Khu Mả Lạng có từ bao giờ?
Khu Mả Lạng, nơi được coi là đất vàng giữa lòng quận Nhất của thành phố, trước giải phóng vốn là một nghĩa địa, mồ mả nằm rải rác, dân Sài Gòn đi ngang qua đây thường gọi là gò mả, đồng mả. Những năm sau giải phóng, chính quyền đưa người dân đi làm kinh tế mới. Các cư dân kỳ cựu của khu Mả Lạng kể, họ đa phần đều là dân thị thành, không quen với công việc cuốc cày vỡ đất nên nhiều người bỏ trốn về lại thành phố.
Trong số đó, nhiều người kéo nhau xuống Sài Gòn, ban ngày lang thang đầu đường bờ bụi, tối tụ tập dưới chân Cầu Muối (một chiếc cầu gỗ xưa bắc ngang một con kênh (nay là đường Nguyễn Thái Học, quận 1), Cầu Ông Lãnh, các ngả tư đường… Thất nghiệp, lang thang vật vờ, thành phố chẳng những lộn xộn mà còn sinh ra tệ nạn.
Năm 1979, mồ mả khu Mả Lạng được di dời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi đó là Bí thư Thành uỷ TP HCM) quyết định đưa những người lang thang vô gia cư về khu Mả Lạng, dựng nhà đơn sơ, diện tích 3x5m, vách bằng cót ép, lợp tôn cấp cho dân lưu trú, chia thành các lô, đánh dấu từ A đến K. Từ đó “khu Mả Lạng” ra đời, thay thế cho “nghĩa địa, đồng mả” trước đây.
Dân ở đây đều người Nam Bộ, hồn hậu chân tình, họ không ngại với cái tên Mả Lạng. Còn hỏi cái tên có nguồn gốc từ đâu, già trẻ lớn bé đều chung cách giải thích. Theo đó, xưa mồ mả nhiều, người ta dời mộ đi, đồng mộ chỗ cao chỗ thấp, phải lạng đất (san lấp cho bằng phẳng) rồi mới cất nhà, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ngôi mộ vẫn còn nằm bên dưới.
Những đứa trẻ nằm chơi trong căn nhà có bề ngang chỉ hơn 1m |
Cũng có người cho rằng, Mả Lạng là bởi lúc giải tỏa nghĩa trang, người ta chỉ dời phần bia mộ, còn di cốt thì vẫn còn sót lại, lặn xuống dưới, gọi là mả lặn, dân Nam đọc chệch thành Mả Lạng. Thậm chí, lại có vị Phó giáo sư tiến sỹ khác lại giải thích rằng, tên gọi khu này khởi nguyên là “Mả loạn”, nghĩa là mồ mả bị bỏ hoang, không người coi sóc.
Đáng sợ vì ma túy
Trong căn nhà thuộc dạng bé nhất khu Mả Lạng, sâu hun hút trong một nhánh của hẻm 245 Nguyễn Trãi, tôi trò chuyện với bà Lê Thị Anh (76 tuổi), cư dân thuộc dạng “tiền bối” ở khu này. Bà Anh là dân đi kinh tế mới, cùng 3 người con đến đây sinh sống từ năm 1980, lúc nhà được dựng vách bồ (cót ép, tre đan), mái lá, mái tôn. Bà Anh kể, hồi đó dân cư còn ít, nhưng nhà cửa đã san sát nhau, gần kín hết khu đất đồng mả.
Về đây từ ngày nghĩa địa mới được di dời, bà Anh chưa bao giờ nghe nhắc đến chuyện ma quỷ, mặc cho cái tên địa danh liên quan đến chết chóc. Nhiều người hài hước, bảo rằng ở đây cũng có ma, nhưng là ma… tuý. Đó là thứ mà người dân khu này tới giờ vẫn còn ám ảnh, cũng là thứ khiến khu này nổi tiếng về tệ nạn xã hội. Tất cả có lẽ bắt nguồn từ thất nghiệp, nghèo đói.
Những năm 2000, khu Mả Lạng trở thành một trong bốn chợ trời ma túy lớn nhất nước. Tình hình ma túy tại đây đặc biệt phức tạp đến nỗi có lúc dân quân trực gác liên tục ở ngay đầu mỗi con hẻm, nhưng vẫn không thểgiải quyết dứt điểm việc buôn bán ma tuý. Nổi đình đám nhất về tệ nạn buôn bán ma túy là các con hẻm 245 Nguyễn Trãi, 168 Nguyễn Cư Trinh…
Những con hẻm sâu hun hút, lại ngoằn ngèo nhiều lối ra, nên khi có người lạ mặt xuất hiện, các đối tượng bán ma túy đều dễ dàng nhận biết. Nhiều khu phố không có chi bộ; hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên không hoạt động được nên trách nhiệm của công an càng thêm nặng. Các cảnh sát khu vực nhiều lần phải thay thế vì không thể nào hoàn thành nhiệm vụ.
