Tai nạn hy hữu
Cha ruột của cháu An là anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1979, ngụ thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) kể: Khoảng 11h trưa ngày 6/2/2017, trong lúc anh đang đi sửa xe thì nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp con trai gọi đến.
Qua điện thoại cô giáo chỉ nói anh Thuận ra ngay trường học cho cô nhờ tý việc, khi đi nhớ cầm theo dây thừng cho cô mượn. Do đang ở gần đó nên chưa đầy 20 phút sau thì anh Thuận có mặt.
Khi tới nơi, thấy nhiều người tập trung khá đông ở khu vực nhà vệ sinh trong khuôn viên trường học. Tại đó, còn có dây thừng buộc sẵn vào một chiếc xô nhưng không ai dám nhảy xuống cứu cháu An lên. Anh Thuận định nhảy xuống thì đúng lúc có người mang thang đến.
Cha cháu bé lần theo chiếc thang mò xuống dưới hố. “Vừa xuống hố sâu, tôi vừa gọi con để xác định vị trí con trai đang nằm. Khi xuống đến nơi thì thấy trên người con mình bị lấp đầy đất cát, đầu gối bị chiếc bồn cầu đè lên không nhúc nhích được”, anh Thuật cho biết.
Sau một hồi dưới sự trợ giúp của mọi người, anh Thuận cũng đưa được con ra khỏi đống đổ nát, hôi hám. Anh Thuận cho cháu An vào chiếc xô được mọi người thả xuống dưới hầm, sau đó, một tay vịn thang, một tay đỡ con lên khỏi chiếc hầm cầu sâu chừng 5m.
Anh Thuận kể: “Cũng may khi bồn cầu nhà vệ sinh bị sập, dưới hầm không có nhiều nước. Hơn nữa, khi ấy có một cô giáo ở gần đó nghe tiếng động nên chạy đến, phát hiện liền hô hoán mọi người và báo cho gia đình tới cứu cháu lên kịp thời. Nếu không, tôi không biết chuyện tồi tệ gì sẽ đến với con tôi nữa”.
Anh Nguyễn Văn Thuận kể lại sự việc |
Lúc được đưa lên khỏi hầm cầu, cháu An tỏ ra hoảng loạn, miệng liên tục gào khóc. Trên người cháu máu chảy rất nhiều khiến ai nấy đều lo lắng, mọi người xúm lại vừa trấn an tinh thần cháu vừa dội nước sơ qua người cháu cho sạch sẽ rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Cháu An nhập viện trong tình trạng chảy máu ở vùng đầu, sây sát vùng mông, bụng và đùi. Các kết quả chụp Citi và chụp X-Quang cho thấy cháu bị nứt sọ chẩm phải, gẫy khung chậu. Hiện tại, sau hơn hai ngày điều trị bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục được theo dõi thêm tại bệnh viện”.
Chị Bùi Thị Nếp (SN 1979, mẹ ruột nạn nhân) tâm sự: “Sau khi gặp phải tai nạn, tâm lý con tôi luôn trong tình trạng hoảng loạn, thấy ai nói to là cháu sợ hãi và khóc thét. Hơn hai ngày nằm điều trị tại đây, cháu liên tục kêu đau và khóc cả ngày lẫn đêm khiến ai ở trong phòng bệnh cũng không thể ngủ được. Tôi phải bế cháu lên, tay lúc nào cũng đỡ sau gáy do vết thương sau đầu của cháu chưa hồi phục. Từ lúc bị tai nạn tới hôm nay tôi mới thấy cháu chợp mắt được khoảng 15 phút”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Nói về vụ việc không may xảy ra với con trai mình, anh Thuận bức xúc cho biết: “Tôi được biết trong nhà trường có bảo vệ và nhân viên y tế học đường, vậy tại sao khi con trai tôi bị như vậy không có ai đến can thiệp? Con trai tôi chỉ được đưa lên sau khi tôi có mặt và trực tiếp nhảy xuống đưa cháu lên. Khi tôi thắc mắc thì phía nhà trường người thì trả lời bảo vệ đang đi tìm thang, người khác lại bảo đang đi ăn”.
