Năm nay lịch nghỉ Tết Nguyên đán được điều chỉnh sớm 2 ngày và khá dài nên các hãng hàng không cũng phải có phương án cụ thể trong việc tăng chuyến, mở tuyến, bố trí tàu bay để đáp ứng nhu cầu bay của khách.
Dù là dịp cao điểm nhưng các hãng cho biết trên một số chặng hoặc bay đêm vẫn có khuyến mại hoặc giá rẻ. Cụ thể, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Jetstar Pacific tuần trước vừa cho biết đã có gần 9.000 hành khách mua được vé máy bay giá rẻ. Hàng ngàn hành khách khác cũng tiết kiệm được đáng kể chi phí đi lại du lịch, thăm thân trên 2 đường bay giữa TP.HCM và Phú Quốc, Nha Trang.
Còn Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) thì cho hay, bên cạnh việc tăng chuyến như thường lệ, hãng đã chuẩn bị nguồn lực để nâng cao khả năng khai thác các chuyến nội địa trong ngày. Được biết, tổng số chuyến bay đêm khai thác trên các chặng nội địa dịp giáp Tết Giáp Ngọ tăng hơn 400 chuyến so với thường lệ, trong đó chủ yếu là các chuyến bay đi và đến TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…
Thông tin về việc tăng chuyến, duy trì khuyến mại, triển khai vé giá rẻ… đã được công bố, nhưng thực tế để sở hữu được một tấm vé có giá cả ưu đãi những dịp cao điểm không phải là dễ.
Chúng tôi đã qua một số đại lý bán vé máy bay chặng Hà Nội đến một số tỉnh miền Trung, đều nhận được những mức giá chênh lệch đến khó tin. Không chỉ cao hơn so với giá trị thực Vietnam Airlines đưa ra mà ngay giữa các đại lý, phòng vé giá cũng có sự khác biệt.
Về nguyên tắc thì các đại lý khi xuất vé đã được hưởng phí xuất bán/vé và phần trăm trên tổng số tiền vé bán được theo quy định của các hãng, nhưng có một số đại lý muốn “ăn dày”, hoặc lợi dụng sự cần thiết phải di chuyển gấp của khách hàng… nên đã ngang nhiên làm giá khiến nhiều người bị thiệt.
Hình thức này dù không giống so với các “cò” vé tại nhà ga, bến tàu nhưng về bản chất thì chẳng khác gì nhau, bởi giá vé bị đẩy lên cao hơn nhiều so với giá trị thực của nhà vận tải, chưa kể số tiền phí “trời ơi” mà họ đòi thu thêm khi giao vé./.