Lễ hội đa sắc màu
Theo ghi nhận của phóng viên, Lễ hội Dạ cổ hoài lang bao gồm nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và tôn vinh bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ đó động viên, khích lệ các nghệ sĩ, nghệ nhân nâng cao ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời không ngừng phát huy, sáng tạo và từng bước làm cho nền văn hóa truyền thống của tỉnh nhà đậm đà bản sắc dân tộc.
Chọn lễ hội như một hoạt động để hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia, Bạc Liêu như muốn khẳng định rằng: Đây là lễ hội văn hóa du lịch. Với tầm cỡ và quy mô như thế nên việc thiết kế chương trình lễ hội được chuẩn bị rất chu đáo.
Theo đó, các hoạt động diễn ra xuyên suốt trong Lễ hội này bao gồm: Lễ Giỗ tổ Cổ nhạc, Lễ thắp hương tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Một số hoạt động khác mang đậm tính chất “hội” như: Hội thi ẩm thực (lúc 13-17 giờ ngày 13/9 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm tỉnh Bạc Liêu); thi tìm hiểu bản Dạ cổ hoài lang, vọng cổ, ca dao, hò vè, thơ ca (lúc 8-17 giờ ngày 13-14/9 tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Theo dự kiến có 20 đội tham gia. Nhân sự kiện văn hóa này, Ban tổ chức lễ hội cũng đăng cai tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau năm 2016 mở rộng. Liên hoan diễn ra từ ngày 13-15/9/2016 tại Nhà hát Cao Văn Lầu. Tính đến nay đã có 7 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long, TP HCM và Bình Dương. Bế mạc Lễ hội Dạ cổ hoài lang và chương trình công diễn trao giải Liên hoan đờn ca tài tử 3 tỉnh sẽ diễn ra vào lúc 19h ngày 15/9/2016 tại Nhà hát Cao Văn Lầu.
Những nấc thang phát triển bài “Dạ cổ”
Cũng cần nhắc lại rằng, cách đây gần một thế kỷ, bài “Dạ cổ Hoài lang” được “khai sinh” vào đúng đêm trăng rằm. Hai mươi câu nhịp đôi đã bật ra tiếng lòng của người cô phụ, nghe tiếng trống đêm nhớ chồng khôn nguôi. Hoàn cảnh éo le của thời phong kiến “Tam niên vô tử bất thành thê” đã tước đi quyền làm vợ của người phụ nữ.
Cám cảnh cho hoàn cảnh của vợ chồng phải lìa đôi ngả vì định luật khắt khe, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã “tức cảnh sinh tình”! Ông để tiếng đờn kìm dẫn dắt tâm tư mình. Để rồi trong cái thứ ánh trăng vằng vặc ấy, như soi thấu tâm can người chồng hết mực yêu thương vợ, ông vẫn trọn tấc lòng với âm nhạc.
Thế là bài “Dạ cổ Hoài lang” đã chính thức ghi tên ông trong bảng vàng âm nhạc dân tộc bằng một mốc son chói lọi. Công lao ấy của người nhạc sĩ tài hoa đã được dàn dựng công phu trong tiết mục ca cảnh “Chuyện tình Dạ cổ” được trình diễn tại buổi lễ khai mạc lễ hội. Từng sắm vai người phụ nữ chịu thương chịu khó, nghệ sĩ Ngọc Đợi (đoàn cải lương Cao Văn Lầu) đã chạm tới trái tim khán giả bằng tài “ca trong diễn, diễn trong ca” của nàng.
Có duyên với những vai bi, kép chánh Anh Chàng (đoàn Cao Văn Lầu) cũng đã xuất sắc khi hóa thân thành công vai bác Sáu Lầu. NSƯT Phượng Loan, người góp mặt trong buổi lễ khai mạc đã bày tỏ niềm hạnh phúc của mình khi được mời biểu diễn trong lễ hội đầy ý nghĩa như thế.
NSƯT Phượng Loan chia sẻ: “Bất cứ hoạt động nào có liên quan mật thiết đến nghiệp ca cải lương, tôi đều muốn tham gia, huống chi Bạc Liêu đầy nghĩa tình như thế. Cho nên, giá nào tôi cũng sắp xếp để có thể tham gia khi quê hương của bác Sáu cần mình. Hơn nữa, đứng trên sân khấu của một trong những chiếc nôi của cải lương Nam bộ, tôi thấy mình hãnh diện và tự hào lắm”.
Tại buổi lễ khai mạc, khán giả đã được tận mắt “chiêm ngưỡng” và thưởng thức thành quả mà các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và phát triển bài “Dạ cổ”. Từ bài ca nhịp đôi, hậu duệ của Cao Văn Lầu đã sáng tạo và phát triển lên các bài ca cổ nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32.
Bản vọng cổ nhịp 32 đang thịnh hành và phổ biến trong cả nước. Đó có thể được xem là bản vọng cổ đã định hình, mẫu mực mà chưa bản nhạc trữ tình nào vượt qua được. Chính từ đây, mọi người mới hiểu hơn giá trị và sức sống của bản vọng cổ mà càng biết ơn nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông đã cho ra đời bản “Dạ cổ Hoài lang” – một tuyệt tác năm xưa để có bản vọng cổ “vàng son” ngày hôm nay.
Lễ hội một lần nữa mang đến cho khán giả thông điệp: Cải lương hôm nay có được chắp cánh hay không, công lao đầu tiên rất lớn đã thuộc về người cha đã khai sinh ra bài “Dạ cổ”!