Tài nguyên đất “chảy máu”
Nhiều người dân sinh sống ở Khu 3 phản ánh tới báo PLVN: “Cuộc sống đang yên bình, bỗng máy xúc, xe tải ùn ùn vào đào, múc đất sét “vàng trắng” lên xe ô tô có trọng tải lớn rầm rộ chở đất đi như một đại công trường làm đảo lộn cuộc sống. Nhiều xe chở không phủ bạt làm rơi vãi, bẩn đường và mất an toàn giao thông; đường dân sinh bị xuống cấp…”
Tuy nhiên, người dân không thấy biển hiệu công trình, cơ quan có thẩm quyền cảnh báo, kiểm tra hoạt động khai thác tài nguyên đất “vàng trắng”.
Ghi nhận của phóng viên, tại đập Gia Bà có nhiều máy cẩu, máy xúc, ô tô vận tải thi nhau múc đất. Một lượng lớn đất sét trắng đã được máy múc đào lên, tập kết thành đống lớn; càng đào sâu đất sét càng trắng mịn. Toàn khu vực đập Gia Bà, đất, đất sét được đào lên ngổn ngang, tạo hầm hố.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Chiến khẳng định: “Trong quá trình thi công nạo vét, lớp đất bóc bề mặt chúng tôi cho người dân xung quanh đổ san gạt; đất sét được xe tải chở bán cho bà Hạ ở Đoan Hùng”.
"Vàng trắng" ngang nhiên khai thác chở đi. Ảnh: Xuân Hồng. |
Tìm hiểu của phóng viên, đất sét trên địa bàn Phú Thọ được bán ra thị trường khoảng 200.000 đồng/tấn; nếu đất sét đẹp giá bán sẽ cao hơn nhiều. Mỗi ngày, có hàng chục xe ô tô với trọng tải lớn thi nhau vào đập Gia Bà ngang nhiên chở đi “vàng trắng” tài nguyên quý của nhà nước trái phép mà không thấy cơ quan chức năng nào(!?).
“Bùa nạo vét cải tạo” để khai thác tài nguyên?
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hoa cho biết, căn cứ trên tờ trình của HTX Dịch vụ Nông nghiệp về nạo vét đập Gia Bà, UBND xã Liên Hoa đã đồng ý chủ trương nạo vét này. Còn việc nạo vét là đất trắng, đất sét hay loại khoáng sản gì chúng tôi không biết được!?”
Tại văn bản của UBND xã Liên Hoa về việc nạo vét đập Gia Bà do Chủ tịch xã Nguyễn Quang Tiếp ký ngày 4/8/2017 nêu rõ: Trong quá trình nạo vét đập HTX Dịch vụ Nông nghiệp phải tổ chức ký hợp đồng cụ thể và được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền về thiết kế, thẩm định theo quy định pháp luật. Trong quá trình thi công phải đảm bảo an toàn con người, tài sản, đảm bảo môi trường; không làm ảnh hưởng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Duy Mạnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Hoa, việc nạo vét đập Gia Bà để tích nước là cần thiết và đúng với chủ trương của Phòng Nông nghiệp huyện Phù Ninh.
Ông Mạnh cũng khẳng định: “HTX Liên Hoa chỉ thực hiện nạo vét sau khi được UBND xã Liên Hoa, UBND huyện Phù Ninh đồng ý. Và HTX Dịch vụ Nông nghiệp đã giao cho hộ ông Chiến tiến hành nạo vét”.
Tuy nhiên, ông Mạnh không cung cấp được văn bản đồng ý của UBND huyện Phù Ninh về việc nạo vét đập Gia Bà “Đây không biết có phải ‘lá bùa’ để mang tài nguyên của nhà nước đi bán công khai?”. Đề nghị cơ quan chức năng liên quan tỉnh Phú Thọ làm rõ.
Ông Nguyễn Duy Mạnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Hoa trao đổi với phóng viên báo PLVN. Ảnh: Xuân Hồng. |
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hoa Đặng Ngọc Anh phân trần: “Tôi phụ trách mảng văn hóa, xã hội. Về hồ sơ văn bản, giấy tờ liên quan đến nạo vét đập Gia Bà thì đồng chí Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiếp biết rõ và trực tiếp nắm bắt”.
Theo văn bản của UBND xã Liên Hoa về việc đồng ý cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp nạo vét đập Gia Bà thì thời gian thực hiện nạo vét không có; kế hoạch, phương án nạo vét cũng không có... Trên thực tế, hoạt động nạo vét đập Gia Bà diễn ra rầm rộ từ những ngày đầu tháng 1/2018 cho đến nay đang tiếp tục khai thác.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Thực (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội): Nạo vét lòng hồ đập tích nước là cần thiết nhưng trước khi thực hiện, cá nhân, đơn vị chủ đầu tư phải chọn đơn vị tư vấn có năng lực để khảo sát, thiết kế bãi khai thác đất trong lòng hồ đập nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình hồ đập chứa nước; trình Sở NN&PTNT sở tại thẩm định, phê duyệt theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Luật Khoáng sản. Trong trường hợp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Hoa chưa được Sở NN&PTNT Phú Thọ, UBND huyện Phù Ninh đồng ý việc nạo vét đã tự “móc nối” bên ngoài đưa xe, máy móc vào thực hiện nạo vét; thậm chí, mang đất đi bán là việc làm xem thường pháp luật, vi phạm Luật Đê điều, Luật Khoáng sản. Các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
“Hành động khai thác đất trong lòng đập Gia Bà tạo thành các hố sâu cục bộ khiến công trình đập chứa bị biến dạng, tiềm ẩn nguy cơ đổ sập khi lòng đập ngập nước và gây sóng nước lan truyền đến tuyến đập. Khi có mưa lớn, nguy cơ vỡ đập chứa rất lớn”. - Luật sư Thực nhấn mạnh.
Đập Gia Bà là một trong 17 hồ đập do HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Liên Hoa quản lý; đập có chức năng cung cấp nước tưới tiêu cho diện tích đất trồng lúa của khu 1,2,3 xã Liên Hoa. Đập Gia Bà được HTX Liên Hoa giao khoán cho hộ ông Chiến (người ở địa phương) nuôi trồng thủy sản. Từ những ngày đầu tháng 1/2018 đến nay, “núp bóng” nạo vét lòng hồ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Liên Hoa đã “bắt tay” với hộ ông Chiến đưa máy móc, xe tải vào lòng đập Gia Bà để khai thác đất bán kiếm lời. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh Phú Thọ vào cuộc ngăn chặn xử lý không để thất thoát tài nguyên của nhà nước.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin tới bạn đọc.