơi đây phát hiện được nhiều nền móng các công trình cổ. Chùa Linh Sơn là một điển hình. Trong chùa còn lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá trị. Tại gò Út Trạnh đã phát hiện một tổng thể kiến trúc gạch, gồm ba hạng mục chính, được xây thẳng hàng và cách đều nhau, dàn trải theo trục Bắc- Nam, cửa quay hướng Đông...
Khuôn đúc tượng Phật được khai quật ở Ba Thê |
Đây là một loại hình kiến trúc tôn giáo hoàn toàn mới tại khu vực Óc Eo - Ba Thê và miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt, tại di tích gò Cây Da đã phát hiện dấu vết của kiến trúc nhà sàn với những cọc gỗ tập trung thành nhóm trên cánh đồng, ven chân gò.
Không những thế, nơi đây còn phát hiện di chỉ mộ táng với nhiều hình dạng khác nhau: Mộ vò gốm, mộ hỏa táng, mộ huyệt đất. Mộ vò gốm được phát hiện ở khu vực Linh Sơn Nam, với miệng loe xiên, thành miệng rộng, có nắp đậy, bên trong chứa năm hạt chuỗi bằng vàng, một hạt chuỗi mã não (bị vỡ), niên đại vào khoảng những năm 40 - 70 sau Công nguyên.
Nơi đây còn phát hiện các di chỉ xưởng thủ công. Phát hiện những chuỗi hạt thành phẩm và bán thành phẩm, đá thủy tinh với đủ loại hình, màu sắc, chất liệu và kích thước khác nhau.
Với những phát hiện đã có giúp chúng ta có cái nhìn mới hơn, tiếp cận gần hơn những luận chứng cụ thể về một nền văn minh rực rỡ - văn minh Phù Nam ở khu vực Đông Nam Á thời xa xưa, từ đó giúp chúng ta có những quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này một cách bài bản và đồng bộ.
Từ những giá trị trên, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt.
Điều đáng nói là mặc dù đã khai quật và tìm được rất nhiều di vật nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Trên thực tế, cuộc khai quật này chỉ là gợi mở đầu tiên về một trung tâm tôn giáo kéo dài trong lịch sử thuộc văn hóa Óc Eo.
Để hiểu được trung tâm tôn giáo này, cần phải khai quật làm rõ mặt bằng của cái kiến trúc ấy. Như vậy mới dựng lên diện mạo đời sống văn hóa và đời sống tinh thần của cư dân Chăm pa trong lịch sử.