Ngày 5/4, ghi nhận của PV Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) tại xã Phùng Xá, bến cát Tiến Cường nằm đối diện với UBND xã Phùng Xá, ngay sát quốc lộ 32C, một con đường lớn với chiều dài hàng trăm mét, chiều rộng khoảng mười mét, được đào đắp kiên cố và ngang nhiên đấu nối từ quốc lộ vào bến.
Bên cạnh đó là ngôi nhà tôn được dựng lên vững chãi, kiên cố - được xem là “văn phòng” làm việc. Trong bến cát, máy cẩu, máy xúc, ô tô tải hoạt động rầm rộ như một công trường. Dưới sông Hồng, hai thuyền hút cát công suất lớn ngang nhiên hút cát lên bãi. Cát được hút lên đổ cao như núi, trải rộng và một lượng lớn cát đã rơi xuống hệ thống cống tiêu của xã. Trong quá trình tập kết và hút cát lên bãi, bãi cát đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, đi lại của người dân địa phương.
Ngang nhiên mở bến bãi hút cát bán. Ảnh: Xuân Hồng. |
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Chiến (người tự xưng là quản lý của bến cát Tiến Cường) cho biết: “Chị chỉ là quản lý còn chủ của bến cát là bà Nguyễn Thị Phúc, ở TP. Việt Trì. Bến cát Tiến Cường hoạt động có giấy phép khai thác mỏ cát; bến bãi được cấp tỉnh, huyện cấp phép; con đường đấu nối bên công ty đang xin mở”.
Tuy nhiên, tại thời điểm làm việc, bà Chiến không cung cấp được giấy phép cấp mỏ cát, giấy phép hoạt động bến bãi và những văn bản giấy tờ liên quan về hoạt động của bến cát Tiến Cường.
Bà Chiến khẳng định: “Trên này có vấn đề gì chị cũng giải quyết được, các em đã lên đến đây chị làm cái phong bì. Công ty được ra đây làm là phải có nguyên nhân của nó, chứ muốn làm cũng không làm được, kể cả mình có mỏ hay không có mỏ”.
Bà Phạm Thị Chiến (người tự xưng là quản lý của bến cát Tiến Cường) trao đổi với PV báo PLVN. Ảnh: Xuân Hồng. |
Hoạt động khai thác cát của công ty TNHH Tiến Cường. Ảnh: Xuân Hồng. |
Cùng ngày, làm việc với PV báo PLVN, ông Hoàng Quang Trọng, Chủ tịch UBND xã Phùng Xá cho biết: Khi thấy bến cát đi vào hoạt động, chúng tôi ra kiểm tra. Tuy nhiên, đến hiện tại, bến cát này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động; con đường mở từ quốc lộ xuống bến cát chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Còn mỏ cát đã được công ty bán lại cho ông Ma Công Kim người Đoan Hùng. Tuy nhiên, hiện nay công ty vẫn đang nợ tiền thuế thuê đất với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng (!?)…
Ông Trọng cho biết thêm, bến cát Tiến Cường hiện đang hoạt động chưa được cấp phép và chính quyền cũng chưa xử phạt. “Tôi đã trực tiếp gọi điện liên hệ cho chủ bến cát để làm thủ tục liên quan thuộc thẩm quyền cấp xã mà họ chưa chấp hành.
Cũng theo ông Trọng, bến cát này chưa hoàn thành các thủ tục, chưa đủ điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật, đã có đoàn kiểm tra xem xét nhưng không hiểu sao chưa có biện pháp can thiệp, xử lý.
Như vậy, dù không đủ điều kiện hoạt động bến bãi theo quy định, bến cát “khủng” Phùng Xá vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, công khai trong thời gian qua, có dấu hiệu vi phạm về hành lang đê điều, trong tập kết bến bãi và khai thác cát… nhưng cơ quan chức năng lại không có biện pháp ngăn chặn, xử lý là điều rất khó hiểu!
Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc cơ quan chức năng đã cố tình làm ngơ, bao che cho hoạt động kinh doanh trái phép bến cát này? Với việc bến bãi hoạt động không phép sẽ rất khó cho cơ quan chức năng trong việc quản lý nguồn gốc cát có hợp pháp hay không. Không những thế, việc khai thác cát trái phép đang làm thất thoát nguồn tài nguyên của quốc gia, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại về sạt lở đất sản xuất hoa màu của người dân.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin tới bạn đọc.