Cũng theo anh Thuận, “trước đó nhà trường đã biết bồn cầu bị hư, thậm chí cách đây khá lâu từng có một nhà cầu bị sập hầm tương tự và đã được đóng cửa vậy tại sao vẫn để tình trạng này xảy ra?”.
Để nắm rõ hơn về sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Lê Thị Hường, Hiệu trưởng trường Mầm non Krông Ana. Theo đó, bà Hường cho biết: “Trường Mầm non Krông Ana tiếp nhận cơ sở hạ tầng của trường Tiểu học Krông Ana vốn được xây dựng khoảng hơn 20 năm về trước. Từ khi tiếp nhận, trường vẫn thường xuyên duy tu lại cho 3 lớp học với hơn 90 học sinh và giáo viên cùng sử dụng cho đến nay. Tuy nhiên, do đã xây dựng quá lâu nên công trình bị xuống cấp”.
Trong năm 2015 và 2016 nhận thấy công trình được thực hiện sai tiêu chuẩn nên trường cũng đã báo cáo lên Phòng GD&ĐT của huyện Krông Ana để xin xây dựng một công trình mới. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kết quả nên nhà trường vẫn sử dụng công trình cũ. Vừa qua do công trình vệ sinh của trường bị lở đất và rơi tấm đanh bê tông xuống nên sự việc đáng đã xảy ra.
“Đây là một tai nạn đáng tiếc không ai mong muốn. Hiện tại, nhà trường đã cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên tinh thần cháu đồng thời tạm thời hỗ trợ gia đình nạn nhân 10 triệu đồng để điều trị và chăm sóc cháu An”, bà Hương cho biết.
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc |
Về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo, ông Võ Trung Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Ana cho biết: “Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phòng đã có báo cáo lên UBND huyện và các đơn vị có liên quan xuống hiện trường lập biên bản và kiểm tra lại toàn bộ yếu tố có liên quan đến sự việc để tìm ra hướng khắc phục kịp thời và có cách xử lý đúng đắn nhất”.
Bà Hà Thị Tố Loan (Kế toán Phòng GD&ĐT huyện Krông Ana) thì khẳng định: “Hằng năm, chúng tôi đều tiến hành rà soát cơ sở vật chất, công trình của các trường Mầm non, trường Tiểu học và trường THCS trên địa bàn.
Đúng là chúng tôi có nhận được báo cáo của trường Mầm non Krông Ana về việc xin xây dựng nhà vệ sinh mới nhưng do nhu cầu của các trường hàng năm rất nhiều mà nguồn kinh phí của phòng thì ít ỏi. Do đó, chúng tôi phải cân nhắc và ưu tiên kinh phí để bố trí xây dựng những công trình hư hỏng nghiêm trọng mà cần thiết trước.
Trong đó, công trình nhà vệ sinh của trường Mầm non Krông Ana cũng đã được phê duyệt và dự kiến sẽ triển khai trong năm 2017 tới. Đáng tiếc công trình chưa được triển khai thì sự việc không hay đã xảy ra”.
Được biết, gia đình anh Thuận thuộc hộ cận nghèo của thôn. Năm 2005, sau khi kết hôn, hai vợ chồng anh được gia đình cho một mảnh đất vườn, dựng tạm căn nhà nhỏ làm chỗ nương thân, anh chị thuê được mấy sào đất làm cà phê, những ngày nông nhàn hai vợ chồng ai thuê gì làm nấy kiếm tiền nuôi con ăn học.
Suốt những ngày qua, cha mẹ cháu An phải bỏ hết công việc để thay phiên nhau vào viện chăm sóc cho con trai. Đứa lớn phải gửi nhà nội chăm sóc. Sau sự việc trên, hai vợ chồng anh Thuận mong muốn những bên có liên quan cần làm rõ nguyên nhân và có trách nhiệm trong việc chữa trị cho cháu An sớm bình phục.