Cuộc sống đáng nể của người đàn ông... đi bằng tay

Ông Đây đi lại và làm việc chủ yếu bằng đôi tay chắc khỏe
Ông Đây đi lại và làm việc chủ yếu bằng đôi tay chắc khỏe
(PLO) - Bị liệt hai chân từ năm lên 2 tuổi, thế nhưng ông Dương Văn Đây (SN 1945, ở thôn Phước Chánh, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) không đầu hàng số phận mà ngày ngày vẫn làm việc kiếm sống, hăng say làm cách mạng.

Nay đã 71 tuổi, ông vẫn làm việc, bởi như ông nói: “Những lúc làm việc, tôi thấy mình đang sống”.

Tàn nhưng không phế

Theo lời ông Đây, khi lên 2 tuổi, sau một cơn bệnh đột ngột, ông bị bại liệt hoàn toàn hai chân. Từ đó, muốn đi đâu, ông đều phải bò, cha mẹ và anh em phải vất vả thay nhau chăm sóc. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở vùng núi Mỹ Sơn (xã Mỹ Phong), việc đi lại khó khăn nên ông không được học hành.

Đến năm 10 tuổi, không thể cứ dựa dẫm mãi vào gia đình, ông xin mẹ đi chăn bò. Cứ sáng ra, đàn bò đi trước, người chăn bò hai tay đeo dép cao su thoăn thoắt đuổi theo. Chiều xuống, lùa bò về chuồng xong, ông còn phụ mẹ cơm nước, giặt giũ quần áo.

Càng lớn lên, ông Đây càng hăng say làm việc, để chứng minh mình là người tàn nhưng không phế. Năm 18 tuổi, ông bắt đầu đến với nghề mộc. Cũng chỉ thấy người ta làm mà tập tành rồi bắt chước làm theo, dần dà ông thành thạo với công việc. Dù hai chân có cũng như không, mất hẳn thế thăng bằng khi làm công việc nặng nhọc này, nhưng ông chẳng hề thua kém một thợ lành nghề nào. Từ cưa, bào đến đục ông đều làm tốt. Từ tủ, giường, bàn ghế đến cột kèo, xiên trính ông đều thông thạo. 

Hồi ấy, những buổi làm gần nhà, ông Đây lục đục đeo đồ nghề lên cổ, tay chân mang dép, rồi cứ thế mà bò đi đến nơi làm. Còn đi làm xa thì nhờ bạn nghề ghé nhà chở đi. Về sau, nhờ được nhiều người khen ông làm giỏi, chắc chắn nên học trò cũng đến theo học. Thế rồi mỗi lần đi làm, ông nhờ học trò đến đưa đón. Khi tuổi đã cao, ông không đi xa nữa mà làm tại nhà, hễ ai nhờ ông đục đẽo, sửa chữa gì liên quan tới nghề là ông làm hết. 

Ông Đây cho biết: “Tôi kén học trò lắm vì đâu có thầy nào đặc biệt như tôi. Tôi chỉ có 4 học trò, mà trò nào ra trò nấy, bây giờ tụi nó đã có gia đình, cơ sở mộc hẳn hoi. Đứa nào cũng nhà cao cửa rộng hết. Cứ khoảng vài ba tuần là tụi nó tập trung tới nhà chơi vui lắm”.

Dù bị tật từ nhỏ nhưng ông cũng may mắn có được người vợ hiền hậu, đảm đang. Bà Hà Thị Sanh (SN 1947, vợ ông Đây) tâm sự: “Vợ chồng tôi có 5 đứa con, 4 đứa đầu, mỗi đứa cách nhau chỉ một tuổi. Gánh nặng gia đình đè hết lên đôi tay của ổng. Nhà có một sào ruộng, tôi làm ra gạo chưa đủ ăn, lấy gì mà đỡ đần.

Nên không chỉ làm thợ mộc, ổng còn làm đủ thứ nghề, đụng đâu làm đó, từ sửa cày đến đan thúng, gò thùng. Con cái càng lớn lên, càng thấy ổng khổ nhiều quá. Đến khi chúng lập gia đình, sinh con đẻ cái, ổng vẫn không ngưng tay”.

Ở tuổi 71, ông Đây vẫn hăng say làm việc

 Ở tuổi 71, ông Đây vẫn hăng say làm việc

Hăng say làm cách mạng

Với nhiều người, khiếm khuyết dễ dẫn đến thỏa hiệp với thiệt thòi. Nhưng ông Đây lại chọn cho mình một cách sống rất khác. Không chỉ lao động kiếm sống, bằng nhiều cách khác nhau, ông đã góp sức mình cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Có lẽ, do tôi hơi khác người, chỉ bò chứ không đi thẳng, nên địch có phần khinh thường. Nhờ thế mà tôi hoạt động trót lọt, chưa từng bị địch nghi ngờ, bắt bớ”, ông Đây hóm hỉnh kể.

Ông bảo, nhờ “lợi thế” hiếm có đó mà ông được cắt cử nghe ngóng tình hình địch ở thôn Phước Chánh và thôn Văn Trường, báo lại cho hai anh trai Dương Văn Sỹ, Dương Văn Nhu (sau này đều là liệt sĩ). Những thông tin này sau đó được chuyển lên cấp trên phục vụ kế hoạch tác chiến của quân ta. Chân không đứng vững được, nhưng ông lại là tay bẫy cu có tiếng, hay mang “chiến lợi phẩm” cho bọn lính Ngụy nhậu.

