Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Từ quy định này cho thấy, người bán hàng đa cấp sẽ giúp doanh nghiệp bán hàng và được trả hoa hồng chứ không phải là người tham gia đầu tư để hưởng lợi nhuận.
Tại nhiều nước trên thế giới, đa cấp là một hình thức kinh doanh khá phổ biến, hợp pháp, nhiều công ty thành đạt, lên sàn giao dịch quốc tế. Tại Việt Nam, ngoài một số chi nhánh của công ty đa cấp nước ngoài ở trong nước và một vài công ty đa cấp làm ăn chân chính, thì con số đa cấp lừa đảo nhiều không kể xiết.
Đa cấp xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực: sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm chức năng, dược phẩm, bất động sản, đầu tư kinh doanh… Cứ một thời gian, người ta lại chứng kiến một cuộc “vỡ bong bóng” đa cấp mà đứng đầu là một công ty đa cấp lừa đảo, kéo theo hàng ngàn nạn nhân bị lừa với số tiền từ vài triệu đến vài trăm tỉ đồng.
Cách nhận diện đa cấp lừa đảo cũng đã được những người có kinh nghiệm đưa ra, đó là các công ty này luôn đòi hỏi người tham gia đặt cọc tiền mua hàng với số lượng lớn, không tập trung phát triển kinh doanh sản phẩm mà tập trung lôi kéo người tham gia qua những mắt xích, hứa hẹn những khoản lợi nhuận khổng lồ, đồng thời xúi giục người tham gia làm nhiều cách, kể cả bất hợp pháp để có tiền đóng góp cho công ty…
Chính những biến tướng của bán hàng đa cấp đã khiến phần đông người dân có ác cảm với hình thức kinh doanh đa cấp. Thực tế, khi vào đến Việt Nam, do các quy định pháp luật và các cấp quản lý còn lỏng lẻo, khiến các công ty đa cấp đánh vào lòng tham của người dân, tổ chức trục lợi, lừa đảo.
Điều đáng nói là đa cấp biến tướng tồn tại ở Việt Nam hàng chục năm nay nhưng đến nay vẫn như chân rết chặt mãi không đứt, gây ra hậu quả tai hại, thương tâm cho người dân, sự bất ổn và mất niềm tin trong xã hội.
Rất nhiều vụ việc lừa đảo đến từ các đường dây đa cấp đã khiến phần đông người dân có ác cảm với loại hình kinh doanh này. Vậy, phải chăng đa cấp là một hình thức kinh doanh sai trái, không nên tồn tại trong xã hội?