Vấn đề trên được đề cập tại Hội thảo công bố "Kết quả nghiên cứu cải thiện môi trường sống cho công nhân các khu công nghiệp tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
80% người lao động không có chỗ ở ổn định
Theo Bộ KH&ĐT, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Hiện cả nước có 312 KCN được thành lập (trong đó có 3 khu chế xuất), tạo công ăn việc làm cho 2,6 triệu lao động; năm 2015 tổng doanh thu lên tới 107 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt 77 tỷ USD, chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu; kim ngạch nhập khẩu đạt 80 tỷ USD, chiếm 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước; đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 2,5 tỷ USD.
Là lực lượng quan trọng đóng góp vào thành tích chung của KCN, song thực tế cho thấy môi trường sống cho người lao động trong KCN chưa được quan tâm đúng mức. Khảo sát của JICA cho thấy, phần lớn nhà ở cho người lao động KCN chưa đạt tiêu chuẩn xây dựng, thiếu dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chưa đảm bảo an ninh xã hội và môi trường, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sống của công nhân KCN.
Việc huy động các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ khu vực tư nhân để xây dựng nhà ở cho người lao động còn khó khăn do đây là các dự án gắn liền với phúc lợi xã hội, có khả năng sinh lợi thấp và thu hồi vốn chậm…
“Đây chính là một trở ngại đối với các doanh nghiệp trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao. Hệ quả xấu của thực trạng này là công nhân thường xuyên bỏ việc, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, đến môi trường cạnh tranh quốc gia…”- ông Kenichi Hasimoto (JICA) lưu ý.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện tại các KCN mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, số còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN trên cả nước đều phải thuê nhà trọ của người dân với giá thuê từ 300.000 – 400.000 đồng/người/tháng.
Các phòng trọ thuê của tư nhân hầu hết đều rất chật hẹp (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo. Hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân KCN thuê đều thiếu các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, trường học, trạm y tế, khu vui chơi, giải trí, khu luyện tập thể thao, thư viện...).
“Với mức thu nhập bình quân hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN.
Vì vậy, việc giải quyết chỗ ở ổn định cho công nhân lao động tại các KCN là rất cấp bách và cần thiết…”- ông Trịnh Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định.
Mô hình nào?
“Không đánh đổi môi trường kinh tế trước mắt ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, một trường xã hội tại các KCN” -Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung khẳng định. Thứ trưởng Trung rất ấn tượng với mô hình nhà ở cho công nhân của Cty Samsung tại Thái Nguyên. “Tôi không hình dung được môi trường sống ở đây lại tốt như thế.
Người lao động không những có chỗ ăn, chỗ ngủ mà các điều kiện sinh hoạt giải trí khác cũng được bảo đảm. Có máy giặt, nước nóng, phòng karaoke, phục vụ nước hoa quả miễn phí trong giờ nghỉ, phòng tập Gym…”
Theo Thứ trưởng đã xuất hiện một số mô hình, vấn đề là cần kết luận, tổng kết nhân rộng, giúp công nhân đỡ vất vả, yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp…
Theo kiến nghị của đoàn nghiên cứu JICA, có 3 nhóm vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý: Quy hoạch không gian và thiết kế công trình; Hệ thống thể chế và pháp lý; Và mô hình đầu tư - kinh doanh và lập kế hoạch tài chính.
Một mô hình nhà ở cho công nhân ở KCN cũng đã được các chuyên gia JICA đề xuất tại xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hòa, tỉnh Hưng Yên trên diện tích 18,23 ha.
Ngoài các căn hộ khép kín với diện tích sàn tối thiểu 8m2/người, được bố trí đầy đủ ánh sáng tự nhiên và thông gió, còn có cơ sở kinh doanh, khu vực giáo dục (nhà trẻ, trường học…), công trình công cộng (trạm y tế…), không gian công viên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…
“Không chỉ nhà ở mà còn phát triển hạ tầng đô thị và hạ tầng xã hội là điều kiện cần thiết để người công nhân có thể ổn định cuộc sống. Vấn đề này cần phải có sự tham gia của Nhà nước, các thành phần kinh tế và đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng lao động trong các KCN…”- ông Anzo Hiroshi, Đại diện JICA nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, ông Dương Văn Hùng đã đến lúc cần luật hóa quy định doanh nghiệp FDI vào Việt Nam phải đầu tư nhà ở cho công nhân như mô hình của Samsung… “Doanh nghiệp không thể chỉ vào khai thác nhân công một chiều mà cũng phải đáp ứng các quyền tối thiểu của công nhân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo gợi ý, trong Nghị định về KCN và Khu chế xuất sắp ban hành nhất thiết phải quy định về việc dựa trên tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp để quy định doanh nghiệp trích ra một phần để đầu tư vào hạ tầng nhà ở cho công nhân.n