Đúng là công nghiệp văn hóa Hàn Quốc từ âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, thời trang... từng “mở đường” và luôn song hành cùng các ngành, lĩnh vực kinh tế của Hàn Quốc trong việc thiết lập, mở rộng chuỗi cung ứng của Hàn Quốc ra thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cũng phải nói rằng, công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù các quốc gia vẫn chưa có sự thống nhất về khái niệm và cơ cấu của công nghiệp văn hóa, trong xu thế đó, Hàn Quốc có những thành công khác biệt, được thế giới ghi nhận.
Đối với Việt Nam, lần đầu tiên Đảng đề cập đến thuật ngữ công nghiệp văn hóa là tại Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam phát triển bền vững đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ rõ các việc phải làm; trước hết là: “Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hóa độc đáo, sáng tạo có sức lan tỏa để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”.
Cũng phải ghi nhận rằng, thời gian qua, ở các cấp độ khác nhau, hệ thống chính sách trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta đã có nhiều đổi mới theo hướng đề xuất, xây dựng, bổ sung những nguyên tắc, quy định, từng bước hoàn thiện khung chính sách, môi trường thể chế, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, góp phần chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành "sức mạnh mềm" văn hóa.
Chúng ta đã thừa nhận có thị trường văn hóa phẩm và công nhận sản phẩm văn hóa như là hàng hóa được lưu thông trên thị trường; tạo điều kiện cho thị trường văn hóa phẩm vận thông trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước bằng chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế; thông qua một số chính sách cụ thể, khuyến khích ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức cuối năm 2023 ở Việt Nam được đánh giá là một trong những cột mốc quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta.
Đi sau nhưng nếu biết “đón đầu”, biết tận dụng những thành quả của Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số mạnh mẽ, chắc chắn công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ sớm thành công.