Bồng con đi đòi nợ
Sáng 26/1, trước trụ sở Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân (thuộc Cty cổ phần (CP) Đồng Xanh, đóng tại xã Đại Tân, huyện Đại Lộc), chứng kiến gần 40 người dân tỉnh Kon Tum đang “bám trụ” trước cổng nhà máy này để đòi nợ, trong đó có người bồng con nhỏ dựng lều đòi nợ trong tiết trời lạnh giá khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Nhiều ngày nay ăn ngủ trong căn lều nhỏ trước cổng nhà máy để đòi hơn 6 tỷ đồng tiền bán sắn cho Cty CP Đồng Xanh, bà Phạm Thị Ngọc Thanh (60 tuổi, quê ở Kon Tum) bức xúc: “Đây là đợt thứ 3 chúng tôi bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công việc, kéo xuống đây để đòi nợ nhưng vẫn không được trả. Đã có lần chúng tôi kéo lên trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam để cầu cứu nhưng vẫn không được. Cty này mua sắn của tôi hơn 6 tỷ đồng từ năm 2011 đến nay vẫn không chịu trả. Tết gần đến rồi mà gia đình không có tiền mua sắm gì hết, bao nhiêu tài sản, công sức của gia đình bị Cty quỵt luôn”.
Theo các chủ nợ, nghe tin nhà máy này đã được bán và nhận được tiền đặt cọc, nên họ tiếp tục về gây sức ép đòi nợ. Trong buổi làm việc giữa các bên với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam, Cty cam kết trả 100% số nợ gốc cho tất cả 24 hộ dân với số tiền 26 tỷ đồng, nhưng phải chia thành 2 đợt. Đợt thứ nhất sẽ trả 50% trước ngày 31/3/2015; 50% còn lại sẽ được trả trước ngày 31/3/2016.
Sau buổi làm việc, vẫn còn 9 hộ dân không đồng ý với tiến độ thanh toán của Cty nên tiếp tục dựng lều trước cổng nhà máy để gây sức ép. “Chúng tôi yêu cầu nhà máy phải trả 50% số nợ trước Tết Nguyên đán và 50% còn lại sẽ trả trước ngày 31/3/2015. Hơn 3 năm đi đòi nợ, cty hứa hết lần này đến lần khác, chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi. Nếu Cty vẫn không đồng ý thì chúng tôi sẽ dựng lều ở đây cho đến Tết” - bà Cao Thị Long (61 tuổi, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) nói và cho biết nhà máy này đang nợ của bà hơn 1 tỷ đồng tiền thu mua sắn.
Biên bản làm việc giữa Công ty Cổ phần Đồng Xuân với 9 hộ dân |
Cũng theo bà Thanh, 9 hộ dân này đều là thương lái, thu mua sắn của người dân sau đó nhập lại cho Cty. “Chúng tôi thu mua sắn của người dân rồi bán lại cho Cty, định sau khi nhận tiền sẽ trả cho họ nhưng đến nay vẫn chưa có nên chúng tôi cũng đang nợ của người dân trồng sắn với số tiền rất lớn” - bà Thanh nói và cho hay, hầu hết những người dân này đều là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn.
Hậu quả của việc Cty CP Đồng Xuân nợ kéo dài như vậy đã làm cho thương lái lao đao, suốt ngày bị người dân đến nhà đòi nợ. Nghĩ bị thương lái lừa nên nhiều bà con đã cùng đi xuống để chứng kiến, đồng thời gây sức ép với nhà máy.
A Zin (30 tuổi, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum), một trong những người dân đang bị thương lái nợ tiền thu mua sắn 3 năm nay cho hay, nhà có 3ha trồng sắn, những năm trước đến mùa thu hoạch thương lái về thu mua và hứa sẽ trả sau khi nhận tiền từ Cty nhưng đến nay vẫn không thấy đâu. Không có tiền để đầu tư trồng sắn tiếp, nhà lại có đến 7 miệng ăn nên hiện lâm vào đường cùng và phải xuống đây để đòi nợ cho các thương lái.
Ông Mai Nhơn - Chủ tịch UBND xã Đại Tân cho biết, không những nợ tiền của thương lái, nhà máy này còn nợ của công nhân và rất nhiều đối tác khác. Vì vậy, hiện nhà máy đang bị ngân hàng phong tỏa.
Sau khi nhận được tin người dân tiếp tục dựng lều trước cổng nhà máy, mặc dù những người này đã cam kết không phá phách, gây rối nhưng chính quyền địa phương vẫn phải cắt cử lực lượng túc trực 24/24h để đảm bảo an ninh trật tự.
Có công suất 100.000 tấn/năm, Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân là nhà máy Ethanol lớn nhất Việt Nam được khởi công năm 2007 với tổng vốn hơn 500 tỷ đồng và chính thức đưa vào sản xuất năm 2010. Trước đây, nhà máy tiêu thụ nguyên liệu sắn khô của 20.000 nông dân khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ethanol được sản xuất ra xuất khẩu khoảng 80%, còn lại 20% pha chế thành xăng sinh học E5, nhưng đến cuối năm 2012 phải đóng cửa do lâm vào cảnh nợ nần.