Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ 2010 đến nay, cả nước có không dưới 20 vụ điển hình về mất an ninh trật tự trong bệnh viện. Tính riêng các vụ vũ lực thì có đến 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng và 60% vụ việc xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của các nhân viên y tế mà cũng đe dọa tính mạng của các bệnh nhân đang được cấp cứu khác.
Để đối phó với tình trạng này, nhiều bệnh viện đã có giải pháp thắt chặt an ninh tại bệnh viện. Nhưng xét cho cùng để bảo vệ nhân viên y tế trước nắm đấm của bệnh nhân thì giải pháp lâu dài vẫn là tuyên truyền cho người dân hiểu về công việc của ngành y và quan trọng nhất là tăng cường công tác tập huấn nâng cao giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế trong các bệnh viện. Hay nói như Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa – Cục Quản lý Khám chữa bệnh là nhóm giải pháp ở 6 góc độ: thầy thuốc, bệnh viện, ngành y tế, các ngành liên quan, cơ quan truyền thông, cộng đồng.
Riêng ở góc độ pháp luật, luật pháp bảo vệ các nhân viên y tế về tính mạng, tài sản, được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, Luật Khám bệnh chữa bệnh có quy định về bảo vệ danh dự, tính mạng, tài sản của nhân viên y tế trong đó có quy định nghiêm cấm vi phạm danh dự, tính mạng, tài sản của người hành nghề…cùng nhiều văn bản, quy định khác với những nội dung bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân viên y tế… Nhưng pháp luật hiện hành lại chưa có quy định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhân viên y tế ở nơi xảy ra các sự việc. Bên cạnh đó, nhận thức của người nhà người bệnh khi thực hiện nghĩa vụ trong khám, chữa bệnh, chưa thực sự đầy đủ, một phần xuất phát từ bản thân hành xử của cán bộ, nhân viên y tế.
Nói vậy để thấy, bác sĩ cứu mạng người trong nhiều trường hợp chỉ cần một bác sĩ, nhưng để cứu bác sĩ khỏi nạn bạo lực tại bệnh viện thì cần sự đồng bộ, chung tay của rất nhiều người, nhiều ngành.