Hội thảo “Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra bảo hiểm xã hội tại Việt Nam” do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức sáng qua (31/3) ở Hà Nội là để giải pháp “đối phó” triệt để tình trạng này nhằm duy trì tính bền vững cho hoạt động BH.
Năng lực thanh tra “đuối” so với khối lượng công việc
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, tình trạng trốn tránh trách nhiệm BHXH, với nhiều hình thức khác nhau như không đăng ký số lượng lao động được đóng BH, không ký hợp đồng lao động, đăng ký mức nộp BH với mức lương thấp hơn thu nhập thực tế… còn phổ biến là điều không chấp nhận được vì “việc đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, không đóng BH cho người lao động (NLĐ) ảnh hưởng đến mức độ BH mà NLĐ được hưởng”.
Do đó, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức hoạt động từ 1/6/2016 được kỳ vọng là giải pháp tốt nhất để xử lý nợ đọng BHXH của DN và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. BHXH VN luôn xác định, “thanh kiểm tra là phương thức của quản lý, không chỉ là phát hiện, thu hồi số tiền BH còn nợ mà quan trọng là nâng cao công tác bảo đảm quyền an sinh xã hội” cho NLĐ, người hưu trí và các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội khác.
Nhưng sau gần 1 năm thanh tra chuyên ngành đóng BH đi vào hoạt động, ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật về BH của DN. Cùng với đó, chế tài xử phạt dù nâng lên song chưa vẫn đủ mạnh để tác động đến hành vi của các DN.
Theo đánh giá của ILO, cán bộ thanh, kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong xác định cũng như báo cáo, giải quyết tranh chấp liên quan đến tuân thủ quy định về BHXH nhưng lực lượng thanh, kiểm tra lao động của Việt Nam còn mỏng, mới chỉ đáp ứng 1/5 nhu cầu của công tác này. Chất lượng cán bộ thanh tra trong lĩnh vực này cũng “còn vấn đề” khi chỉ 1/10 cán bộ được đào tạo bài bản và là thanh tra viên chính nên năng lực thanh, kiểm tra thường “đuối” so với khối lượng công việc mà lực lượng thanh, kiểm tra phải đảm đương.
Thanh tra không phải chỉ để xử phạt
Đó là mong muốn của các DN và cũng là chia sẻ của các chuyên gia ILO nhằm tăng hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra đóng BH. Ông Paguman Singh - Chuyên gia của ILO lưu ý, “nhiều người nghe đến thanh, kiểm tra là nghĩ ngay đến xử phạt, chế tài, nhưng nhìn vào trách nhiệm của lực lượng này thì không phải”. Thực tế, theo phân tích của ông Paguman Singh, chức năng rất quan trọng của công tác thanh, kiểm tra là hỗ trợ, đảm bảo tính tuân thủ trong việc đóng BH, chứ không đơn thuần là thực thi pháp luật hay “chăm chăm soi lỗi” của DN.
Vì thế, “cán bộ thanh, kiểm tra phải kiểm tra, giám sát cẩn trọng, kỹ lưỡng trước khi đưa ra kết luận, đề xuất định hướng chính sách, quy trình phù hợp cho cấp cơ sở. Qua thanh, kiểm tra để cung cấp thông tin hỗ trợ NLĐ hiểu được quy định pháp luật, kịp thời phản ánh những bất cập của pháp luật trong thực tiễn áp dụng để cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh” – chuyên gia này gợi ý.
Để đảm bảo tính tuân thủ, ông Paguman Singh cho rằng, cần “thanh tra đi, thanh tra lại như trẻ con học bài”. Bên cạnh đó còn phải có thanh tra khảo sát về khả năng tuân thủ đối với các DN mới thành lập, thanh tra chuyên đề khi DN tuân thủ không tốt... để hướng dẫn, hỗ trợ, tiến tới cải thiện việc thực thi các quy định về đóng BH. Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết thêm, trong hoạt động thanh tra lĩnh vực BH, tinh thần không phải cứ lỗi là phạt mà chủ yếu răn đe. Chỉ phạt khi DN chây ỳ, “nói mãi không thực hiện”, chứ không phải gây khó khăn cho DN.
Một vấn đề nữa mà thanh tra BH phải “đối phó” được chuyên gia ILO chia sẻ là “gian lận BH” như thanh toán BH sai đối tượng, sai định mức… Như ở Mỹ mỗi năm, gian lận BH lên đến 3 tỉ USD nên chuyên gia này khẳng định “thanh tra BH cần nhiều kỹ năng hơn những kỹ năng thông thường”…
Thà nộp phạt còn hơn vay ngân hàng để đóng BH
BHXH Việt Nam áp dụng hình thức xử phạt hành chính là tính lãi nhưng lại thấp hơn lãi suất ngân hàng. Nếu DN vay ngân hàng để đóng BH thì phải chịu mức lãi suất 18%, trong khi lãi chậm nộp BH thì chỉ 12%. Nên đa số chủ DN chọn giải pháp “thông minh” là chịu phạt chậm nộp BH.
Ngoài ra, theo quy định, đối với những hành vi có mức phạt cao hơn 50 triệu đồng (mức quy định thuộc thẩm quyền của Giám đốc BHXH tỉnh) thì chuyển Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH. Song nếu chuyển như vậy thì không đủ thời hiệu để xử phạt khiến BHXH Việt Nam “không có thực quyền” trong thanh tra, xử lý vi phạm.
Vì thế, ông Nguyễn Tiến Tùng đề nghị nghiên cứu các quy định này cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cơ quan BHXH khi tiến hành thanh tra, xử lý tình trạng nợ đọng BH kéo dài.