Phải làm chủ nguồn cung hàng
Thưa ông, trước sức ép của các nhà bán lẻ Thái Lan (Centra Group, BSC) khi mua lại Big C và Metro, các nhà bán lẻ Việt Nam có nên chọn theo hướng thị trường ngách mà Hapro đã mở hay theo cách chọn số đông như Vinmart để cạnh tranh?
- Vingroup mới phát triển 2, 3 năm nay nhưng tốc độ phát triển rất nhanh và đã có mấy trăm cửa hàng ở các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước. Cách làm của họ là theo số đông, lan rộng đến các đường, ngõ phố nhỏ là đúng. Vì đó là xu hướng hiện nay của các nước tiên tiến trên thế giới.
Còn đối với Hapro, mặc dù là một đơn vị kinh doanh thương mại lâu năm nhưng khi điểm tên các đại gia bán lẻ ở trong những mặt hàng “hot” hiện nay trong lĩnh vực điện máy, thời trang,... không có tên Hapro (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội). Về lâu dài mà nói, Hapro đã tự đặt mình vào thế khó khi để mất lợi thế sẵn có khi phát triển chuỗi kinh doanh ở ngay đại bản doanh của mình là Thủ đô Hà Nội.
Các nhà bán lẻ trong nước nếu không muốn chấp nhận ngồi yên để chịu sự dẫn dắt từ DN bán lẻ nước ngoài thì nên học theo Vingroup, Saigon Co.op. Tích cực chuẩn bị nhân lực và vật lực cùng những chiến lược dài hơi để sẵn sàng cho một cuộc chơi mới, cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với các nhà đầu tư lắm tiền, nhiều của đến từ nước ngoài.
Như ông vừa nói, Vingroup đi theo hướng tiện lợi, số đông. Liệu đây có phải là một hướng đi hoàn toàn đúng trong bối cảnh hiện nay?
- Tập đoàn Vingroup đã có động thái là ký thỏa thuận hợp tác với 250 nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trong nước và ký thỏa thuận với 1.000 nhà sản xuất trong nước.
Đây là động thái rất tích cực của Vingroup. Một DN bán lẻ thành công khi làm chủ nguồn cung với chất lượng đảm bảo. Số lượng cũng phải ổn định và lớn. Đây là tiêu chí quan trọng để DN đánh bại những đối thủ khác. Điều này sẽ giúp họ làm chủ thị trường, từ đó làm chủ chi phí sản xuất, kích thích giá cả và tác động trực tiếp tới đời sống của người tiêu dùng. Đấy là những yếu tố và động thái tích cực giúp Vingroup sẽ thành công.
Các DN bán lẻ Việt Nam nên học tập cách làm này của Vingroup. Hiện nay, họ cũng đang thực hiện những việc làm rất nhân văn, miễn chiết khấu 0% cho các nhà cung cấp hàng thực phẩm tươi sống vào Vingroup trong 1 năm, trong khi các nhà bán lẻ nội chiết khấu cao và bán đắt. Như vậy, Vingroup đi tiên phong trong vấn đề thu mua hàng hoá thực phẩm sạch cho nhân dân, sản xuất theo một khâu khép kín, đảm bảo chất lượng.
Kinh tế phát triển, xu hướng mua sắm của người dân là sản phẩm sạch, đảm bảo, an toàn và tiện lợi chứ không như ngày trước phải vào các siêu thị lớn mua hàng. Ngoài ra, mở các cửa hàng tiện ích, minimart sẽ phù hợp với các DN Việt Nam hơn khi mà đang bị yếu thế về vốn, nhân lực quản lý còn yếu kém. Các DN làm tốt được điều đó cũng chính là đang học cách đi thành công của các DN nước ngoài.
Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |
Hình thành tập đoàn lớn để dẫn dắt thị trường
Ở trên là một vài điển hình, còn toàn cục thì các DN nội phải trang bị những gì để tham gia cuộc chơi, với sự cạnh tranh đang hết sức khốc liệt như hiện nay?
- Nhà nước cần có những quy định và hỗ trợ các DN bán lẻ Việt Nam phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ một số địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam.
Tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ổn định, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ nói chung và các siêu thị trong cả nước, bởi vì nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được.
Về phía các DN, cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chụp giật, kinh doanh phải vì lợi ích của xã hội và người tiêu dùng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các DN FDI để tự hoàn thiện mình.
Các DN đã liên doanh, liên kết hoặc bán 1 phần vốn cho các DN nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị DN nhằm nắm bắt những kinh nghiệm tiên tiến của các DN nước ngoài để từng bước phát triển, không bị thôn tính mất thương hiệu vì những lý do chủ quan gây nên.
Về phía Hiệp hội, thời gian tới, sẽ có hình thức hỗ trợ như thế nào cho các DN bán lẻ trong nước?
- Hiện nay, chúng tôi hỗ trợ bằng đào tạo cho các hệ thống DN bán lẻ. Trước đây, Hiệp hội có phối hợp với Hapro đi Singapore đào tạo 41 giám đốc siêu thị cho Hapro và nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nhỏ khác.
Thời gian sắp tới, Hiệp hội sẽ có đề xuất lên trên và với các DN, nên minh bạch giá cả trên các phương tiện truyền thông, nhất là chạy title trên tivi vì tính công khai minh bạch của ta về vấn đề này đang kém. Đây chính là hình thức cạnh tranh công bằng giữa các siêu thị, đồng thời giúp người tiêu dùng hưởng lợi, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO, tham gia TPP,… tiến tới thương mại công bằng với cả người mua và người bán.
“Nhà nước cần có những quy định và hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ một số địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.