Chuyện ít người biết về những vị vua Việt Nam mang tuổi Tuất

Lý Thái Tổ dời đô (Hình minh họa )
Lý Thái Tổ dời đô (Hình minh họa )
(PLO) - Theo quan niệm dân gian, người tuổi Tuất khôn ngoan, nhanh nhạy, thẳng thắn, chính trực, trọng nghĩa, có trách nhiệm và giàu lòng hi sinh vì người khác…

Trong lịch sử các vương triều nước Việt, số vị vua tuổi Tuất không nhiều nhưng có những người rất nổi tiếng, để lại tiếng thơm muôn thuở.

Những điều ít biết về Hùng Trinh Vương

Bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua Hùng, theo đó vua đầu tiên ngành thứ 11 có hiệu là Hùng Trinh Vương, vua tên húy là Hưng Đức Lang, sinh ngày 23 tháng 8 năm Canh Tuất; “Hùng Trinh Vương có 36 cung phi, sinh được 46 hoàng tử, 18 công chúa; hoàng tôn miêu duệ gồm 64 chi, có 490 cháu chắt. Vua trị nước, hải nội yên vui, không dùng giáo giáp, mỗi suất đinh chỉ nộp tiền 9 văn, nhập vào công khố”.

Tượng đồng vua Hùng (Hình minh họa )
Tượng đồng vua Hùng (Hình minh họa )

Bản Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời thánh vương triều Hùng, soạn vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1472) đời Lê Thánh Tông cho biết Hùng Trinh Vương là vua đầu tiên của ngành thứ 11 và ngành này tổng cộng có 4 đời vua nối nhau trị vì trong khoảng 107 năm. Các triều đại sau này suy tôn đế hiệu cho Hùng Trinh Vương là Hùng Trinh Vương Đức Tôn Minh bảo Hoàng đế.

Trưng Vương – Nữ kiệt trời Nam

Trưng Vương là nữ anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta, được coi là biểu tượng vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư  thì bà vốn họ Lạc, khi lên làm vua mới đổi thành họ Trưng, quê ở Đường trang Cổ Lôi, huyện Mê Linh, châu Phong (sau đổi là Hạ Lôi, nay thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội).

Theo chính sử, Trưng Vương là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, còn các bản thần tích, ngọc phả cho biết rõ hơn, cha bà là Hùng Định, sau đổi là Trưng Định. Thân mẫu là Trần Thị Đoan, còn gọi là Man Thiện, hay Nam Triệu, quê ở làng Nam An (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), bà là cháu chắt bên ngoại của vua Hùng.

Thần tích ghi rằng Trưng Vương và em gái là Trưng Nhị là chị em sinh đôi, ra đời vào ngày mồng 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (14).

Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đã phất cờ khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của ngoại bang vào tháng giêng năm Canh Tý (năm 40), sau đó bà lên ngôi vua, sử gọi là Trưng Vương và thiết lập chính quyền tự chủ tồn tại trong khoảng 3 năm (40 - 43).

Mặc dù ở ngôi trong thời gian ngắn, sự nghiệp kiến thiết đất nước chưa nhiều nhưng khi nhắc đến Trưng Vương, các nhà sử học phong kiến sau này đều dành những dòng ca ngợi đầy hứng khởi, tự hào.

Trưng Vương khởi nghĩa (Hình minh họa )
Trưng Vương khởi nghĩa (Hình minh họa )

Trong Việt giám thông khảo tổng luận, của Tiến sĩ thời Lê sơ là Lê Tung có viết: “Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tiếng dũng lược; căm giận chính lệnh hà ngược của Tô Định, hăng hái đem người các bộ nổi quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu”. 

 Khâm định Việt sử thông giám cương mục, một bộ sử lớn thời Nguyễn cũng có những dòng trang trọng về Trưng Vương: “Vua đi đến đâu, gió lướt đến đấy; các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và Mường Mán đều ứng theo. Lược định được 65 thành ở Lĩnh Nam, ngài tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh”, trong sách này còn có đoạn ngự phê của vua Tự Đức ca ngợi:

“Hai Bà Trưng là khách quần thoa, thế mà lòng hăng việc nghĩa, còn làm rung động được triều đình nhà Hán. Dẫu thế lực yếu, thời vận ngửa ngang, cũng đủ dấy đức lòng người, rõ ràng sử sách”…

Đinh Phế Đế - Vị vua thoáng qua trong lịch sử

Đinh Phế Đế tên thật là Đinh Toàn, có sách chép vua còn có tên là Đinh Duệ, là vị hoàng đế thứ 2 và cũng là hoàng đế cuối cùng của triều Đinh. Vua sinh năm Giáp Tuất (974) là con thứ của Đinh Tiên Hoàng, mẹ là hoàng hậu Cồ Quốc, họ Dương (theo dã sử bà tên là Dương Vân Nga). 

Sử chép, vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và con cả là Đinh Liễn bị một viên quan giết hại. Sau sự biến này, triều thần tôn Đinh Toàn lên ngôi lấy niên hiệu là Thiên Phúc, khi mới 6 tuổi.

Đinh Phế Đế làm vua từ tháng 10 năm Kỉ Mão (979) đến tháng 7 năm Canh Thìn (980), ở ngôi được 8 tháng thì bị phế truất bởi lúc đó nhà Tống chuẩn bị xuất quân sang xâm lược nước ta, nhiều quan lại trong triều được sự ủng hộ của mẹ vua là Dương Thái hậu đã tôn quan Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi, giáng Đinh Toàn xuống làm làm Vệ Vương vì thế sử gọi là Đinh Phế Đế.

Năm Tân Sửu (1001) Vệ vương Đinh Toàn theo Lê Đại Hành đi đánh giặc Cử Long ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay), chẳng may bị trúng tên độc mà chết, thọ 27 tuổi. Viết về ông, sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: “Vua còn thơ ấu, nối nghiệp gian nan trọng đại, cường thần nhiếp chính, người trong nước lìa lòng, cơ nghiệp nhà Đinh bèn mất”. 

Lý Thái Tổ và huyền kỳ về vị vua tuổi Tuất

Lý Thái Tổ tên thật là Lý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay thuộc Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là vị vua mở đầu vương triều Lý. Ông lên ngôi tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), làm vua đến tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), ở ngai vàng tổng cộng 18 năm (1009-1028):

“Lý Thái Tổ dấy lên, tự trời báo điềm tốt hiện ra ở nét cây thiêng. Có đức tất có ngôi, bởi vì lòng người quy phụ, lại nhằm lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà Lý Thái Tổ thì vốn tiếng khoan nhân, trời tìm người làm chủ dân, dân theo về người có đức, trừ Lý Thái Tổ ra thì còn ai hơn nữa! Xét ra vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp kẻ phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ yên lành, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu  lược của bậc đế vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lý Thái Tổ sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974), là vị vua có lý lịch xuất thân mờ ảo nhất; chính sử cho biết mẹ ông họ Phạm nhưng không ghi tên là gì, còn theo dã sử và giai thoại dân gian bà tên là Phạm Thị Ngà, người làng Dương Lôi, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn viết: “Trước đấy ở viện Cảm Tuyền chùa Ứng Thiên Tâm châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm đen, thành ra hai chữ “Thiên tử”, kẻ thức giả nói đó là điềm người sinh năm Giáp Tuất làm thiên tử, quả nhiên ứng nghiệm”.

Thần tích một số địa phương ở Kinh Bắc chép những chi tiết lạ lùng về thân thế của vua, như bản Ngọc phả cổ lục ở xã Tam Tảo (nay thuộc huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), cho biết mẹ Lý Thái Tổ đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy thần Chó Đá, rồi có mang mà sinh ra Lý Công Uẩn. 

Theo sách Tây Hồ chí: “Khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, truyền rằng ở chùa Thiên Tâm trên núi Ba Tiêu châu Bắc Giang có một con chó trắng có chửa bỗng bơi qua sông Cái rồi lên ở trên núi Khán. Sau đó đẻ được một chó con. Mọi người lấy làm lạ.

Đến năm Nhâm Tuất hai chó đều hóa. Lúc Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long nghe chuyện này bèn bảo: “Đó là chó thần!” rồi sai dựng điện thờ chó mẹ trên núi [Khán], miếu thờ chó con ở trên hồ. Nay miếu Cẩu Nhi còn đó thuộc địa phận thôn Trúc Yên; miếu Cẩu Mẫu sau là chùa Khán Sơn”.

Lê Thánh Tông – Vị minh quân nổi danh trong sử Việt

Lê Thánh Tông tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên khác là Lê Hạo (có sách chép là Lê Hiếu) sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442); là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông, thân mẫu là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, người xã Động Bàng, huyện Yên Định, xứ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa). 

Tượng đồng vua Lê Thánh Tông (Hình minh họa)
Tượng đồng vua Lê Thánh Tông (Hình minh họa)

Tương truyền mẹ vua đi cầu tự “mơ thấy Thượng đế ban cho một tiên đồng thế rồi có thai (tục truyền rằng thái hậu khi sắp ở cữ, nhân lúc chợp mắt, mơ thấy mình lên đến chỗ Thượng đế, thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi,

Thượng đế giận lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết vết ấy vẫn còn…Vua sinh ra thiên tư tuyệt đẹp, thần sắc khác thường, vẻ người tuấn tú, nhân hậu; rạng rỡ, nghiêm trang, thực là bậc thông minh” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Trong lịch sử nước ta, Lê Thánh Tông là vị vua nổi tiếng nhất, trong 37 năm trị vì (1460 - 1497), bằng tài năng và trí tuệ của mình ông đã sửa sang chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa…đưa quốc gia Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt, uy thế lừng lẫy một phương.

Sử sách ca ngợi Lê Thánh Tông là vị vua “cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài đại lược, võ giỏi văn hay mà thánh học rất chăm, tay không lúc nào rời quyển sách. Các sách kinh sử, các sách lịch toán, các việc thánh thần cái gì cũng tinh thông” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.