Mẹ “hư” nên phải dạy (?!)
Mới đây, đoạn clip dài 3 phút ghi lại cảnh con gái dùng chổi đánh mẹ đẻ một cách tàn nhẫn, kèm theo đó là những tiếng mắng mỏ, chửi rủa thậm tệ xuất hiện trên mạng xã hội đang khiến dư luận bức xúc.
Theo đó, đoạn clip này bắt đầu xuất hiện trên mạng vào ngày 3/4, ghi nhận lại diễn biến vụ việc hơn 3 phút. Trong đoạn clip, một người phụ nữ đang mang bầu lớn tiếng mắng mỏ, chửi rủa một cách thậm tệ. Kèm theo đó là hành động dùng cán chổi, tay đánh, tát liên tục vào mặt, thân thể của người mẹ già.
Trước những hành động của người phụ nữ trên, người mẹ già ốm yếu cũng chỉ đủ sức hét lên rồi lấy đôi bàn tay gầy guộc, xanh xao xoa vào những chỗ đau trong bất lực.
Đáng nói, sau khi vụ việc bị phát giác, tại cơ quan công an, người phụ nữ tên N – nhân vật hành hung mẹ trong đoạn clip lại luôn tìm cách chối cãi, phủ nhận chuyện đánh đập mẹ đẻ.
Nhưng trước đoạn clip nói trên, người phụ nữ đang mang bầu này đã phải thừa nhận hành vi đánh mẹ. Lý giải về những hành động trái đạo đức đó, N thản nhiên: “Tại mẹ “hư” nên phải dạy...”
Cùng chung hoàn cảnh bị con cái bạo hành nhưng cụ Nguyễn Thị C, 87 tuổi (ở Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) còn bi đát hơn khi bị chính con ruột đánh đuổi ra khỏi nhà. Theo đó, khoảng trưa 23/5, rất nhiều người dân bắt gặp cụ C đội nắng, kéo lá cọ trên đường. Cụ đi xin lá về, nhờ người dựng cho cái lều nhỏ để… ngủ.
Cụ C đi xin lá cọ về để dựng lều, khi bị con trai L (ảnh bên phải) đuổi khỏi nhà |
Theo tìm hiểu, cụ C có bốn người con (hai trai, hai gái) thì ba người con đầu sống trong cùng tổ dân phố với cụ, cô con gái út sống trong Nam. Chồng cụ C mất đã hơn 25 năm, cụ sống với con trai thứ là ông L, 54 tuổi. Nhiều người nói cụ C bị vợ chồng ông L ngược đãi hơn người ở.
Xót xa hơn là, con dâu và con trai cụ C đều thẳng thắn thừa nhận đã cạn nghĩa tình. Khi được hỏi, họ thản nhiên chia sẻ lý do đuổi mẹ vì sợ khổ lây. Người con trai thừa nhận: “Vợ tôi không ưng bà ấy nữa, sợ ảnh hưởng sức khỏe của vợ.... nên tôi nhất quyết đuổi đi”.
Chính quyền địa phương cho hay, cơ sở đã yêu cầu ông L không được ngược đãi mẹ và kiểm điểm trước tổ dân phố. Tuy nhiên, sau nhiều lần bị con đuổi, cực chẳng đã, cụ bà 87 tuổi phải đi xin lá cọ về dựng lều để thoát khỏi cảnh ghẻ lạnh.
Bản án nào dành cho nghịch tử?
Trên thực tế, hiện trong xã hội, một bộ phận giới trẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, sống chỉ biết mình, không nghĩ đến cha mẹ. Bởi thế, để nảy sinh những sự vụ đau lòng quanh chữ hiếu như trên, không ít người đã đổ lỗi cho hoàn cảnh. Vì thế, nhiều người cao tuổi có con cái đông đàn nhưng lại cô đơn, tháng ngày quanh quẩn chỉ ở với người giúp việc.
Hằng tuần, hàng tháng con cái gửi cho cha mẹ ít tiền, coi như đã làm xong phận sự. Mặt khác, ở đâu đó hằng ngày ta vẫn thấy những bi kịch đau lòng khi con nhẫn tâm sát hại chính cha mẹ ruột của mình. Anh em bất đồng bỏ rơi cha mẹ, đẩy cha mẹ tự bươn chải mưu sinh.
Chắc chắn không bản án bất hiếu, bất lương nào thoát khỏi tòa án lương tâm. Đến thời điểm nào đó, khi đủ sự chín chắn và trải nhiệm cuộc sống, bản thân họ sẽ đối diện với nỗi ám ảnh, day dứt và dằng xé.
Thiết nghĩ, bất cứ ai tồn tại trên cõi đời này đều được sinh ra từ cha, từ mẹ mình. Thể hiện đạo hiếu với cha mẹ không chỉ là bổn phận, là trách nhiệm của người làm con mà còn là tình yêu thiêng liêng và cao cả của mỗi người. Hãy đặt chữ hiếu lên hàng đầu trong cuộc sống. Hãy là làm tròn chữ hiếu của mình để làm gương cho thế hệ sau. Và luôn thuộc lòng câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.