Thỉnh thoảng, có thứ gì ngon, bọn chúng cũng gọi ông đến đồn cùng liên hoan. Đặc biệt, đêm trước mỗi trận càn, lính Ngụy thường nhậu túy lúy, vì không biết ngày mai sống chết thế nào. Trong lúc chúng nửa tỉnh nửa mê, ông khéo léo hỏi chuyện sáng mai đi càn ở đâu, sẽ giết ai. Đây là những nguồn tin rất quý giá. 

Không chỉ khai thác tin tình báo, nhiều lúc lên đồn địch chơi, tận dụng lúc chúng nhậu xỉn, ngủ say, ông còn trộm được súng. “Có lần, mang súng về nhà, tôi cột dưới thanh giường. Chưa kịp tẩu tán thì tụi lính đến chơi, có đứa còn nằm ngủ trên chiếc giường ấy, tôi cứ giả tảng đi chuẩn bị đồ nhậu cho chúng như thường lệ, mà hồi hộp muốn chết. Giờ nghĩ lại, sao hồi đó mình liều thế không biết”, ông Đây cho biết. 

Có cơ hội gần gũi, ông Đây còn tỉ tê tâm sự, vận động lính Ngụy bỏ trốn. Trước khi rời hàng ngũ địch, một người lính còn để lại cho ông 1 mìn mo, 6 lựu đạn, 6 băng đạn. Ông bí mật đưa hết du kích xã. Thời ấy, vũ khí của du kích xã còn thiếu thốn, lâu lâu được huyện bổ sung cho mấy khẩu súng, có khẩu hư chỗ này, hóc bộ phận kia. Ông Đây lại ra tay sửa chữa, nhất là cái khoản thay báng súng.

Không chỉ thu thập thông tin tình báo, ông Đây còn là tay thả truyền đơn có hạng. Năm 1962 là thời điểm ông tham gia đắc lực nhất công tác này. Những tờ truyền đơn được ông gói cẩn thận vào những chiếc lá dông. Có khi ông bò đi, cứ tranh thủ nơi vắng người mà thả, có khi nhờ người đèo bằng xe đạp, rồi thả truyền đơn dọc đoạn đường dài vài cây số.

Căn lều nhỏ của vợ chồng ông Đây

 Căn lều nhỏ của vợ chồng ông Đây

“Lúc làm việc, tôi thấy mình đang sống”

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đây vẫn cứ lầm lũi làm việc, chăm lo cho gia đình. Đến năm 1985, những người từng được ông giúp đỡ trong chiến tranh tìm về thăm, hỏi ra mới biết ông chưa được ghi công gì hết. Vậy là, chỉ một năm sau, ông được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Ông Đây cho biết: “Ngày tôi được nhận Huân chương, mẹ tôi vẫn còn sống, bà vui lắm. Cách đây 3 năm, có mấy cán bộ ở ngoài Bắc vào tìm thăm mẹ để cảm ơn nhưng bà đã không còn. Lúc trước, bọn Ngụy hay lui tới nhà tôi mà không biết rằng đây cũng là nơi nuôi giấu, tiếp tế cho những người hoạt động chìm của ta. Mẹ tôi hay treo khăn đỏ bên hiên nhà để báo cho quân mình biết địch đang ở trong nhà. Khi khăn trắng treo lên, nghĩa là các đồng chí được vào nhà nhận tiếp tế”.

Nói rồi, giọng ông lại chắc nịch: “Hồi đó, nhiều người không hiểu chuyện, cứ nói ra nói vào, rằng nhà tôi ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản. Mặc kệ người ta nói, mẹ con tôi vẫn chung niềm tin son sắt vào lời của Bác Hồ, rằng chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng rồi cũng đến ngày thắng lợi. Sau khi hai anh trai lần lượt hy sinh, gia đình tôi vẫn tiếp tục góp công góp sức cho cách mạng”.

Ông Hà Tuấn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phong, cho biết: “Khi nói ra điều này chẳng ai tin cả nhưng khi tận mắt chứng kiến mới tin ông Đây làm giỏi hơn cả người lành lặn. Ở cái thôn này ai cũng phục và nể ổng, dễ gì kiếm ra người như ổng. Tôi nghe nhiều người cùng lứa tuổi với ổng kể lại, hồi còn nhỏ, mỗi ngày ổng bò được mấy cây số, hết đường bằng phẳng tới dốc đá, ven núi rừng, ngõ rào, chỗ nào ổng cũng bò nhanh như đi bộ. Còn ổng làm cách mạng thì chẳng ai chê cả. Đúng là có tật, có tài”

Bây giờ, tuổi ngày càng cao nên đôi tay ông Đây yếu dần, càng khó khăn khi leo lên mấy bậc cấp trước thềm nhà. Thế nên, ông làm một cái lều nhỏ bên cạnh chuồng bò trong mảnh đất của gia đình để tiện sinh hoạt. Ngày ngày, mấy đứa cháu nội cứ quấn quýt, tối đến cũng nhất quyết ngủ lại cùng nội.

“Bây giờ tôi cũng già rồi, công việc cũng không năng suất như trước được nữa. Tôi còn đôi tay chắc khỏe là may mắn lắm rồi, nên cứ phải làm việc, để kiếm sống, đỡ đần gia đình. Những lúc làm việc, tôi thấy mình đang sống. Có con, có cháu tề tựu bên cạnh lúc tuổi già, tôi cũng mãn nguyện lắm rồi”, ông Đây tâm sự.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.