Sự trở về bất ngờ của người lính Trường Sơn sau hai lần báo tử
Ông Ngô Thanh Học sinh năm 1940, người thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vốn là lính Trường Sơn với hơn chục năm chiến đấu tại những chiến trường ác liệt đạn bom. Lên đường nhập ngũ năm 1962 khi mới là cậu trai trẻ, anh thanh niên Ngô Thanh Học luôn nghĩ sẽ “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, dốc lòng phụng sự khi Tổ quốc lâm nguy giống như bao chàng trai thời loạn.
Chiến đấu tại những mặt trận với biết bao khó khăn và nguy hiểm luôn rình rập, nên người mẹ già của ông đã không dưới 1 lần nhận được giấy báo tử của cậu con trai đầu lòng mà bà yêu thương hết mực. Niềm tin mong ngóng con trở về của người mẹ già sau nhiều năm trời tiễn con ra trận đã bị dập tắt bởi không chỉ một mà tới hai lần bà nhận được giấy báo tử của con trai mình.
Ông học rưng rưng nhớ lại chuyện về mẹ. |
Và bà đã trở thành “mẹ liệt sĩ” tới mấy năm trời cho đến một ngày mùa hè tháng 7 năm 1975, khi quân ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ông Học mới có dịp trở về quê hương thăm mẹ già lần đầu tiên. Đôi mắt ông rơm rớm xúc động khi nhớ lại chuyện cũ, đến lúc sau thì cảm xúc vỡ òa thành những tiếng nấc. Nỗi niềm ấy có chăng chỉ có ai xa cách quê hương, xa cách gia đình hơn chục năm trời mới có thể thấu hiểu.
Lúc trở lại quê nhà, ông về thăm mẹ, nhưng mẹ ông lại chẳng nhận ra nổi con mình bởi trong thâm tâm bà, ông đã hi sinh từ lâu rồi. Khi đi ông vẫn còn rất trẻ nên lúc trở về thì nhìn ông khác lắm, mẹ ông mắt lúc này mắt đã mờ đi nhiều, khi đó bà còn bị ốm nằm trong giường.
Ông kể lại: “Mẹ tôi còn hỏi tôi là ai.Mãi một hồi sau mẹ tôi mới nhận ra con. Mẹ con mừng mừng tủi tủi trong cuộc hội ngộ bất ngờ sau bao năm chờ đợi có lúc tưởng chừng niềm tin đã tắt.”
Nhưng đó chỉ là cuộc hội ngộ ngắn ngủi trước khi ông tiếp tục lên đường đi chiến đấu. Và cuộc gặp gỡ ấy cũng là lần cuối cùng ông được nhìn thấy mẹ già. Ông Học lại lên đường và mãi đến năm 1980 ông mới chính thức xuất ngũ và trở lại quê nhà.
Chuỗi ngày dài lang thang
Ông Học trở về quê sau gần 20 năm dài chiến đấu. Lẽ ra ông có thể được hưởng một cuộc sống yên bình và hạnh phúc nơi làng quê bé nhỏ ấy nhưng những di chứng của cuộc chiến tàn khốc đã khiến ông giống như một kẻ mất trí. Ông lúc nhớ lúc quên, ông cứ đi lang thang ròng rã hết từ ngày này sang ngày khác. Mãi đến năm 1990 ông mới dần phục hồi trí nhớ và về lại mái nhà xưa của mẹ già để lại cho ông.
Hàng ngày ông đi lượm ve chai và lần hồi kiếm kế sinh nhai. Những thứ ông nhặt về chất đầy cả sân vườn, nhưng nhưng thứ vốn được gọi là ve chai từ bãi rác ấy chỉ là nhưng phế liệu không thể đem bán đồng nát được nữa. Bộ đội Trường Sơn giống như ông lẽ ra phải được hưởng chế độ chính sách của Đảng và nhà nước từ nhiều năm trước song tất cả mọi giấy tờ sơ yêu lí lịch ông không nhớ đã để ở đâu.
Nhưng ông trời chẳng phụ người có công. 3 năm về trước, ông Học bỗng dưng nhớ ra quyển sổ sơ yếu lí lịch quân nhân của mình được cất giữ trên cột nhà. Ông lục tìm lại thì may mắn sơ yếu lí lịch của ông vẫn còn. Từ đó đến nay ông Học được hưởng chế độ chính sách là 1 triệu 4 mỗi tháng theo chế độ 142 của Nhà nước.
Hạnh phúc từ đôi đũa lệch
Cũng hơn 3 năm về trước, gần nhà ông Học có một cô gái lỡ thì ở tuổi 29 cảm thương hoàn cảnh của ông nên thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ ông nhưng lúc trái gió trở trời. Người con gái ấy chính là chị Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1983, một người con gái dịu dàng nết na, và sau một thời gian hai người giúp đỡ cho nhau thì chị Bích quyết định gắn bó cùng với ông.
Khi được hỏi tại sao chị lại quyết định kết hôn cùng người đàn ông hơn chị đến hơn 40 tuổi thì chị Bích bẽn lẽn trả lời “Âu cũng là cái duyên cái số”. Tìm hiểu thêm thì được biết chị Bích vốn là đứa con hoang bởi mẹ chị vốn bị tật bẩm sinh từ bé. Người đàn bà chân thấp chân cao ấy không xây dựng gia đình mà chỉ cố gắng xin được một mụn con để được làm mẹ, cũng là mong muốn có một điểm tựa tinh thần cho cuộc đời bất hạnh. Nhưng đứa con gái này không may mắn cũng lại bị tật ở chân. Tuy không chân thấp chân cao giống mẹ nhưng chị Bích từ nhỏ sức khoẻ cũng không được tốt.
