Theo “Văn học sử Việt Nam” cho hay, quê của Lương Văn Can (1854-1927) là đất làng Nhị Khê, Hà Đông. Xét gốc nguồn quê hương, ông là đồng hương của Ức Trai Nguyễn Trãi. Xuất thân trong một gia đình bần nông, nhưng chí vươn lên của Lương Văn Can thì như sen giữa đất bùn vậy.
Cụ cử Can thức thời
Tác phẩm “Lương Văn Can và phong trào Duy Tân – Đông Du” cho biết, cụ Can, có tên hiệu là Ôn Như. Gốc tích họ Lương ở đất Nhị Khê, xem trong “Lương gia thứ chi phả” thì được biết cụ tổ họ Lương lập nghiệp ở Nhị Khê cách ngày nay khoảng 400 năm, tính đến đời Lương Văn Can là đời thứ 13.
Sinh ra trong gia đình nghèo, kiếm sống bằng nghề nông và tiện gỗ, nhưng bởi quý sự học, gia đình cầm cố cả ruộng đất để con cái được rộng đường bút nghiên. Và quả không phụ công cha mẹ, khoa thi Hương năm Giáp Tuất (1874), ở tuổi 21 ta, Lương Văn Can ứng thí nơi trường thi Hà Nội và trở thành một trong 25 thí sinh đậu cử nhân tại trường thi này, được “Quốc triều hương khoa lục” ghi danh: “Lương Văn Can. Người xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc”. Năm sau, họ Lương thi Hội, vào đến nhị trường.
Đỗ đạt, Lương Văn Can được bổ làm Giáo thụ phủ Hoài Đức, nhưng chàng trai trẻ không nhận. Giải thích cho hành động này, trong tự thuật “Hành trạng” được chính Lương Văn Can ghi lại nơi “Lương gia thứ chi phả”, có viết: “Ta tính vốn điềm đạm, pháp trực, không ưa chỗ náo nhiệt, thấy vận nước gian nan, tài mình thô sơ, vẫn chịu thủ quyết ở nhà dạy học”.
Theo sách “Lương Văn Can, xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” thì khi ở nhà dạy học, cử Can lập trường tư có tên Ôn Như ngay tại nhà. Đó là thái độ tự trọng, bất hợp tác với chính quyền bị chi phối bởi bè lũ thực dân.
Dẫu theo Nho học, nhưng lòng tự trọng của kẻ sĩ đã giúp họ Lương nhận rõ chính tà mà lựa chọn con đường riêng không vấy bùn của bản thân. Khi phong trào Duy Tân trở nên sôi nổi khắp nước, chính là lúc họ Lương nhập cuộc, và dấu ấn điển hình không đâu khác, chính là với Đông Kinh Nghĩa Thục.
Danh tiếng cũng như uy tín của họ Lương, trong nghiên cứu “Ba thế hệ tri thức người Việt (1862-1954)”, GS Trịnh Văn Thảo cho rằng “Thủ lĩnh phong trào duy tân Khổng giáo (Đông Kinh nghĩa thục)” không ai khác, chính là cụ Lương Văn Can.
Còn Nguyễn Hiến Lê trong tác phẩm “Đông Kinh Nghĩa Thục” thì chép “ba nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử cách mạng hồi đầu thế kỷ là cụ Lương Văn Can (cụ cao niên hơn cả), cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Châu Trinh”. Ba nhân vật này, cũng chính là linh hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục.
Chân dung Lương Văn Can |
Lấy nhà làm trường học
Nguồn gốc sâu xa cho việc ra đời Đông Kinh Nghĩa Thục, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê cho hay, được bắt nguồn từ ý tưởng của cụ Phan Bội Châu, khi đó đang ở Nhật, thấy mô hình giáo dục của Nhật nên đã nhờ cụ Phan Châu Trinh về nước truyền đạt lại với cụ cử Can “bày rõ tình hình của Nhật và hai cụ bàn với nhau sáng lập một nghĩa thục tựa như Khánh Ứng nghĩa thục để mở mang dân trí và đào tạo đồng chí, mưu kế lâu dài”. Điểm này được “Việt sử tân biên” cũng cho ý kiến tương tự.
Nhận thấy ý kiến rất cách mạng của cụ Phan đất Nghệ, một cuộc họp gồm nhiều nhân sĩ yêu nước đã được tiến hành ở tại căn gác nhà số 4 phố Hàng Đào của cụ Can và Đông Kinh Nghĩa Thục được mở.
Mục đích của Đông Kinh Nghĩa Thục là “khai trí cho dân, phương tiện được hoạch định: mở những lớp dạy học không lấy tiền (đúng với cái tên nghĩa thục) và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động trong dân chúng. Trường dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn”. Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, được “Việt sử mông học” ghi:
Dựng “Đông kinh nghĩa thục”,
Để cổ võ thanh niên.
Đề xướng thuyết tự do,
Làm chấn động nhân quyền.
