Đại biểu muốn luật hóa các hình thức tố cáo “điện tử”

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLO) - Trong Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến chiều qua (30/5), Chính phủ vẫn giữ nguyên quan điểm chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay.

Chưa giải quyết tố cáo nặc danh

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác giải quyết tố cáo 4 năm qua, Luật Tố cáo được sửa đổi, tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật, là tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm.

Dự thảo Luật cũng chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh. Bởi, theo Chính phủ, quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên địa người tố cáo. Trong những năm qua, các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến  59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai. Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. 

Đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với Dự thảo Luật là không quy định về giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh với nhận định tố cáo là quyền của công dân, để thực hiện quyền thì công dân phải nhân danh chính mình tham gia vào quan hệ pháp luật và phải chịu trách nhiệm nếu cố tình tố cáo sai sự thật. Nếu quy định tiếp nhận và giải quyết đối với đơn tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho cơ quan, người có thẩm quyền trong việc xác minh, xử lý thông tin giải quyết tố cáo, gây tốn kém chi phí của nhà nước, dễ xảy ra tình trạng lợi dụng quy định để tố cáo tràn lan, sai sự thật...

Song, cũng có một số thành viên Ủy ban Pháp luật nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh nhưng cho rằng, Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm… thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác. 

Tuy nhiên, việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp này cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù, coi đây là việc phản ánh, tiếp nhận thông tin để bảo vệ pháp luật, không thuộc quy trình xử lý tố cáo.

“E dè” với tố cáo qua email, mạng thông tin điện tử…

Về các hình thức tố cáo, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo; đối với tố cáo hành chính, Dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về “các hình thức tố cáo khác” được điều chỉnh ở các luật tố tụng. 

Tuy nhiên, đa số ý kiến thành viên Ủy ban thẩm tra đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… vì đây là các hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay. Hơn nữa, trong một số văn bản Luật hiện hành cũng ghi nhận các hình thức này, chẳng hạn luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”…

Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã thiết lập đường dây nóng, hộp thư bạn đọc… để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo, qua đó đã thanh tra, kiểm tra và kịp thời phát hiện, xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật. “Việc bổ sung các hình thức tố cáo này sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật”, báo cáo thẩm tra nêu. 

ĐB Nguyễn Nhân Chiến (Bắc Ninh):  Nhất trí chỉ quy định 2 hình thức tố cáo

“Tôi tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện ở dự thảo, đó là chỉ quy định 2 hình thức tố cáo là trực tiếp và bằng đơn, không nên xem xét bổ sung các hình thức tố cáo khác như fax, email… để tránh tình trạng lợi dụng tố cáo nhằm bôi nhọ, hạ thấp, nói xấu, xuyên tạc tổ chức, cá nhân mà người tố cáo trong một số trường hợp bị xúi giục, bồng bột, thiếu hiểu biết. Về lo ngại nếu chọn quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với các luật khác như Luật Phòng chống tham nhũng… thì có thể để sau khi luật này được thông qua sẽ dùng luật này để sửa các luật kia. 

Đối với các trường hợp tố cáo nặc danh, tôi đồng ý quy định không giải quyết. Ngoài ra, tôi đề nghị bổ sung những trường hợp không giải quyết ngoài nặc danh, như đơn tố cáo chính danh nhưng không ký trực tiếp, nộp đơn tố cáo bằng bản phô tô…”.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội): Chấp nhận tố cáo nặc danh sẽ bất bình đẳng

“Việc đề nghị xem xét tố cáo qua điện thoại, thư điện tử, fax sẽ gây khó khăn trong giải quyết. Tố cáo kiểu này thì một bên gửi đi mà bên kia không có xác nhận, vì thế không nên quy định. 

Về tố cáo nặc danh, trong thực tiễn thì tố cáo nặc danh gây ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân và thường không có cơ sở. Công dân khi tố cáo nên chính danh, nếu nặc danh thì bất bình đẳng vì người bị tố cáo lại có danh. Tôi đề nghị chỉ nên xem xét tố cáo nặc danh kèm chứng cứ là dạng tin báo tội phạm, chứ không thể đưa vào quy trình giải quyết đơn thư tố cáo. Phải đưa vào luật khác để quy định nội dung này”.

ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Cần xử lý cả người tố cáo và người bị tố cáo có hành vi sai trái

“Cái hậu của vấn đề giải quyết tố cáo còn quan trọng hơn cả giải quyết tố cáo. Chúng ta quy định hành vi nhưng thiếu các chế tài để xử lý trách nhiệm với cả những người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng đùn đẩy đơn không trả lời đúng theo đề xuất của nhân dân và những công dân có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Có những việc xảy ra là do chế tài xử lý người đi khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm nên phải dứt khoát có chế tài để xử lý những người đi tố cáo sai, thậm chí phải công khai việc xử lý đó.

Còn về hình thức gửi đơn, tôi cho rằng người ta có thể gửi đơn hoặc tự gửi bằng email. Lo là lo tố cáo không đúng, tố cáo vì lợi ích cá nhân của người tố cáo chứ người đi tố cáo hoàn toàn có tâm, có trách nhiệm và đúng tinh thần công dân thì email, điện thoại, tin nhắn cũng tốt. Do đó, vẫn phải suy nghĩ cái này. Trong thực tiễn chính những đơn thư này vẫn có độ chính xác cao”. 

ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa): Có thể xử lý tố cáo nặc danh bằng các biện pháp khác

“Cái quan trọng nhất và trọng tâm nhất để sửa luật là cơ chế bảo vệ người tố cáo, nhưng quy định này còn sơ lược nên đề nghị có thêm thời gian để hoàn thiện thêm. 

Về hình thức tố cáo, tôi đề nghị nên mở rộng quy định về văn bản tố cáo theo hướng bao gồm cả văn bản mềm và văn bản cứng, quan trọng nhất là phải đảm bảo đơn tố cáo có ghi danh. Người dân gọi điện, gửi email tố cáo thì phải tiếp nhận. Quy định xử lý theo hướng đó linh hoạt hơn nhiều và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. 

Về tố cáo nặc danh, tôi nhất trí quy định không giải quyết. Nhưng qua khảo sát thực tế thì nhiều trường hợp tố cáo nặc danh là đúng và đã có nhiều trường hợp được xử lý qua tố cáo nặc danh. Do đó, với các đơn tố cáo nặc danh nếu có chứng cứ rõ ràng thì có thể bằng các biện pháp khác như thanh tra đột xuất, kiểm tra để xử lý”. 

ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội):

“Việc tố cáo có thể thực hiện bằng nhiều con đường nên việc gửi tố cáo qua bản fax, email, điện thoại bằng fax, email đều phù hợp với các quy định. Về tố cáo nặc danh, nguyên tắc là ta không xem xét nhưng nếu tố cáo nặc danh mà có căn cứ, có chứng cứ thì cơ quan có thẩm quyền cũng cần xem xét, vì có thể người tố cáo sợ bị trả thù”.

Đọc thêm

“Lùm xùm” tại dự án Dinh I Đà Lạt: UBND tỉnh và nhà đầu tư chưa thống nhất được số tiền bồi thường

Toàn cảnh Dinh I nhìn từ trên cao.
(PLVN) - Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt ngừng hoạt động khai thác kinh doanh, không tổ chức đón khách tại dự án King Palace (Dinh 1, đường Trần Quang Diệu, TP Đà Lạt). Đây là diễn biến mới nhất liên quan vụ “lùm xùm” tại dự án Dinh I kéo dài nhiều năm nay.

Long An: Bốn năm chờ bồi thường 2 tài sản bị bỏ sót khi kiểm đếm

Trạm trộn bê tông và trạm điện (nằm sát nhau, bên trái) của Cty Lực Tấn đến nay vẫn chưa được bồi thường. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Nhận được quyết định bồi thường, Cty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Lực Tấn (địa chỉ lô LG12, đường số 2, khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khiếu nại, kiến nghị vì bị bỏ sót 2 tài sản. Bốn năm qua, Cty vẫn chờ kết quả từ cơ quan chức năng.

Nộp phạt muộn có bị thu hồi giấy phép lái xe không?

Ảnh minh họa (Nguồn: laodong.vn).
(PLVN) - Tôi bị vi phạm giao thông lỗi quá tốc độ, bị áp dụng hình thức là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Sắp tới tôi bận việc ở xa không trực tiếp để nộp phạt theo đúng thời hạn quy định được. Vậy tôi đến nộp phạt muộn có thể nhận lại bằng lái xe không?

Sau bài viết một số khu tái định cư tại TP Huế chưa có nước sạch: Lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu cấp nước trước ngày 10/5

Các bên đã thống nhất sẽ bảo đảm cung ứng nước cho dân trước ngày 10/5/2024. (Ảnh trong bài: Tám Bảy)
(PLVN) - Báo Pháp luật Việt Nam - PLVN đã có bài phản ánh việc người dân tại khu tái định cư (TĐC) Hương Sơ 9 và 10 (TP Huế) tới đây sinh sống từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng phải sống trong cảnh chưa có nước sạch. Sau khi báo đăng, chiều 23/4, ông Phan Ngọc Thọ (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế) đã tới địa phương kiểm tra thực tế, gặp người dân và cơ quan liên quan.

Hiệu quả từ những cơ chế đúng đắn

Cao tốc Bắc Nam (Ảnh: Báo Chính phủ)
(PLVN) - Sau một thời gian các đoạn cao tốc đi vào vận hành và nhận được những phàn nàn từ những người đi trên cao tốc về vấn đề không có trạm dừng nghỉ, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc. Đại diện Cục Đường cao tốc cho biết, bảo đảm trong năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có trạm dừng nghỉ.

Doanh nghiệp đề xuất tặng công trình vi phạm cho địa phương: UBND tỉnh Hải Dương đưa ra hướng xử lý

Công trình vi phạm trên đất của BV Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hoàng Giang)
(PLVN) - Tỉnh sẽ tiếp nhận công trình xây dựng vi phạm trên diện tích đất của Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền để tránh gây lãng phí, thất thoát tiền. Ý kiến được ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đưa ra, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định các dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý.