Lời dẫn: Thế hệ chúng tôi, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước tốt nghiệp phổ thông, trong những năm tháng còn chiến tranh bom đạn ác liệt ấy, rất nhiều bạn bè rời ghế nhà trường là phải ra trận. Chúng tôi, một số rất nhỏ có may mắn là được đi du học.Người đi Liên Xô, người sang Đông Đức, Tiệp Khắc, Hungari, Ba Lan, Rumania…
Ngày ấy đi du học sang châu Âu toàn đi bằng tầu hoả (trừ một lần vào năm 1969 do chiến tranh biên giới Xô - Trung, anh em đi bằng tầu biển của Liên Xô sang đón ở cảng Hải Phòng đi Vlađivostok, Liên Xô, rồi từ đấy lại đi tiếp tầu hoả).
Chắc nhiều người có thể không còn nhớ những ngày dài đằng đẵng đi tầu hoả thời ấy, rồi những ngày bên “Tây” sinh hoạt ra sao? Trong loạt bài “Chuyện thời du học”, tôi ghi lại những kỷ niệm để tôi cũng như nhiều người đã từng trải qua cùng nhớ lại những kỷ niệm của thời ấy, mà giờ đã nửa thế kỷ trôi qua. Trân trọng gửi tới bạn đọc.
Tôi chỉ biết tin này khi Chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Liên Xô đưa tin vào lúc 9 giờ tối cùng ngày. Tôi vẫn nhớ rất rõ tin được đưa ngay vào phần đầu của bản tin Thời sự của Truyền hình Liên Xô tối hôm ấy và cũng rất ngắn gọn rõ ràng của nam phát thanh viên nổi tiếng của đài là Igor Kirillov (Игорь Кириллов).
Nghe tin tôi rất bàng hoàng và cũng vô cùng lo âu. Lo cho đất nước, lo cho người thân trong gia đình, nhất là tôi có người anh đang ở trong quân ngũ. Phương tiện liên lạc thời đó với gia đình đâu có gì. Thư gửi cả tháng mới về đến nhà…
Thời gian ấy đang là kỳ thi cuối cùng của đời sinh viên. Sáng hôm sau đến trường. Môn thi cuối cùng trước khi làm Đồ án tốt nghiệp. Môn máy thi công công trình. Vào phòng thi. Bốc đề bài. Chuẩn bị xong. Giáo viên gọi lên trả lời. Chấm thi môn ấy là một giáo sư trẻ khả kính, ông là Phó hiệu trưởng phụ trách khoa học kiêm Chủ nhiệm khoa máy xây dựng, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nikolai Bolotskich, (Николай Степанович Болотских, khi ấy ông là GS-TSKH trẻ nhất của trường mà lại là Hiệu phó kiêm chủ nhiệm khoa, chưa đến 40 tuổi).
Chân dung Giáo sư Николай Степанович Болотских. |
Khi tôi được gọi lên, ngồi trước mặt ông để chuẩn bị trả lời các câu hỏi. Vừa ngồi xuống thì ông hỏi ngay: - Anh đã biết gì về tình hình đất nước anh chưa? Tôi trả lời rằng đã biết và cũng chỉ nghe qua tin tức của đài Truyền hình Liên Xô. Vừa nghe tôi nói xong, vị Giáo sư nói ngay:
- Thôi, hôm nay anh không phải trả lời các câu hỏi trong đề thi đâu. Tôi biết anh học nghiêm túc từ khi tôi bắt đầu dạy lớp của anh rồi! Hôm nay tôi cho anh 5 điểm (điểm 5 là điểm cao nhất trong thang điểm của Đại học Liên Xô khi đó). Anh về đi! Nhanh nhanh làm đồ án tốt nghiệp rồi về nước bảo vệ Tổ quốc. Tôi rất hiểu tâm trạng của những người như anh trong thời điểm này. Còn bụng dạ đâu mà học nữa…Giọng ông rất chân thành.
Tôi lặng đi!
Phải mấy giây sau tôi mới định thần lại được và nói lời cám ơn. Kèm theo lời cám ơn tôi cũng nói thêm là tuy lo cho đất nước và người thân ở nhà nhưng tôi vẫn chuẩn bị bài thi nghiêm túc. Giáo sư cứ hỏi, tôi sẵn sàng trả lời…
Ông gạt đi và nói rất rõ ràng là ông biết lực học và tinh thần học tập của tôi với môn ông dậy như thế nào rồi. Chính vì biết thì ông mới xử sự như thế!
Và chính vị Giáo sư ấy sau đó phụ trách hướng dẫn đồ án tốt nghiệp của tôi. Một năm sau khi tôi tốt nghiệp về nước, năm 1980 Giáo sư Nikolai Bolotskikh trở thành Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Kharkov khi mới 42 tuổi.
Và ở cương vị Hiệu trưởng trường này lâu năm nhất, trong suốt 29 năm, từ 1980-2009. Ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Kharcov hơn chục năm dưới chính thể Liên Xô (trước 1991) và gần 20 năm sau khi Ucraina là nước Cộng hòa độc lập.
Ngoài ra ông còn là Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Xây dựng Ucraina, Viện sỹ Viện hàn lâm Quốc tế về khoa học công trình địa chất và nhiều tổ chức kỹ thuật quốc tế có uy tín khác…
Thật cảm động khi thấy lòng ái quốc thì ở đâu cũng có những người đồng cảm!