... Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2017, tỷ lệ này rất cao, chiếm 90% trong tổng số hơn 10.000 người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp. Những lao động này chủ yếu làm việc tại các khu công nghiệp Thăng Long, Quang Minh, Sóc Sơn... Ngoài những đợt cao điểm, qua phân tích số liệu lao động đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hàng tháng vẫn có một số lượng nhất định lao động ở sau tuổi 30 phải nghỉ việc.
Theo phân tích của các chuyên gia lao động, việc thay thế lao động trẻ cho vị trí việc làm của những công nhân tuổi băm sẽ có lợi hơn nhiều cho các doanh nghiệp vì công nhân càng có nhiều thời gian gắn bó với công ty thì tiền lương, các chế độ phúc lợi, bảo hiểm xã hội... phải chi trả cao hơn so với những công nhân trẻ hơn, có sức khỏe tốt hơn, thu nhập và các chế độ khác sẽ dừng ở mức khởi điểm.
Về phía người lao động, khi đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, ngoài khoản tiền trợ cấp 6 tháng được chi trả, người lao động có cơ hội học nghề và giới thiệu việc làm mới. Tuy nhiên, để kiếm được một cơ hội iệc làm mới cho lao động phổ thông ở tuổi này là khó vì thời điểm này, trình độ, tuổi tác và sức khỏe đã khác trước khiến họ không đáp ứng đủ điều kiện để tái gia nhập thị trường lao động.
Trước tình trạng này, ngày 17/8, Hội LHPN huyện Đông Anh phối hợp cùng tổ chức Plan International Việt Nam, Viện Sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long đã giới thiệu dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn cho nữ thanh niên nhập cư Hà Nội”. Dự án nhằm tăng cường khả năng thích ứng và ổn định kinh tế cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư (độ tuổi 18-30) bằng cách cung cấp cho họ các kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc, tăng cơ hội việc làm bền vững.
Dự án được thực hiện trên địa bàn xã Kim Chung, huyện Đông Anh là nơi có Khu công nghiệp Thăng Long có quy mô lớn nhất của Hà Nội hiện nay, thu hút hơn 30.000 lao động nhập cư, trong đó có 90% là lao động nữ. Một số ngành nghề phù hợp được dự án lựa chọn để chị em đăng ký là nấu ăn, bán hàng, may mặc, làm tóc.
Những người tổ chức chương trình hy vọng, với những công việc và kỹ năng đã được đào tạo qua khóa học có thể giúp chị em tự tin tìm kiếm công việc mới hoặc tự mở cửa hàng kinh doanh, có thu nhập ổn định. Tại Kim Chung, dự án thành lập các điểm tư vấn để cung cấp thông tin, hỗ trợ kịp thời cho nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư giảm thiểu nguy cơ bạo lực giới, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ về nhà ở an toàn, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.
Dự án kéo dài đến giữa năm 2019 với mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 2.000 nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư về nơi ở, việc làm và cơ hội học tập; 800 người được đào tạo tăng cường kỹ năng chuyên nghiệp, kỹ năng mềm và kỹ năng sẵn sàng làm việc; 590 người được kết nối với các doanh nghiệp để có cơ hội thực tập và việc làm ổn định sau đào tạo; 100 người được đào tạo và hỗ trợ tự kinh doanh từ những mô hình do chính họ lên kế hoạch thực hiện.