Đó là tâm sự của cụ ông Cao Viết Tỉnh – thương binh 4/4, người đầu tiên ở Nghệ An làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tự nguyện trả lại tiền hỗ trợ
83 tuổi, nhưng cụ Cao Viết Tỉnh (ngụ xóm Vinh Tiên, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn rất minh mẫn và tinh anh. Hàng ngày, sau khi sắp xếp công việc cá nhân xong, cụ lại ra vườn làm cỏ, trồng cây ăn quả để vui thú điền viên.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cụ cũng không quên thói quen gặp gỡ mấy ông bạn già để bàn luận tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi thói quen của cụ đã thay đổi. Tuy có bất cập nhưng cụ luôn tuân thủ những khuyến cáo của Chính phủ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Vốn là thương binh 4/4, nên cụ Tỉnh nằm trong danh sách được Chính phủ hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 15/ NQ-CP. Ngày 8/5, như một số người dân khác cụ đạp xe lên Bưu điện xã Diễn Phong để nhận 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.
Nhưng sau khi nhận tiền, cụ Tỉnh đã có hành động bất ngờ khiến nhiều người thán phục. Cụ Tỉnh chính là người đã chủ động làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ người có công bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ kể, sau khi nhận tiền hỗ trợ, vì hôm đó là ngày cuối tuần, sợ UBND xã Diễn Phong đã hết giờ làm việc nên cụ cầm tiền về nhà, đợi qua tuần sẽ lên gặp cán bộ trình bày nguyện vọng của mình. “3 ngày cầm khoản tiền đó ở nhà mà lòng tôi luôn trăn trở, muốn nhanh đến thứ 2 để lên xã, gửi lại khoản tiền này”, cụ Tỉnh chia sẻ.
Lá đơn ông Cao Viết Tỉnh từ chối nhận tiền hỗ trợ Covid-19 để san sẻ với Nhà nước |
Sáng sớm 11/5, cụ nhờ người con rể đèo lên trụ sở UBND xã Diễn Phong, gặp cán bộ để trình bày nguyện vọng của mình. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ phụ trách, cụ Cao Viết Tỉnh đã làm đơn xin tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ người có công do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời tận tay gửi lại số tiền hôm trước cụ đã lĩnh từ bưu điện.
Hành động của cụ khiến nữ cán bộ tiếp nhận tiền bất ngờ. Bởi, theo nữ cán bộ này đây là trường hợp đầu tiên của tỉnh Nghệ An có nguyện vọng như vậy. Khi được hỏi về quyết định của mình, cụ Tỉnh chỉ cười rồi cho biết: “Việc đó không có gì to tát các cháu ạ. Tôi là thương binh, nhưng vẫn còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn hơn trong khi ngân sách nhà nước hạn chế. Do đó, tôi muốn chia sẻ cho hoàn cảnh khác cũng là muốn góp một phần nhỏ cho Chính phủ”.
Lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái
Cụ Cao Viết Tỉnh là thương binh 4/4. Năm 1960, chàng trai 23 tuổi lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở binh chủng Quân chủng phòng không không quân. Năm 1967, trong một lần tham gia chiến đấu, cụ bị thương vào chân. Cũng vì chấn thương đó mà đến hôm nay, chân bên trái của bị vẫn bị tật vòng kiềng. Cứ trái gió trở trời là vết thương ngày xưa lại khiến cụ đau nhức.
Đến năm 1971, cụ Tỉnh chuyển sang ngành tài chính, đảm nhiệm chức vụ Chi cục phó Chi cục thuế huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An). Công tác đến năm 1994 thì cụ về hưu theo chế độ, vui thú điền viên bên con cháu. Chỉ tay vào chân từng bị thương từ cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cụ Tỉnh bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ, “nhường cơm, sẻ áo” trong quân ngũ để đi đến ngày thắng lợi, thống nhất đất nước.
Cụ xúc động nói: Chiến tranh vô cùng gian khổ. Bao người đã nằm xuống để giữ nền hòa bình cho dân tộc. Thì cuộc chiến chống Covid-19 không khác gì chống giặc. Biết được chủ trương hỗ trợ, sự quan tâm đặc biệt đến các đối tượng chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tôi vô cùng cảm động. Tuy nhiên, khi nhìn xung quanh, tôi thấy vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn mình nên muốn nhường lại cho người khác.
Điều khiến cụ Tỉnh vui là quyết định của mình được con cháu trong nhà ủng hộ. Người con đang sống ở TP HCM sau khi biết việc làm của bố mình đã gọi điện về hỏi thăm, thể hiện sự đồng thuận. Theo cụ Tỉnh, việc làm đó của mình hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, chứ không ai mách bảo hay ép buộc. Thông qua việc làm của mình, cụ ông 83 tuổi muốn trở thành gương sáng cho con cháu trong gia đình.
Ông Liếu Phi Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu cho biết: “Cụ Cao Viết Tỉnh là thương binh hạng 4/4 (thương tật 31%), có lương hưu và hàng tháng được nhận trợ cấp 1.613.000 đồng. Ở địa phương, cụ luôn gương mẫu, sống chan hòa với con cháu, bà con lối xóm”. Khi biết thông tin cụ Tỉnh làm đơn tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu chia sẻ: Hành động đẹp của cụ Cao Viết Tỉnh thể hiện tính nhân văn, truyền thống “nhường cơm, sẻ áo” tốt đẹp và đang được lan truyền rộng rãi ở khắp huyện Diễn Châu. Việc làm của cụ đã khiến chúng tôi và người dân địa phương vô cùng xúc động.
Trong khi đó, bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH tỉnh Nghệ An cho biết đã nhận được thông tin có thương binh ở Diễn Châu nhường lại phần được hỗ trợ của mình. “Hy vọng việc làm này của cụ thương binh Diễn Phong - Diễn Châu sẽ lan tỏa nhiều hơn về tinh thần đoàn kết của nhân dân trong phòng chống dịch bệnh, cùng nhau vượt qua khó khăn”, bà Hồ Thị Châu Loan chia sẻ.
Được biết, sau khi câu chuyện của cụ Cao Viết Tỉnh được lan tỏa đã có thêm hai người dân ở xã Diễn Phong được hưởng hỗ trợ do dịch Covid-19 cũng tự nguyện làm đơn xin trả lại tiền cho xã. UBND xã Diễn Phong đã lập danh sách, tiếp nhận tiền của những hộ dân đó để hoàn trả lại cho ngân sách nhà nước.