LTS: Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học.Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania…
Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả).
Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao? Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.
Tôi đã kể về những ngày đầu tiên rời Ga Hàng Cỏ, Hà Nội đi du học; những ngày trên tầu hỏa xuyên Hoa lục, xuyên Xiberi từ Á sang Âu; chuyện theo học ở xứ “xe đạp cuốc và quạt tai voi”… rồi chuyện quần loe, tóc dài, nhẩy đầm “chui” nhảy đầm “lậu” trong những năm tháng du học. Thấm thoắt 6 năm du học trôi qua. Rồi cũng đến ngày kết thúc, chuẩn bị về nước…
Tháng 6/1979 đã bảo vệ luận án xong và chờ nhà trường ký bằng tốt nghiệp.
Sắp tạm biệt nơi thân thuộc như quê hương. Nơi có những người bạn cả trai lẫn gái, dù “mắt xanh, tóc vàng” nhưng để lại trong tôi biết bao kỷ niệm của những năm tháng tuổi trẻ mới bước vào đời. Dù bịn rịn, bâng khuâng, lưu luyến thì cũng phải đối mặt với thực tế: Tốt nghiệp rồi, phải về nước!
Chỉ còn hơn tháng nữa để thu xếp đồ đạc, đợi vé tầu hỏa lên thủ đô Moskva chờ máy bay về nước. (Năm 1979 ấy là năm đầu tiên các sinh viên tốt nghiệp từ Đông Âu và Liên Xô về nước phải đi máy bay, vì tầu hỏa qua Trung Quốc đã chấm dứt do chiến tranh Trung Quốc xâm lược Việt Nam).
Các bạn Việt Nam tốt nghiệp cùng thấy ai cũng mua được mấy cái xe đạp, rồi đài quay đĩa Rigonda, máy khâu, quạt tai voi…
Riêng tôi, “ham chơi” nên cóc có tiền để mua nhiều mấy thứ đó. Nhìn các bạn (nhất là đôi nào đã “cặp” với nhau chỉ chờ về nước để cưới) đóng thùng gửi đồ về có bao nhiêu thứ, từ lớn như xe “bình bịch” Minxk, máy khâu, đến nhỏ như con búp bê lật đật, cái chảo, cái xoong quấy bột, bánh xà phòng… để về “xây tổ ấm”, mà mình không có gì cũng thấy hơi… sốt ruột!
Mà tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về không có cái xe đạp “cuốc”, cái đài quay đĩa mang về theo thì khối người ở nhà “cóc” tin là đi du học. Có khi họ nghĩ là “bốc phét”!
Làm thế nào đây?
Không có đài quay đĩa, xe đạp thì phải có cái gì mang về để “quy ra tiền” chứ! Chẳng nhẽ về tay không.
***
Thế rồi nghe “lỏm” thông tin bên nước truyền sang: Giấy cuốn thuốc lá ở nhà hiếm lắm! Bán được giá cao! Nếu mua mang về bán thì cũng được tiền đấy!
Chàng trai "Tôi" ngày về nước. |
Nhưng ở Kharcov nói riêng và Liên Xô nói chung, tôi (và các bạn đã học bên Liên Xô thời ấy, thời thập niên 70) biết rồi đấy: Trong cửa hàng chỉ bán thuốc lá bao chứ làm gì có bán giấy cuốn thuốc lá. Tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy cửa hàng nào bán. Tìm khắp các cửa hàng bán thuốc lá ở Kharcov! Vô ích!
Thế là hôm ấy tôi rủ anh bạn Song Hà: “Tao với mày thử vào nhà máy thuốc lá Kharcov xin làm việc mấy hôm rồi thử xem sao”. Hai thằng lò mò tìm vào Nhà máy thuốc lá Kharcov, gần nhà máy rượu ở khu Холодныe Гopы (Núi Lạnh). Xin vào làm việc ngắn ngày kiểu lao động thời vụ. Nhà máy chấp nhận.
Vừa vào làm việc hôm đầu tiên. Hỏi họ có bán giấy cuốn thuốc lá không? Tất nhiên là họ trả lời không bán. Nhưng mấy anh công nhân “Ivan” ở dưới xưởng bảo: “Chúng mày thử hỏi lãnh đạo Xưởng xem sao?”!
Bọn tôi đánh bạo đến gặp Xưởng trưởng. Ông ta hỏi:
- Các cậu cần giấy cuốn thuốc lá làm gì?
