Bỏ dấu: Chưa quen!
Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014 , doanh nghiệp (DN) có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN. Đây được xem là bước đệm tiến tới bỏ hẳn con dấu theo thông lệ trên thế giới.
Dự thảo Nghị định lần này dành hẳn một chương quy định về quản lý và sử dụng con dấu, trong đó Điều 21 quy định: “Chủ DN tư nhân, chủ sở hữu, hội đồng thành viên, đại hội đồng cổ đông quyết định số lượng, nội dung, hình thức con dấu, hủy hoặc thay đổi mẫu dấu; quyết định việc quản lý và sử dụng con dấu..”. Không chỉ DN, theo Dự thảo, chi nhánh, văn phòng đại diện có thể có con dấu hoặc không. ..
“Điều này sẽ cho phép DN chủ động về con dấu. Trong nhiều trường hợp, DN sẽ cần cả chữ ký và con dấu để giao dịch, nhưng một số sự việc chỉ cần tới chữ ký” - ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) giải thích.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Bích Ngọc, Công ty Luật Allens Pte Ltd băn khoăn: “Điều 21 Dự thảo Nghị định quy định DN có quyền quyết định số lượng con dấu, tuy nhiên không nêu rõ DN có bắt buộc phải có con dấu hay không?”.
Đại diện Công ty Honda Việt Nam (HVN), ông Đỗ Việt Dũng quả quyết vẫn phải có con dấu, như HVN ít nhất phải có 2 con dấu bởi hiện công ty có quá nhiều văn bản phải ký, buộc người đại diện pháp luật phải ủy quyền cho nhiều cá nhân khác ký thay và con dấu sẽ góp phần kiểm soát, chứng thực cho những chữ ký ủy quyền. Tuy nhiên, DN này băn khoăn khi có nhiều con dấu phải có sự phân biệt, thế nhưng Dự thảo lại quy định: “Mỗi DN được sử dụng một mẫu dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước…”.
Không chỉ các DN, không ít luật sư cũng băn khoăn trong trường hợp không bắt buộc, tiêu chí nào sẽ được sử dụng để xác nhận tính hợp lệ của văn bản/hợp đồng do DN ban hành hay ký kết?
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Ngọc, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Luật NH Quang và Cộng sự cho rằng, trong điều kiện môi trường pháp lý và thói quen kinh doanh của Việt Nam hiện nay, việc không bắt buộc có con dấu là khó khả thi.
“Ở nhiều nước, con dấu thể hiện văn hóa lâu đời. Tại Việt Nam, nếu bỗng nhiên một ngày khi DN đi làm việc mà trong văn bản chỉ có chữ ký, không có con dấu thì rất khó để tin cậy độ xác thực. Lúc đó, có thể nảy sinh chuyện DN phải đến cơ quan công chức để xác thực chữ ký, hoặc phải mang theo đăng ký kinh doanh nhằm chứng minh…”- ông Lập dự liệu.
Trước những tranh cãi trên, thay mặt Ban soạn thảo, ông Phan Đức Hiếu cho rằng vẫn cần đến con dấu trong hoạt động kinh doanh, nhưng việc có sử dụng hay không thì do DN quyết định. Trường hợp không có con dấu, chỉ còn một cách ứng xử là DN phải làm cho hoạt động kinh doanh minh bạch, an toàn hơn. Ông Hiếu cho biết Ban soạn thảo cũng sẽ tiếp thu khi quy định về dấu hiệu của con dấu thứ hai. Tuy nhiên, vấn đề để ngỏ là nếu có nhiều con dấu có dấu hiệu phân biệt thì giá trị pháp lý của con dấu sẽ như thế nào?
Doanh nghiệp được tự làm con dấu
Nếu như trước đây DN phải làm thủ tục khắc dấu tại cơ quan Công an thì Luật DN 2014 để ngỏ quy định này. Theo Dự thảo Nghị định, DN có thể tự làm con dấu hoặc làm con dấu tại các DN kinh doanh khắc dấu… Trước khi sử dụng con dấu, DN phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để dăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN…
Điều 24 Dự thảo cũng đưa ra quy định: “Các DN hiện hành tiếp tục được sử dụng con dấu đã cấp cho DN mà không phải thực hiện thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp DN muốn làm thêm con dấu thì thực hiện theo thủ tục làm dấu, thông báo mẫu dấu theo quy định của Nghị định này”.
Tuy nhiên, Dự thảo lại đưa ra quy định: “Trường hợp DN muốn làm con dấu mới thì phải trả lại con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đã được cấp cho cơ quan Công an đã cấp Giấy Chứng nhận đăng ký mẫu dấu …”.
Vấn đề này, một luật sư cảnh báo: “Quy định như vậy quá nguy hiểm!”. Theo vị luật sư này, tổ chức, cá nhân nộp lại con dấu cũ là quyền của họ, kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh có thể cung cấp thông tin cho cơ quan Công an để xác minh nhưng không thể quy định “cứng” như vậy.
Được biết, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN sẽ là văn bản duy nhất chỉ dẫn cho các đơn vị kinh doanh trong thời gian tới, sau Nghị định này sẽ không có thêm Thông tư hướng dẫn như thông lệ trước đây.