Từ trào lưu đến dịch vụ đánh ghen thuê
Thời gian gần đây, các clip đánh ghen liên tục xuất hiện trên internet với sự theo dõi nhiệt tình của cư dân mạng. Có những vụ mới diễn ra, cũng có những vụ được quay từ lâu chưa công bố cũng theo trào lưu từ đó mà xuất hiện lên. Kiểu trả đũa này dường như đang là “mốt”.
Các vụ đánh ghen liên tục được tung lên mạng xã hội kèm theo những tít kêu như chuông thu hút người xem: “Một vụ đánh ghen kịch tính ở 135 Đội Cấn”; “Đánh ghen thế kỷ 21”… để người xem tha hồ thỏa sức bình phẩm, đánh giá, thậm chí là buông lời sỉ nhục cho những người họ… không hề quen. Nhiều cư dân mạng tò mò lao đi tìm hiểu về quê quán, họ hàng, cuộc sống của các nhân vật trong clip và thế là những nhân vật này bỗng dưng trở thành những cái gì đó kỳ dị dưới cái nhìn nhận của cả cộng đồng mạng.
Từ chỗ đua nhau tung clip đánh ghen lên mạng bây giờ hình thức này đã phát triển hơn khi có hàng loạt nhóm từ công khai đến bí mật, từ ít đến nhiều thanh viên chuyên đi… đánh ghen thuê. Không chỉ thế, các trang mạng này còn chia sẻ những câu chuyện về đánh ghen, nghệ thuật đánh ghen, làm sao để đánh ghen cho tình địch sợ mà không vi phạm pháp luật...
Dịch vụ đánh ghen thuê bao gồm người tìm tung tích, người hẹn địa chỉ, người trực tiếp đánh ghen, người quay clip... Đặc biệt thành viên tham gia đánh ghen thuê chủ yếu là các em đang ở độ tuổi vị thành niên nhưng lại có những hành động, lời nói hết sức đáng sợ.
Không dừng lại ở đấy, các hội nhóm của các bà mẹ, bà vợ trên mạng xã hội xưa nay vốn chỉ chia sẻ kinh nghiệm nuôi con, nội trợ thì nay cũng biến thành công cụ đánh ghen hữu hiệu của các “hoạn thư”. Thông tin cá nhân, facebook, zalo kèm theo chân dung nhân vật sẽ được công khai để hàng nghìn người bình luận, tranh cãi, chửi bới dù họ chẳng quen mà cũng chẳng liên quan.
Ảnh một vụ đánh ghen cắt từ clip. |
Chửi rồi quên, còn người bị chửi thì đau
Đưa lên mạng xã hội để đánh ghen đã trở thành một điều gì đó hấp dẫn và khiến cả cộng đồng mạng thích thú tham gia. Và rồi như nhiều sự kiện khác, chỉ ngày một ngày hai là cư dân mạng sẽ quên lãng cái scandal nho nhỏ này. Thế nhưng những thành viên trong cuộc thì không.
Chị Nguyễn Thúy H. – một nhân vật bị công khai trên mạng để đánh ghen tâm sự: “Tôi biết rằng mình sai nhưng tôi vẫn oán trách những kẻ đã thản nhiên chia sẻ câu chuyện của tôi lên mạng. Vì sau đó không những cuộc hôn nhân của tôi đã không thể cứu vãn được mà tôi còn bị gia đình, bạn bè, đồng nghiệp coi thường. Tôi không dám đến cơ quan vì không thể ngẩng mặt nhìn ai, không dám về cả nhà bố mẹ đẻ mình vì sợ cả nhà liên lụy, không dám đến trường đón con vì sợ chúng xấu hổ vì mẹ...”.
Tâm sự của chị H. rất đáng để suy ngẫm vì thử hỏi những đứa trẻ - là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bị bạn bè, người xung quanh dè bỉu, chỉ trỏ chỉ vì những việc vốn không phải là lỗi của mình thì chúng sẽ đối mặt ra sao? Liệu mấy ai nhìn nhận được mặt trái sâu xa của vấn đề này.
Nhân đây, người viết bài này lại nhớ tới một vài câu trong bài diễn thuyết “Cái giá của nỗi nhục” của cô Monica Lewwinsky sau gần hai mươi năm bị sỉ nhục vì có tình cảm với Tổng thổng Mỹ Bill Clinton: “Chế giễu công khai là một môn thể thao đổ máu cần phải dừng lại. Hãy bình luận bằng những ngôn từ tích cực, tiếp nhận tin tức và nhấn chuột bằng sự bao dung, bởi chúng ta đã gieo những hạt giống của sự xấu hổ và sự tổn thương trên mảnh đất văn hóa của mình, cả ở thế giới thật và ảo.
Một phân tích tổng hợp cho thấy, lần đầu tiên tỉ lệ tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng nhiều hơn đáng kể so với bị ức hiếp trực tiếp. Và điều khiến tôi hoảng hốt là một nghiên cứu khác vào năm ngoái chỉ ra rằng, sự sỉ nhục mang lại cảm giác mạnh hơn cả hạnh phúc và tức giận”.
Khi viết bài này tôi không có ý bênh vực những người đang tâm phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác mà chỉ muốn nói rằng chúng ta hãy tỉnh táo nhìn nhận trước mọi vấn đề chứ đừng để bị đánh lừa bởi thói quen của số đông và a dua theo phong trào. Và đừng quên tập cách nghĩ phải chịu trách nhiệm trước lời nói bản thân, ngay cả đó là một lời nói trên thế giới ảo.