Chị kể lại: “Hôm chị và chồng lên xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, người làm thủ tục cho hai vợ chồng chị hỏi thế chú rể đâu?”. Và khi biết được người chồng sắp cưới của chị chính là ông Học thì tất cả mọi người đều tỏ ra rất bất ngờ và còn trêu vợ chồng chị nữa. Nhưng rồi hạnh phúc cũng mỉm cười với đôi vợ chồng chênh lệch về tuổi tác này. Năm 2012 chị sinh đôi được hai cháu, đủ nếp đủ tẻ, đó là cháu Ngô Thanh Tiên và cháu Ngô Thị Thu. Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn và nhiều thiếu thốn song gia đình ông Học vẫn luôn sống rất hạnh phúc bởi với họ không chỉ có tình yêu, tình thương mà còn là sự cảm thông giữa đôi bên.
Vợ con ông Học. |
Chỉ mong vợ con được sống trong ngôi nhà không bị dột mưa
Mặc dù sự ra đời của hai đứa con xinh xắn là niềm mong ước khao khát của cả hai vợ chồng ông Học, song đó cũng là lúc sự khó khăn nhân lên gấp bội. Bởi vợ ông sinh hai con khi thai mới chưa đầy tám tháng. Đưa vợ lên bệnh Viện Đa khoa Tỉnh Hà Nam mà ông hồi hồi lo lắng vô cùng. Biết gia cảnh khó khăn của vợ chồng ông, hàng xóm anh em, người yến gạo, người một trăm giúp đỡ. Nhưng sự giúp đỡ ấy chẳng thấm tháp vào đâu so với số tiền mà vợ chồng ông lo lắng.
Nhưng may mắn lại một lần nữa mỉm cười, khi biết hoàn cảnh vô cùng khó khăn của gia đình ông, các bác sĩ cũng như nhiều người cùng phòng đã hết lòng giúp đỡ cho vợ chồng ông. Các bác sĩ trong khoa còn tặng hai thùng sữa để giúp vợ ông cố gắng vượt qua những ngày khó khăn để chăm con mới sinh.
Cũng thời điểm ấy ông Học tìm đường ra chợ nhặt nhạnh những đồ đồng nát ve chai đem bán lấy tiền thêm thắt lo cho vợ con. Khi kể lại nhưng giây phút khó khăn ấy, vợ chồng ông Học vẫn nghĩ “ Tuy rằng khó khăn vất vả nhưng các bác sĩ và nhiều người ở viện đã giúp đỡ rất nhiệt tình nên vợ chồng ông mới vượt qua được”.
Tháng ngày lại trôi đi, đến nay hai con của ông Học cũng đã được gần hai tuổi. Nhưng từ bé cho đến bây giờ đứa con của ông vẫn chưa một lần được mặc một bộ quần áo mới. Bởi tiền chế độ của ông chỉ đủ lo cho gia đình 4 người có đủ những bữa ăn đạm bạc. Vợ ông bảo : “Ai cho gì thì các cháu mặc lấy. Cũng tội cho mấy đứa nhỏ, nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy, lo ăn đã khó rồi chứ nói gì đến mặc. Tôi sức khỏe thì cũng yếu chẳng làm được việc gì ngoài việc ở nhà cơm nước và trông hai con”.
Căn nhà xập xệ của ông Học được che bằng những mảnh bao tải. |
Ngôi nhà tranh dột nát, xiêu vẹo của gia đình ông Học được ông gia cố bằng cả trăm tấm bao tải, ni nông nhặt từ bãi rác mang về. Trong nhà ông chẳng có gì ngoài chiếc giường nhỏ. Căn nhà nhỏ bé tới nỗi chỉ đủ kê một ban thờ và một chiếc giường. Nếu có ai đến nhà ông thì không thể ngồi ở trong nhà mà phải ngồi ở ngoài sân. Đến một chiếc ghế ngồi tử tế mà gia đình ông cũng không có nổi. Nhà bếp, nhà tắm cũng như nhà vệ sinh chỉ là một vài mảnh ni nông che lên tạm bợ. Nhìn cảnh đó thật không khỏi xót xa.
Ông Học tiếp tục chia sẻ: “ Cách đây 3 năm, ở trên xã có nói cả xã chỉ có mình tôi được ưu tiên cho bốn mươi triệu để xây nhà tình nghĩa vì tôi là bộ đội Trường Sơn, gia cảnh lại hết sức khó khăn. Nhưng chờ đến tận bây giờ vẫn chưa thấy gì.”
Mỗi mùa mưa bão về cả gia đình ông lại nom nớp lo sợ bởi trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài sân khi mà nhà dột như mưa trút. Và nhiều lần vợ chồng ông đã phải đưa hai con về nhà bà ngoại để trú tạm. Ông Học ngậm ngùi: “ Tôi đã ngần này tuổi, khó khăn, gian khổ nào cũng đã từng nếm trải, nghĩ chỉ thương cho vợ và hai đứa con nhỏ dại, giờ tôi chỉ có một ước muốn là mong chúng được sống trong căn nhà đừng bị dột nước mưa nữa”.