Địa điểm mở trường không đâu khác, chính là nhà số 4 phố Hàng Đào của cụ Phan. Sau này, thuê tiếp nhà số 10 cùng dãy khi học sinh đã đông, lên tới 600 người. Tác phẩm “Lương Văn Can, xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt” có cho hay, ngoài cụ Phan tham gia giảng dạy, con gái cụ Lương Thị Tín, hay cô Năm cũng đứng lớp giảng dạy, nằm trong phân ban Việt văn-Pháp văn-Khoa học thường thức của trường, còn con trai cụ là Lương Trúc Đàm thuộc ban Cổ động. Riêng cụ cử Can thuộc hai ban Tu thư – Dịch thuật và ban Tài chính.
Sách “Văn học sử Việt Nam” đã ghi lại công lao của gia đình cụ cử Can là “Gia đình cụ vất vả nhiều nhất và cũng đóng góp công của nhiều nhất cho nghĩa thục”. Điều này hẳn khỏi bàn cãi, bởi cứ như ghi chép trong tác phẩm “Lương Ngọc Quyến và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 1917”, khi viết về cụ Lương Văn Can (thân phụ của Lương Ngọc Quyến), nhà báo Đào Trinh Nhất cho ta biết, cụ Phan Bội Châu rất kính mộ Lương Văn Can, bởi “vì nhận thấy cả nhà cụ Cử Ôn Như, từ cha đến con đều thiết tha yêu nước và hết sức hăng hái về việc cách mệnh, không ngại đổ máu.
Cụ xuất tiền hàng nghìn hàng vạn (vì nhà vốn giàu) để tiếp tế phong trào Văn Thân; ba người con trai lớn là Trúc Đàm (đỗ Cử nhân), Lập Nham và Nghi Khanh (đỗ Tú tài) cùng hăng hái sấn sổ về cuộc vận động chống thực dân, giành lại chủ quyền độc lập cho Tổ quốc”.
Trường Đông Kinh nghĩa thục (ngôi nhà bên phải có 3 vòm cửa màu trắng) tại phố Hàng Đào, Hà Nội |
Dấu ấn cùng Đông Kinh Nghĩa Thục
Đông Kinh Nghĩa Thục ra mắt quốc dân tháng 3/1907 tại nhà số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội. Về sáng lập viên của trường, sách “Việt sử tân biên”, phần “Việt Nam kháng Pháp sử” cho hay, gồm các cụ Lương Văn Can, Vũ Hoành, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Phan Tuấn Phong… Trong đó, cụ Lương Văn Can là Hiệu trưởng (bấy giờ gọi là Thục trưởng), còn cụ Nguyễn Quyền làm Giám học. Sở dĩ cụ cử Can nắm chức Hiệu trưởng, bởi theo tác phẩm “Đông Kinh Nghĩa Thục” thì cụ “lớn tuổi hơn cả và bản tính ôn nhu mà có khí tiết”.
Để có tiền hoạt động, hội viên sáng lập đóng góp nhiều ít tùy khả năng, trong đó chủ yếu tiền của cụ Lương, nhưng để cho minh bạch, sổ sách do cụ Nguyễn Quyền giữ. Trong nghiên cứu “Phong trào Duy Tân”, Nguyễn Văn Xuân cho rằng việc mở Đông Kinh Nghĩa Thục, cũng nhằm một phần “giải tỏa áp lực của chính quyền đối với các tỉnh miền Trung nơi đã có vài thân sĩ bị bắt, phong trào bị đe dọa, đàn áp”.
Trường được mở ra miễn hoàn toàn học phí, lại cấp sách vở cho học trò, chú trọng vào thực học, không chịu ảnh hưởng của giáo dục Pháp chi phối dạo ấy. Sách “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi lại cảnh nô nức hưởng ứng lối giáo dục mới nơi Đông Kinh Nghĩa Thục của dân ta dạo ấy:
Đông kinh Nghĩa thục mở trường,
Học trò băm sáu phố phường chen nhau.
Không chỉ dạy kiến thức thực tế, trường còn bồi bổ tinh thần yêu nước, thương nòi cho học trò, nên Đông Kinh Nghĩa Thục nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của giới thân sĩ, trí thức và học trò đất Kẻ Chợ. Cái không khí dưới đây thể hiện điều đó:
Buổi diễn thuyết người đông như hội,
Kỳ bình văn, khách đến như mưa.
Để có tài liệu giảng dạy, các giáo viên của trường tham gia biên soạn các sách giáo khoa. Bản thân cụ Can, như ghi chép trong “Phong trào Duy Tân, các gương mặt tiêu biểu” đã soạn “Đại Việt địa dư” bằng thơ lục bát vè 39 tỉnh Bắc, Trung, Nam Kỳ dễ hiểu, dễ nhớ: “Hà Thành xưa gọi Long Biên/Thăng Long từ Lý Thuận Thiên đó mà…”. Đồng thời, cụ còn tham gia biên soạn sách “Quốc dân độc bản” đề cập đến những vấn đề rất thức thời dạo ấy như trái phiếu, hối phiếu, séc, công ty, mậu dịch…