Bất hạnh đến từ sự thiếu cảnh giác, vì mục đích lợi nhuận, từ những vụ tai nạn cháy nổ oan nghiệt. Để rồi, nước mắt của người còn sống cứ chảy dài trên khóe mắt, có cả những mảnh đời đang thở dài cho số phận khi tai nạn cháy nổ đã đẩy họ tới những nỗi đau thể xác, tinh thần cùng cực.
Nước mắt người còn sống
Nỗi kinh hoàng vẫn còn in đậm trên khuôn mặt của những người sống sót sau các vụ cháy nổ, có người vẫn giật mình liên hồi, có người nước mắt đẫm lệ mỗi khi nhớ lại buổi tai nạn lần đó. Biết bao gia đình nát tan, những bữa cơm mãi mãi thiếu vắng hơi ấm người cha, người mẹ hoặc những đứa con thân thương.
Người dân thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội vẫn ám ảnh bởi cái chết của nạn nhân Lê Văn Săm hơn một năm qua. Một bác nông dân dẫn đường cho chúng tôi vào nhà anh, vừa đi bác vừa nói: “Ngày đó cả làng tôi được phen khiếp vía khi nhận tin thằng Săm bị tai nạn rồi tử vong do bỏng nặng trong lúc sang chiết gas. Khổ lắm cô ạ, nó đi để lại ba đứa con nhỏ bơ vơ, tội nghiệp, vợ thì ốm yếu quá”.
Bước vào ngôi nhà nhỏ, chị Đặng Thị Tươi (vợ anh Săm) dáng người mảnh khảnh, đôi mắt đượm buồn ngồi trước cửa, dỗ dành hai con ăn cháo xen lẫn tiếng ê a đùa nghịch. Ở một góc sân khác, đứa trẻ 3 tuổi đang ngồi chơi một mình. Anh Săm là lao động chính trong nhà, bị tai nạn chết, cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Không lâu sau, bố anh gặp tai nạn giao thông ảnh hưởng nghiêm trọng phần chân, đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ đó, tinh thần bố anh trở nên bất ổn, thi thoảng lại quát mắng người thân.
Anh Săm bị tai nạn hồi tháng 2/2015, khi cậu con trai đầu mới 2 tuổi, chị Tươi chuẩn bị sinh lần hai. Chị Tươi mang thai đôi, từ khi chồng mất, sức khỏe chị ngày một yếu đi phải nằm viện triền miên. Nhớ lại ngày định mệnh, chị Tươi kể, hơn một năm qua, chưa bao giờ nỗi đau mất chồng trong vụ tai nạn khiến chị nguôi ngoai. Trong giấc ngủ mỗi đêm, chị luôn bị giật mình bởi ký ức kinh hoàng.
Ngày chồng vào viện, gia đình chị Tươi đã phải chạy vay tiền khắp nơi để lo chữa trị cho chồng nhưng rồi sau 14 ngày, anh cũng bỏ mẹ con chị ra đi để lại món nợ lớn mà chị phải lo kiếm trả. Nợ nần chồng chất, cuộc sống của mẹ con chị kể từ ngày đó cùng cực hơn nhiều.
“Nhiều lúc cậu con trai 3 tuổi vẫn hỏi em bố đi đâu hả mẹ?.
Lại có lúc người thân đến chơi nhắc đến bố, cháu chỉ lên tấm ảnh trên ban thờ nói bố ở đó, rồi nhìn hai đứa nhỏ 11 tháng tuổi, không được nhìn mặt bố một lần, tội nghiệp bọn nhỏ”, chị Tươi hướng đôi mắt sang phía khác, vội lấy vạt áo lau nước mắt.
Những bữa cơm chia ly lạnh lẽo
Cách gia đình chị Tươi khoảng 100m là nhà của nạn nhân Lê Thị Lương - cũng chết vì nổ gas khi đang chiết lậu vào năm 2013. Ngày chị Lương ra đi, chồng chị rơi vào cảnh túng quẫn, bỏ đi làm ăn nơi khác, lấy rượu làm bạn, không quan tâm đến các con. Đã có những đợt hai cháu phải nghỉ học vì nhà nghèo, không có tiền để tiếp tục đến lớp cùng bạn bè. Từ cuộc sống nghèo khó, hai chị em phải chia tách nhau, người em trai vào Quảng Bình ở cùng ông bà nội, chị gái ở ngoài Bắc cùng ông bà ngoại.
Bà Lê Thị Mễ (Đồng Phú, Chương Mỹ) chia sẻ: “Từ ngày cô Lương mất, gia đình họ tan nát hết cả rồi, chồng thì lấy vợ khác, bỏ con cho ông bà nội, ngoại chăm. Đứa nhỏ sống cùng ông bà nội ở Quảng Bình cũng khổ lắm, gia đình họ nghèo khó, không được đi học đâu. Hai chị em chúng còn nhỏ phải chịu cảnh thiếu tình thương, sự quan tâm của cả bố lẫn mẹ, nghiệt ngã quá.
Tôi không bao giờ quên bữa cơm cuối chị em nó được ngồi ăn cùng nhau để tiễn cậu em vào Quảng Bình, chúng còn nhỏ chưa hiểu hết chuyện nhưng biết phải xa nhau nên cứ ôm nhau khóc, nhịn đói không ăn”.
Ở Đồng Phú, những người bị bỏng lạnh khi sang chiết gas rất nhiều. Vừa đưa đôi tay chai sạn vì những lần bỏng lạnh, anh Lê Văn Dung (thợ từng làm nghề sang chiết gas) nói: “Bỏng lạnh đau gấp vạn lần bỏng nước sôi. Chạm vào hơi gas, thẩm thấu tận xương tủy. Người bị nhẹ thì cháy da tay, người bỏng nặng tổn thương vào tận xương. Tôi may mắn thoát chết, chỉ bỏng ở tay, từ lần đó tôi không dám theo nghề nguy hiểm này nữa”.
Tai nạn cháy nổ giờ đây không còn là nỗi đau của riêng ai, bởi vậy, mỗi người cần phát huy tinh thần tự giác, tích cực chung tay chấp hành các quy định an toàn phòng chống cháy nổ để góp phần kiềm chế và đẩy lùi vấn nạn này.
Theo Điều 10 Mục 1 Chương 2 của Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính với những vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm cũng chỉ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Với mức xử phạt hành chính như vậy, nhiều ý kiến cho rằng chưa đủ sức răn đe.
Theo Điều 16 Nghị định số 26/2012/NĐ-CP ngày 5/4/2012 của Chính phủ quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không được trang bị hoặc sở hữu vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ từ bất cứ nguồn gốc nào đều phải giao nộp cho cơ quan công an hoặc cơ quan quân sự để xử lý theo quy định.
Nếu không giao nộp thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu về tội “Tàng trữ trái phép vật liệu nổ” theo Điều 232 Bộ luật Hình sự. Với những vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm khi truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ”.
Theo qui định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Về trách nhiệm dân sự, với những vật liệu nổ được xác định là nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại sẽ phải bồi thường toàn bộ các thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 623 kể trên.
Trường hợp người nào phát hiện hành động thu mua vật liệu nổ mà không tố giác với các cơ quan pháp luật thì có thể sẽ bị xử lý về tội “Không tố giác tội phạm” quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự.