Cách đây đã lâu, trong một lần trò chuyện trên truyền hình về cách dạy con, họa sĩ Đinh Công Đạt kể câu chuyện về cách thức ông giao chùm chìa khóa nhà cho con trai: Gia đình họa sĩ có 3 người có chìa khóa nhà là ông nội, hai vợ chồng, còn cậu con trai nhỏ thì chưa.
Năm tháng trôi qua, cậu con trai nhỏ lớn dần lên và người ông cũng già đi. Căn bệnh Alzheimer đã khiến ông không thể đi về mở cửa đưa đón cháu nên chùm chìa khóa đã đến lúc cần có chủ nhân mới.
Hôm đó, sau buổi học về nhà, cậu con trai họa sĩ thấy cả nhà ngồi đông đủ sau bàn bày biện đồ ăn, thức uống như một bữa tiệc nhỏ. Mà đúng là tiệc thật – tiệc chuyển giao chìa khóa giữa các thế hệ. Họa sĩ Đinh Công Đạt trao cho con trai chùm chìa khóa của người ông và nói với con rằng: “Nay con đã lớn, bố trao cho con chùm chìa khóa nhà này. Nó không chỉ là chìa khóa mà còn là trách nhiệm của người đàn ông, người con, người cháu với gia đình. Mong con hãy nhớ!”.
Cậu con trai nhận chùm chìa khóa, nhận trách nhiệm ông bố trao cho mà cảm động nói không nên lời. Từ đó đến giờ, cậu chưa bao giờ có hành động gì để gia đình phiền lòng.
Ở một khu chung cư nọ, chiều nào mọi người cũng chứng kiến anh chồng ngồi đợi chị vợ đi làm về mở cửa. Cá biệt, có hôm anh chồng đợi vợ lâu đến nỗi pin điện thoại cạn sạch vì đọc báo, chơi game. Đang bực mình vì không còn gì để giết thời gian, mặt mũi anh chồng bỗng tươi lên khi thấy bóng vợ về. Cả hai sóng bước vào thang máy, lên nhà.
Chứng kiến cảnh anh chồng thường xuyên ngồi đợi vợ dưới sảnh, có người tò mò hỏi thì biết, tuy hai vợ chồng họ sống chung nhà, có chung con, nhưng duy chỉ có một thứ không chung, đó là chùm chìa khóa nhà. Chị vợ không cho phép chồng giữ chìa khóa nhà với lý do không tin tưởng. Chị luôn buộc chồng ra khỏi nhà cùng chị và cửa chỉ mở khi chị về nhà.
Những “cánh cửa” nào đã mở ra từ câu chuyện của hai chùm chìa khóa câm lặng này? Thế nào là lòng tin giữa chồng và vợ? Ngày xưa, các cụ nhiều người vợ chờ chồng trong cả hai cuộc kháng chiến và đặt hoàn toàn niềm tin ở chồng.
Còn ngày nay, ngày càng nhiều cặp vợ chồng mất niềm tin đối với nhau. Đó có phải chỉ đơn giản là niềm tin hay không mà còn là quan niệm xã hội của từng thời đại tác động vào con người dẫn đến cách ứng xử khác nhau?
Nghe thì đáng buồn nhưng thực tế lòng tin vợ chồng chỉ mất đi khi chính những người trong cuộc cố tình “giết” nó mà thôi. Mà một khi đã không tin nhau thì nhiều hành vi ứng xử tưởng lạ kỳ ắt sẽ xảy ra như chuyện anh chồng chiều chiều đợi vợ dưới sảnh vì không có chìa khóa vào nhà; hay như chuyện tạo địa chỉ ảo trên mạng xã hội để quyến rũ vợ/chồng nhằm thử thách tình yêu; thuê thám tử, cài chip theo dõi vào xe, điện thoại vợ/chồng…
Đã không tin thì không có gì là không dám làm, mặc cho các nhà tâm lý cảnh báo rằng, hành động đó chẳng khác gì “như chơi với dao, như đùa với lửa” có thể mang đến những hậu quả khôn lường cho hạnh phúc vợ chồng.
Có người mẹ cấm cô con gái của mình bước vào bếp mặc cho cô bé từ nhỏ đã mê nấu ăn nhưng bản tính bừa bãi, làm đâu vứt đó nên mệt mẹ phải hầu dọn. Người mẹ đó cấm con mà không hề nghĩ rằng hành trình từ trạng thái “bị cấm làm” đến trạng thái “không muốn làm” là rất ngắn, nên khi con chị đến tuổi đã có thể học nấu nướng và cần đỡ đần mẹ thì cô bé chăm chỉ ngày nào lại không muốn động tay vào công việc bếp núc nữa.
Phải mất một thời gian rất dài, người mẹ mới khơi lại trong con được niềm vui nấu nướng của phụ nữ và ý thức giúp đỡ mẹ. Nghe chuyện bữa tiệc chuyển giao chìa khóa của gia đình họa sĩ, chị không tránh khỏi ân hận. Giá như ngày đó chị đủ bao dung, tin tưởng để chia sẻ với con căn bếp, cũng như trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình thì đâu phải hối tiếc về ứng xử của con gái hôm nay đến vậy.