Bọn tôi trả lời, rằng ở Việt Nam thích giấy cuốn thuốc lá của Liên Xô vì cuốn thuốc lá bằng giấy Liên Xô hút ngon lắm.
Nghe xong, ông ta nói:
- Ở đây không bán.
Ông trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Thôi được! Nhưng tôi có thể cho 2 đứa các cậu, mỗi đứa 2 cuộn. Với 2 cuộn giấy này các cậu cuốn thuốc lá hút cả đời may ra mới hết.
Nghe đến đây 2 thằng tôi sung sướng như bắt được vàng.
Muốn hét lên nhưng cố kìm nén.
Nói xong ông ta gọi người mang ra cho 2 thằng tôi, mỗi đứa 2 cuộn giấy cuốn thuốc lá. Mỗi cuộn đường kính độ 50 cm, to hơn miệng thùng gánh nước. Bề dầy độ 3 cm. Trông chúng giống cái bánh xe. Mỗi cuộn nặng chừng 5 cân.
Nhưng chúng tôi không thể mang ra khỏi cổng bảo vệ.
Ông xưởng trưởng gọi cậu lái xe goòng vận chuyển nội bộ, để 4 cuộn giấy xuống dưới, đặt các thùng hàng lên trên và chuyển ra khỏi cổng bảo vệ. Bọn tôi cũng nói thật là xin vào làm việc chỉ là nhằm mua được giấy cuốn thuốc lá thôi. Có cái này ông cho rồi thì chúng tôi cũng xin thôi làm việc. Ông Trưởng xưởng cười đồng ý!
Hai thằng bọn tôi ra trước, chờ xe ra để lấy hàng.
Trong lúc chờ xe ra, tôi và anh bạn Song Hà sang cửa hàng gần đấy mua 2 chai rượu vin- nô ngon nhất cuộn vào giấy. Xe ra, bọn tôi tặng cậu lái xe goòng 1 chai, còn 1 chai nhờ cậu ta mang vào tặng ông Xưởng trưởng.
Hai thằng bọn tôi bắt taxi chở 4 cuộn giấy về vui không gì tả xiết, vừa tim đập thình thịch…
Về nước bán các cuộn giấy ấy cho dân Đình Bảng, Bắc Ninh chuyên cuốn thuốc lá. Mỗi cuộn bán được 2000đ. Mỗi đứa hai cuộn, vị chi là 4000đ.
Để tiện so sánh:
Mỗi xe đạp “cuốc” khi ấy bán được ngót 800đ. Nghĩa là trị giá 2 cuộn giấy ấy bằng 5 cái xe đạp “cuốc”! (ít người, nếu không muốn nói là không có sinh viên nào về nước mang được 5 xe đạp)
Một xe máy SimSon của các anh đi Đức về bán được chưa đầy 4000đ.
Lương kỹ sư mới ra trường 63 đ. Còn trước đó phải hai năm (24 tháng) ăn lương tập sự chỉ có 85% x 63 đ là 53 đ 5 hào rưỡi thôi!
Thế là có hai cuộn giấy ấy tôi nằm nhà chờ công tác gần 1 năm không phải “ăn bám” các cụ thân sinh! Rồi thuốc lá “có cán” (loại More, Dunhill thời ấy “oach” lắm!) cắm miệng suốt ngày!
Hai cuộn giấy ấy đã “nuôi” tôi trong những ngày nằm nhà chờ đợi phân công công tác cho đến ngày đến với cầu Thăng Long…
Nếu mà mua nhà khi ấy thì 2 cuộn giấy đó thừa sức mua được căn nhà mặt phố!
Hơn 40 đã trôi qua! “Nhớ ơn” mãi 2 cuộn giấy ấy!
Thế là tôi đã kể với các bạn những năm tháng vừa tốt nghiệp phổ thông, đi du học, và sau khi về nước làm ở công trình cầu Thăng Long.
Xâu chuỗi 9 kỳ Chuyện thời du học để các bạn lớn tuổi có thể nhớ lại và các bạn trẻ hình dung ra về cả một giai đoạn lịch sử của thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX. Một giai đoạn đầy gian khó với những sự kiện đáng nhớ, những chuyện cảm động và cả những chuyện có thật nhưng bây giờ nhiều bạn trẻ cứ nghĩ là “bịa, khôi hài”… mà mỗi người chúng ta đã trải qua.
Đến đây “Chuyện thời du học" xin tạm khép lại.