Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo công bố Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 được tổ chức hôm qua (19/9). Đây cũng là lần đầu tiên số liệu về lĩnh vực gia công hàng hoá mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm qua được công bố.
Kết quả cho thấy, trong năm 2016 có 1.740 DN thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài, trong đó có 1.687 DN nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài và có 52 DN Việt Nam gửi nguyên liệu ra nước ngoài thuê gia công. Hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài của các DN chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thuộc các nhóm hàng: dệt may, giầy dép, điện tử máy tính, điện thoại và hàng hóa khác.
Theo công bố này, tổng phí gia công DN Việt Nam thu được từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài năm 2016 đạt 8,6 tỷ USD. Trong đó, phí gia công của hàng dệt may và giầy dép chiếm trọng số lớn nhất với dệt may (đứng đầu) thu về 4,1 tỷ USD; giầy dép đứng thứ 2 với 2,7 tỷ USD thu về. Trong khi đó, gia công lắp ráp điện thoại cho các tập đoàn hàng đầu thế giới lại chỉ thu về được 268 triệu USD, chiếm 3,1%.
Lý giải cho việc gia công ở mặt hàng điện thoại chỉ chiếm con số rất nhỏ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, với 2 nhóm hàng điện thoại và điện tử, máy tính gần như DN Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp do nước ngoài trả mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này.
Tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo ông Lâm, hoạt động gia công hàng hóa với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu nên tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng điện thoại, điện tử máy tính. Nhóm dệt may và giày dép thấp hơn do ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, DN Việt Nam đã có thể cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công.
Với việc gia công nhóm hàng dệt may và giầy dép, ngoài khoản thu về phí gia công, DN Việt Nam còn thu được một khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình gia công, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa đối với nhóm hàng dệt may và giầy dép.
Các đối tác chính đặt hàng DN Việt Nam gia công, lắp ráp hàng hóa trong năm 2016 gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của DN đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp khi chỉ chiếm 3,9%, trong đó thấp nhất là điện thoại và dệt may, tỷ lệ được để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng là 0,2% và 1%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, trong năm 2016, tổng số phí các DN Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử máy tính đạt 6 triệu USD; Dệt may 0,5 triệu USD và nhóm hàng khác 1,7 triệu USD.
Điều đáng nói, phí gia công các DN Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao với 56,2%. Nguyên nhân được lý giải là ngoài phí gia công trả cho nước ngoài, DN Việt Nam còn phải trả thêm chi phí cho việc mua nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp. Các đối tác thực hiện gia công, lắp ráp hàng hóa cho Việt Nam chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020 khó đạt được
Đây là một thông tin được ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp khẳng định trong buổi công bố Tổng điều tra kinh tế. Theo ông Thuý, tính đến 1/1/2017 cả nước mới có 517.900 DN được thành lập và hoạt động. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 thì 4 năm còn lại, số lượng DN thành lập mới phải đạt trung bình 120.000 DN/năm (với điều kiện không có DN phá sản, giải thể). Mức DN thành lập mới cao nhất trong năm 2016 là hơn 110.000 DN, do đó, khó có thể đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.