Liên tiếp những vụ bỏ rơi bé sơ sinh
Sự ra đi của bé Nguyễn Văn An – bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga sau 20 ngày điều trị khiến nhiều người xót xa. Trước đó, ngày 6/6, Phạm Thị Thành (31 tuổi, ở Lộc Hà, Hà Tĩnh) đi đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội) chơi thì bị vỡ ối, trở dạ. Người phụ nữ đã đi bộ đến gần đền Mẫu (thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ) và tự sinh con ở ruộng rau.
Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên Thành đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, Thành xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội.
Ba ngày sau, người dân gần đền Mẫu phát hiện bé trai trong tình trạng không có quần áo mặc, mắt, mũi, miệng, cơ thể bị dòi bọ bám dính.
Trạm y tế xã Thanh Mỹ đã sơ cứu cháu bé rồi đưa vào Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Sau đó, cháu bé được chuyển xuống Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu.
Đến chiều 29/6, bé An tử vong do bị sốc nhiễm khuẩn, kháng hầu hết các loại kháng sinh.
Cũng bị bỏ rơi trong tình trạng kiến cắn, dây rốn còn chưa cắt, có dấu hiệu nhiễm trùng, hoại tử, một bé sơ sinh tại TP HCM may mắn được cứu sống. Bé bị bỏ rơi ở một hố ga ven đường tại xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), không có đồ đạc cá nhân hay thông tin liên hệ, được người dân đưa vào Bệnh viện Nhi đồng TP HCM.
Theo nhận định, có thể mẹ của bé đã sinh từ trưa nắng rồi đợi đêm khuya mang ra bỏ giữa đường...
Ngay sau khi phát hiện, người dân đã báo công an xã và cùng đưa bé vào bệnh viện. Tại đây các bác sĩ ghi nhận bé nặng hơn 2,5 kg. Sau 1 tuần điều trị tích cực tại khoa Sơ sinh, tình trạng nhiễm trùng rốn và toàn thân của bé đã cải thiện. Bệnh nhi được sưởi ấm, tập bú sữa tốt, lanh lợi và ổn định sức khỏe dần.
Một bé trai sơ sinh khác, khoảng 7 ngày tuổi, nặng khoảng 3,1 kg được phát hiện tại đoạn đường bê tông thuộc cánh đồng thôn Khê Ngoại (xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Hà Nội) vào đêm 22/6. Bé trai bị bỏ lại trong chiếc làn nhựa bên trong có tã bông, khăn bông, bình sữa và mảnh giấy ghi dòng chữa “Vì điều kiện con không nuôi được con. Nếu ai có nhặt được nuôi giúp con. Con xin cảm ơn!”.
Không ít trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ lại bên đường. Đơn cử, khoảng 15h ngày 26/6, bà Nguyễn Thị Cẩm Nhung trú tại số nhà 447 Lê Đại Hành (thuộc tổ 2, phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) phát hiện 1 bé gái sơ sinh được gói trong một chiếc khăn bỏ bên lề đường trước cửa nhà. Trong chiếc khăn có một mảnh giấy ghi rằng cháu là người dân tộc Jrai. Cháu bé được xác định đã chào đời 5-7 ngày, nặng 2,2 kg, cháu có sức khỏe tốt, da dẻ hồng hào, bú sữa tốt.
Cũng tại TP Pleiku, đêm 15/4, một số người dân lưu thông trên đường Hàm Nghi, phường Thắng Lợi phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi. Ngay sau đó, người dân cùng lực lượng chức năng đã đưa bé đến Trạm Y tế phường Thắng Lợi để chăm sóc.
Người dân ở ấp Kim Qui B (xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) ngày 23/6 cũng phát hiện một bé gái còn dính dây rốn trong bụi cây ven đường và bị rất nhiều côn trùng bu, đốt... Do bị côn trùng đốt và chui vào lỗ tai nên trưa cùng ngày, cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang để các bác sĩ tiếp tục chữa trị. Bé gái nặng 3kg sức khỏe đã ổn định.
Thủ tục nhận con nuôi với những trẻ bị bỏ rơi
Theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) để ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, những phụ nữ, trong đó có những người mẹ, nếu không đủ điều kiện và chưa chuẩn bị tâm lý để có thể sinh và nuôi con thì nên có các biện pháp tránh thai.
Nếu đã lỡ có thai, nên đến các tổ chức xã hội như nhà tạm lánh để sinh con đủ tháng, đủ ngày. Trường hợp sinh con ra mà không thể nuôi thì nên đưa con đến các tổ chức xã hội tiếp nhận trẻ mồ côi, không nên có hành vi hủy hoại đứa trẻ.
Trong khi đó, không ít trường hợp gia đình hiếm muộn có nguyện vọng nhận nuôi những bé sơ sinh bi bỏ rơi. Vậy những gia đình này muốn nhận con nuôi cần điều kiện gì?.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thanh Duy Tân (Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) cho biết: Theo Điều 14 Nghị định 123/2015, người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo.
Ngay sau khi nhận được thông báo, chủ tịch UBND cấp xã hoặc trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi. UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định pháp luật.
Sau khi lập biên bản thì UBND cấp xã niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục và đăng báo 3 kỳ để tìm người thân của bé.
Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.
Người nào muốn nhận nuôi trẻ bỏ rơi thì phải liên hệ UBND cấp xã, hoàn tất thủ tục quy định tại Luật Nuôi con nuôi.
“Theo quy định thì người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt.
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao hộ chiếu, CMND hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; phiếu lý lịch tư pháp; giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp...”, ông Tân cho biết thêm.