Con tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng đã chết: Tiếng kêu cứu từ châu Phi hoang dã

James Mwenda đứng cạnh tê giác Najin, một trong hai cá thể cái Bắc Phi còn lại, ở Kenya
James Mwenda đứng cạnh tê giác Najin, một trong hai cá thể cái Bắc Phi còn lại, ở Kenya
(PLO) - Sau khi Trung Quốc ra quyết định nới lỏng lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, nhiều người lo ngại tài nguyên thiên nhiên cùng tương lai các nước châu Phi đang rơi vào nguy hiểm, nên đã quyết liệt lên tiếng, hành động.

Con tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng

Mới đây, James Mwenda đã đến Hong Kong để truyền đi thông điệp cho người bạn đặc biệt đã qua đời và hoàn thành một lời hứa. Hôm 19/3/2018, Mwenda, canh gác khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya, nói lời vĩnh biệt với Sudan, con tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng. Các bác sĩ thú y đã quyết định trợ tử cho Sudan, 45 tuổi (tương đương 90 tuổi đối với tê giác thường) sau thời gian dài bệnh tật. 

Phân loài này hiện chỉ còn hai cá thể cái là Najin và Fatu, con và cháu của Sudan, và dường như thụ tinh trong ống nhiệm là hy vọng duy nhất của loài. 

“Cái chết của Sudan là điều thúc đẩy tôi truyền đi thông điệp của mình”, Mwenda nói.  

Hồi tháng 10/2018, Trung Quốc nới lỏng lệnh cấm với sừng tê giác và xương hổ. Sau 25 năm cấm, nước này giờ nói rằng sẽ cho phép buôn bán sản phẩm từ tê giác và hổ trong “trường hợp đặc biệt” gồm nghiên cứu khoa học, trao đổi cổ vật văn hóa và “nghiên cứu y học hoặc chữa trị”.

Nhu cầu cho sừng tê giác và xương hổ chủ yếu xuất phát từ những lợi ích sức khỏe mà nhiều người tin rằng chúng có. Theo y học Trung Quốc cổ truyền, các sản phẩm này có thể tạo ra “phép màu”, từ chữa ung thư đến tăng cường sinh lực. 

Tuy nhiên, trên thế giới chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào chứng minh được điều này. Sừng tê giác có cấu tạo từ keratin, giống hệt thành phần trong tóc và móng tay, móng chân con người.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) nhận định việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với hổ và tê giác sẽ đem lại “hậu quả tàn khốc”. Mwenda cũng đồng tình rằng quyết định nới lỏng lệnh cấm của Trung Quốc sẽ đẩy cuộc sống và sự phát triển của các loài động vật vào nguy hiểm. 

“Thật buồn khi phải chứng kiến bộ mặt đen tối của con người do lòng tham thúc đẩy”, ông nói.

Chuyến thăm Hong Kong của Mwenda là một phần của dự án Tuần Voi Hong Kong do Quỹ bảo tồn Voi (TEF) tổ chức với sự đồng hành của Quỹ Động Thực vật Hoang dã châu Phi (AWF).

Mwenda đã đến thăm 14 trường học trong thành phố để nâng cao nhận thức về cái giá mà động vật hoang dã phải đánh đổi cho nạn buôn bán ngà voi. Daniel Ole Sambu, một người dân tộc Maasai, sẽ đi cùng anh. Sambu đang làm việc với Quỹ Big Life để điều phối các chiến dịch chống săn bắt trộm qua biên giới ở Đông Phi. 

“Việc tới các trường học để giáo dục người trẻ với tư tưởng còn chưa bị tha hóa là điều rất quan trọng. Đó là những nhà lãnh đạo tương lai”, Mwenda nói. 

Trước là tê giác trắng Bắc Phi, sau có thể đến loài voi? Giáo sư Lee White, Giám đốc Công viên Quốc gia Gabon, nhận định nhu cầu đối với ngà voi ở một số nước, như Trung Quốc, Nhật Bản, đã tàn phá quần thể voi ở Trung Phi.

Daniel Ole Sambu (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà hoạt động kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.
 Daniel Ole Sambu (thứ hai từ phải sang) cùng các nhà hoạt động kêu gọi chấm dứt buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã.

White đã đến Hong Kong tham dự Sáng kiến Bảo vệ Voi, dự án có sự tham gia của 19 quốc gia châu Phi với buổi gây quỹ được tổ chức cuối tuần. “Gabon có tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời. Nó có rừng, hệ động thực vật hoang dã và 800 km bãi biển với cá heo, cá voi”, ông nói. Nước này sở hữu 50 - 60% trong số 45.000 con voi rừng. Đây là phân loài hiếm và nhỏ hơn voi xavan.

Tuy nhiên, ông cho biết các nhà khoa học trong những năm 1980 ước đoán Gabon có khoảng 60.000 - 65.000 voi rừng. Quốc gia Trung Phi này đã mất 1/3 số voi rừng từ năm 2004 đến 2011. Tính trên toàn châu Phi, lượng cá thể giảm 75% trong vòng 15 năm qua. 

Ngà từ voi ngà thẳng thường được những kẻ buôn lậu săn lùng nhiều nhất. “Ngà của chúng cứng hơn, nên được những thợ điêu khắc Nhật Bản ưa chuộng”, ông White nói trong chuyến thăm Hong Kong đầu tiên.

“Khi tôi nhìn vào những đồ chạm khắc ấy, tất cả những gì tôi thấy là voi chết… Tôi thậm chí còn có thể ngửi thấy mùi xác rữa”, ông chia sẻ. 

Nguy cơ thế hệ tương lai “không còn gì”

White phụ trách 13 công viên quốc gia ở Gabon (rừng bao phủ 88% lãnh thổ nước này) cùng với 850 nhân viên canh gác. Ông tham gia vào cơ quan quản lý các công viên quốc gia vào năm 2009, hai năm sau khi thành lập. Lúc đó chỉ có khoảng 100 nhân sự, một con thuyền và không có ôtô.

“Giờ chúng tôi có hơn 800 người, khoảng 175 chiếc ôtô, chủ yếu hoạt động thực địa, khoảng 35 chiếc thuyền, bốn máy bay và một trực thăng. Chúng tôi là một công viên quốc gia đang vận hành đầy đủ”. 

Và ở đây cũng có cả vũ khí.  Thách thức lớn nhất của White khi phát triển công viên quốc gia là đấu tranh chống bọn săn bắt trộm. Những kẻ này hoạt động với sự trợ giúp của thợ đào vàng trái phép và người Baka Pygmy, thổ dân trong rừng. Khi nói là "đấu tranh", ý của ông thực sự là chiến đấu. 

“Chúng tôi bán quân sự hóa. Chúng tôi biến nhà sinh học thành chiến sĩ, cảnh sát và do thám. Tôi, từ giáo sư White - một nhà khoa học, đã tuyên thệ nhậm chức cảnh sát. Đó chưa bao giờ là kế hoạch trong đời tôi”, ông nói. 

Theo ông White, săn bắt trộm là vấn đề phức tạp liên quan tới tham nhũng, tội phạm có tổ chức và khủng bố. Ông nói rằng có bằng chứng cho thấy tiền đổ về Boko Haram, một nhóm phiến quân đặt trụ sở ở Nigeria.

Lô ngà voi bị thu giữ ở Kwai Chung, Hong Kong
Lô ngà voi bị thu giữ ở Kwai Chung, Hong Kong

“Bạn có tổ chức khủng bố, nhóm băng đảng mafia và nhóm quân đội tham nhũng”, ông nói, cho rằng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Gabon là ưu tiên. 

“Nếu chúng ta mất kiểm soát với tài nguyên thiên nhiên thì chúng ta mất kiểm soát đất nước. Chúng ta sẽ cứ tiếp tục xuống dốc”, ông nói, cho biết thêm các nước châu Phi đã mất gần hết voi vì nội chiến.

“Vì sừng tê giác có giá 60.000 USD/kg và ngà voi là 2.000 USD/kg là những loại hàng có giá trị mà kẻ săn bắt trộm có thể thu lợi nhuận, chúng trở thành một dạng chỉ số… Nếu số cá thể giảm mạnh, sẽ có vấn đề nghiêm trọng xảy ra”, White nói. “Chúng tôi đang không chỉ nỗ lực đảm bảo tương lai cho voi mà còn cho cả đất nước. Bạn không thể tách rời chúng”. 

Cả White và Mwenda phải tự trang bị vũ khí để bảo vệ hệ động vật trên châu lục của họ khỏi cơn khát vô đáy từ châu Á. Mwenda hy vọng mọi người nhận ra những người hoạt động thực tế đang cống hiến như thế nào và bận rộn làm việc trong điều kiện khó khăn. 

Chẳng hạn, tê giác Sudan đã được trông nom 24/24 bởi các nhân viên trang bị vũ khí để bảo vệ nó khỏi bọn săn trộm. “Nếu giờ chúng ta không làm tất cả để bảo vệ động thực vật hoang dã, thế hệ tương lai sẽ không còn gì”, Mwenda cảnh báo. 

Hong Kong được cho là thị trường ngà voi lớn nhất thế giới và góp phần rất lớn vào tình trạng 30.000 con voi châu Phi bị giết hại mỗi năm, theo WWF. Báo cáo Great Elephant Census cho thấy ước tính loài này hiện còn 350.000 cá thể, giảm khoảng 490.000 so với 10 năm trước, chủ yếu do nạn săn trộm.

Lệnh cấm buôn bán ngà voi trên khắp Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 1/1/2019, trong khi các nhà lập pháp Hong Kong, cùng tháng đó, bỏ phiếu để loại bỏ dần việc sử dụng ngà voi, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc tiêu thụ vào 2021. 

Hong Kong gần đây đã tăng mức phạt với hành vi vi phạm Quy định về Bảo vệ Động Thực vật bị đe dọa. Trước ngày 1/5, mức phạt tối đa là 2 triệu HKD (hơn 255.000 USD) và hai năm tù, với hành vi buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và bộ phận. Mức phạt tối đa giờ đã tăng lên 10 triệu HKD (1,3 triệu USD) và hạn tù cao nhất là 10 năm.  

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Cập nhật mới nhất về cơn bão số 8 trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão số 8. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, hồi 10h ngày 13/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11.

Cảnh sát cứu 1 phụ nữ trong đám cháy rừng

Cảnh sát cứu 1 phụ nữ trong đám cháy rừng
(PLVN) - Trong quá trình dập tắt đám cháy rừng tại thành phố Yên Bái, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã cứu sống 1 phụ nữ mắc kẹt trong đám cháy.

Bão số 8 sắp vào biển Đông, 2 cơn bão mới lại 'đe doạ'

Hiện tại ở khu vực phía Đông của Philippines đang có tới 2 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Ảnh: VNDMS
(PLVN) - Cơn bão TORAJI nhiều khả năng sẽ di chuyển vào biển Đông trong khoảng chiều tối đến đêm 11/11. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị loạt Bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó. Hiện khu vực phía Đông của Philippines còn 2 cơn bão, 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động...

Ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng động vật hoang dã ở Việt Nam: Pháp luật và ý thức cần song hành

Các hành vi quảng cáo, nuôi nhốt, tàng trữ và buôn bán trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm của gấu đều là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
(PLVN) - Nhằm đánh giá và xác định những vấn đề cấp bách cần được ưu tiên để xử lý hiệu quả tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép, góp phần bảo vệ các quần thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và từng bước xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu, đầu tháng 11/2024, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt tài liệu thường niên “Những hành động cấp bách bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng năm 2024”.

Nỗ lực bảo tồn loài động vật hoang dã trong Sách đỏ Việt Nam

SVW phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả 8 cá thể tê tê Java quý hiếm. (Nguồn: SVW)
(PLVN) - Tại Việt Nam, công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nói chung và bảo tồn tê tê nói riêng đã và đang được chú trọng hơn trước đây, đạt được nhiều kết quả khích lệ. Trong đó có cả những nỗ lực trong việc tăng cường thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và khắc phục những “lỗ hổng” pháp lý, nâng cao khung hình phạt.

Bão Yinxing đã đi vào biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của bão số 7. Ảnh: Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia
(PLVN) -  Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, sáng sớm nay (8/11), bão YINXING đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.