Trong số hàng trăm cổ vật đang được lưu giữ ở Bảo tàng Phú Yên, ngoài bộ kèn đá đực - cái độc nhất vô nhị trên thế giới, còn có bộ đàn đá Tuy An từng gây chấn động trong giới khảo cổ học và những chuyên gia nghiên cứu âm nhạc trong nước.
Được biết, bộ đàn đá Tuy An được nông dân Huỳnh Ngọc Hồng phát hiện năm 1990 ở vùng núi Hòn Một (xã An Nghiệp, huyện Tuy An). Tám thanh trong bộ đàn đá Tuy An có độ dài từ 30-59cm (6 thanh có độ dài từ 40cm trở lên); đầu rộng (đầu lớn) từ 10,5-6,5cm; nặng từ 2,3-14kg, được làm từ đá riolit pocfia.
Đàn đá Tuy An |
Theo tài liệu khoa học, cổ vật đàn đá Tuy An có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 – 3.000 năm, do chính người tại đây chế tác. Đặc biệt, đàn đá Tuy An có tính vượt trội so với các đàn đá khác về âm sắc vì đàn đá Tuy An còn đủ bộ, nguyên vẹn và có thang âm hoàn chỉnh nhất.
Ông Nguyễn Hữu An, GĐ Bảo tàng Phú Yên cho biết: Đây là một bộ đàn đá cổ có niên đại khoảng thế kỷ V Trước Công nguyên. Các thanh của bộ đàn đá gồm có 8 thanh và 8 thăng âm khác nhau, được giới nghiên cứu đánh giá là bộ đàn đá có thăng âm hoàn chỉnh nhất trong những bộ đàn đá được phát hiện. Sắp xếp theo thứ tự, khi gõ sẽ tạo thành bộ âm thanh hoàn chỉnh, có thể hoà tấu với một số nhạc cụ khác như là kèn đá và một số nhạc cụ hiện đại.
"Trước đây, sở có chỉ đạo cho bảo tàng tỉnh lập hồ sơ công nhận là bảo vật quốc gia. Hồ sơ được lập năm 2014, nhưng khi được thẩm định, các chuyên gia của Bộ thẩm định và có yêu cầu chứng minh về tiêu chí chủ thể văn hoá của bộ đàn đá. Tuy nhiên, đây còn là một vướng mắc lớn trong nghiên cứu. Do thiếu tiêu chí này nên bộ đàn đá chưa được công nhận là bảo vật quốc gia thì trong thời gian tới cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ tiêu chí này”. Ông Nguyễn Hữu An chia sẻ thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, từ ngoài cổng vào, du khách đã bắt đầu nghe văng vẳng tiếng đàn đá đang hòa tấu ở nhiều thể loại nhạc khác nhau. Những bài hát truyền thống cách mạng như: Cô gái vót chông, Tiếng đàn Ta lư, Cô gái Pako, Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn, Mùa xuân trên TP Hồ Chí Minh… hay những bài hát về quê hương Phú Yên được các cô gái biểu diễn một cách thuần thục. Tiếng đàn đá lúc trầm bổng, lúc réo rắt hòa cùng âm thanh hiện đại khiến người nghe thích thú đến mê mẩn.
Được biết, không chỉ được biểu diễn ở Gành Đá Dĩa, hiện nay đàn đá còn được biểu diễn tại di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn (thành phố Tuy Hòa). Hơn hết, người biểu diễn còn là các bạn trẻ có niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Đối với các bạn trẻ này, để đánh được đàn đá cơ bản chỉ cần tập luyện 1 – 2 tháng. Nhưng để biểu diễn hay và có hồn, cần đến 4-5 tháng học hỏi từ các nghệ sỹ đi trước. Ngoài ra, người biểu diễn phải có đam mê và hòa mình vào âm thanh của đàn đá.
Theo bà bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao tỉnh Phú Yên cho biết : “Văn hóa đá Phú Yên độc đạo ở chỗ ngoài tạo ra những kiệt tác còn phát ra những thanh âm rất hay, tạo thành các nhạc cụ rất hay. Để vừa bảo tồn và phát huy, quảng bá gắn kết với du lịch, Sở đã chỉ đạo cho Nhà hát ca múa nhạc tỉnh phục chế bộ đàn đá cổ tương đồng với bộ gốc đang lưu giữ tại bảo tàng và thường xuyên lưu diễn.
Biểu diễn đàn đá tại TP. Tuy Hòa |
Thông qua sự sáng tạo của con người, đá đã trở thành những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống của cộng đồng dân cư trên miền đất Phú Yên. Thanh âm thanh thoát đầy sự thu hút của loại nhạc cụ cổ kết hợp với những giai điệu hiện đại đã mang lại những cảm xúc đặc biệt trong lòng du khách. Giá trị văn hóa của đàn đá đã được khẳng định theo thời gian. Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên để nhiều người biết đến bộ đàn đá cổ Phú Yên thì sự tìm tòi học hỏi, tham gia biểu diễn đàn đá tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh của các bạn trẻ cũng sẽ góp phần phát huy giá trị của đàn đá.
Được biết, hiện nay, đàn đá đang được đưa vào biểu diễn tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh không chỉ thu hút du khách mà còn phát huy giá trị của đàn đá Tuy An nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung.