Tổng diện tích tự nhiên của Vườn là 7.100ha, bao gồm Cồn Lu, Cồn Ngạn và Cồn Xanh. Điều cốt lõi tạo ra sức hút, giá trị của VQG Xuân Thủy đó là giữ được giá trị nguyên bản của một Khu Ramsar - vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đồng thời là Khu Bảo tồn sinh quyển tầm cỡ thế giới.
Nơi đây có trên 120 loài thực vật bậc cao có mạch sinh sống, hơn 500 loài động vật thủy sinh và trên 30 loài bò sát, lưỡng cư; đáng chú ý là có trên 220 loài chim, thuộc 41 họ, 13 bộ. Hàng năm từ tháng 10 đến tháng 3, 4 năm sau, hàng chục ngàn cá thể chim di cư tránh rét từ phương Bắc đã chọn nơi đây để dừng chân, kiếm ăn. Trong đó, đã ghi nhận nhiều loài chim trong Sách đỏ quốc tế như: choắt lớn, rẽ mỏ thìa, cò thìa, mòng biển mỏ ngắn, cò lạo Ấn Độ…
Ngoài ra, Vườn còn có vùng đệm với diện tích 7.233 ha nằm trên địa bàn 5 xã: Giao Thiện, Giao An, Giao Hải, Giao Lạc và Giao Xuân; có tiềm năng phát triển kinh tế với nhiều loại hình: Nuôi ngao, nuôi tôm, nuôi ong lấy mật, trồng nấm, khai thác rong câu… Đáng chú ý, sản lượng nuôi ngao ở khu vực này được xếp loại hàng đầu cả nước, ổn định khoảng trên 12.000 tấn với mức thu nhập từ 150 đến 200 tỷ đồng/năm.
VQG Xuân Thuỷ chính thức được quốc tế công nhận là khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á từ năm 1988. Đến tháng 12/2004, UNESCO công nhận VQG Xuân Thủy là vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh ven biển Đồng bằng châu thổ sông Hồng- khẳng định vị thế quốc tế đặc biệt của Vườn.
Với những mục tiêu lớn hơn cũng như ở cấp bảo tồn thiên nhiên cao nhất của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quy định các chức năng, nhiệm vụ của VQG Xuân Thủy trong đó một số chức năng quan trọng như: Bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên chim nước, đất ngập nước, rừng ngập mặn, tài nguyên thủy sinh ở khu vực. Là hiện trường nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế.
Đây là điểm thực hiện các chức năng về giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái và đặc biệt là thực hiện chức năng phát triển cộng đồng địa phương để đảm bảo xây dựng mô hình phát triển bền vững cho khu vực cửa sông ven biển vùng châu thổ sông Hồng.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích, VQG Xuân Thủy đã thực hiện thí điểm 5 hợp phần. Trong đó đáng chú ý như: khai thác nguồn lợi ngao giống tự nhiên tại cửa sông Hồng; cộng đồng tham gia quản lý rừng ngập mặn; chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi thủy sản tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn; tạo dựng các sinh kế bền vững cho cộng đồng như: trồng nấm, nuôi ong, phát triển du lịch sinh thái... đã thiết thực góp phần thực hiện tốt chiến lược sử dụng khôn khéo và bền vững tài nguyên đất ngập nước cho khu vực VQG Xuân Thủy.
Từ nhiều năm qua, VQG Xuân Thuỷ đã phối kết hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ như: Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), Tổ chức tình nguyện SJ Việt Nam, Tổ chức tình nguyện Việt Nam và những người bạn (VAF), chính quyền địa phương, và đặc biệt là sự phối kết hợp và nỗ lực từ phía người dân địa phương để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
Các Tour thử nghiệm được bắt đầu từ giữa năm 2006, ban đầu khách đến với du lịch cộng đồng khu vực Giao Xuân chủ yếu là các công ty du lịch đi khảo sát và một số nhà nghiên cứu, nhưng hiện nay số lượng khách đã tăng lên đáng kể và đối tượng khách đến tham quan cũng đa dạng hơn.
Điểm hấp dẫn của mô hình du lịch này là kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà bổi, nhà thờ đặc trưng cho vùng ven biển châu thổ sông Hồng. Văn hóa mở đất, ẩm thực biển độc đáo, khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, tình người ấm áp, nét văn hóa vùng biển còn lưu giữ với những làn điệu chèo văn mượt mà do chính các “nghệ sỹ nông dân” biểu diễn đã níu chân du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, với tiềm năng sẵn có, Vườn đang dự tính khai thác tổ chức các dịch vụ du lịch hội thảo, tập huấn. Dài hơi hơn là tổ chức các khu nghỉ dưỡng, tắm nước khoáng, tắm biển mùa hè, tiến tới phát triển du lịch sinh thái bền vững…