Một lãnh đạo công an phường Nguyễn Cư Trinh kể rằng, ở khu có gia đình hơn mười người phải tra tay vào còng vì bán heroin. Hết ông bà, cha mẹ ra tù lại có con cháu vào thế. Buôn bán rồi nghiện là chuyện bình thường, đã nghiện thì dễ “dính” HIV, rồi chết mòn. Ở Mả Lạng chuyện chết bờ, chết bụi hay chết trẻ là quá bình thường, có người nằm chết ngay bên bờ kênh đại lộ Đông Tây, nhiều người chết khi chỉ mới ba mươi mấy tuổi.
Con hẻm chật hẹp chỉ vừa đủ cho 1 chiếc xe máy, quanh năm không ánh mặt trời |
Dân buôn ma túy và điều hành đằng sau chủ yếu là các “anh, chị”, đầy tiền án tiền sự. Hoạt động phạm pháp theo kiểu côn đồ, hung hãn, nhiều khi đụng chuyện gì hay gặp người lạ lởn vởn, các đối tượng trong khu sẵn sàng nắm đấm giải quyết. “Nổi tiếng” khắp thành phố nên con em khu Mả Lạng khi đi xin việc có người phải đổi địa chỉ mới xin được việc.
Tình trạng mua bán ma tuý diễn ra đến năm 2002, 2003 thì chấm dứt, khi lực lượng chức năng và công an đấu tranh, trấn áp quyết liệt, triệt tiêu các băng nhóm. Cuộc sống Mả Lạng bình yên trở lại, chuyện phạm pháp tung hoành, làm mưa làm gió của các anh chị, băng nhóm giang hồ giờ thành giai thoại, kể nhau nghe lúc rượu trà, để biết chốn này cũng lắm dữ dằn, chẳng thua gì các nơi Quận 4, Tôn Đản, Cầu Muối…
Ngày mai mông lung
Với khu Mả Lạng, nhiều thứ giờ đổi thay, khu đất nghĩa địa xưa từ lâu được coi là đất vàng, giá trăm triệu đồng một mét vuông. Nhà cửa cũng đã kiên cố, phố xá đã văn minh, những cư dân đầu tiên của khu nhiều người khá giả, chuyển nhà đi nơi khác duy chỉ có một điều không đổi, nơi đây bao nhiêu năm vẫn cứ là chốn tá túc của lớp người khổ khó, chạy ăn từng bữa, mỗi số phận là một câu chuyện đời mà câu cửa miệng chung của họ là “riết rồi quen”.
Đầu tiên, họ phải làm quen với cảnh sống trong những con hẻm nhỏ, có chỗ chỉ đủ một chiếc xe máy len qua, ở những đoạn hẻm đó, ánh mặt trời là điều xa xỉ. Rồi nữa, họ quen với không gian sống chật chội khi căn nhà nguyên thuỷ diện tích tối đa chỉ 15m2. Cuộc sống nghèo khó, con cái đông đúc, căn nhà phải cắt đôi, cắt tư cũng thành bình thường.
“Riết rồi quen” nên dù khách ái ngại về căn nhà diện tích 5,5m2 của mình, bà Lê Thị Anh chỉ cười, bảo đó chỉ chuyện bình thường, ở đây có nhà còn bé hơn nữa. Bà Anh nhớ lại, trước đây bà cũng là cư dân “hạng nhất” khu này, được cấp căn nhà rộng 3m dài 5m. Xưa bà đi bán máu 2 lần, có vốn đi bán hàng rong, xả ớt rau khoai các loại, ban đầu cũng sống được, sau có đợt lỗ, khó khăn bà bán nhà, mua căn này bằng 1/3 căn cũ.
Nhà 2 mẹ con, tầng 1 chỉ đủ làm nhà vệ sinh, đặt chiếc ghế dài làm giường, thêm tủ lạnh, còn con cái phải ở trên gác gỗ. Cạnh đó vài căn, cảnh chật chội còn khủng khiếp hơn, trong căn nhà 7,5m2, 16 người lớn bé trong gia đình chị Huỳnh Thị Thanh (46 tuổi, 245/51, Nguyễn Trãi) chen chúc nhau, tôi đứng ngoài hẻm nhìn vào thôi cũng thấy khó thở.
Quá chật chội, chị Thanh phải đặt bếp gas nấu ăn ngoài hẻm, nấu xong mỗi người một tô cơm, không hề có khái niệm quây quần bên mâm cơm gia đình. Còn giỗ chạp hay cúng quải, chị Thanh kể, trong hẻm 1 nhà làm đám là phải bịt hai đầu hẻm, mâm cỗ cũng chỉ diễn ra trong 1 giờ đồng hồ, đánh nhanh rút gọn.
Một điều khiến cư dân ai cũng ám ảnh, đó là cháy. “Cháy là chạy!”, bà Anh nói với tôi. Bà kể, hẻm chật chội, ngoằn ngèo, rẽ trái rẽ phải loạn xạ như ma trận, cháy mà chạy không kịp thì… thôi. Và thế là, cứ nghe có tin cháy là chạy, từ khu Mả Lạng, dân mình trần thân trụi dắt díu nhau toả ra 4 phương 8 hướng, kẹt cứng các ngả đường xung quanh.
“Cách đây 2 tháng, trong khu có cháy 3 căn nhà, tôi già yếu nên lo chạy trước, tưởng không có ai chạy, ai dè đến khi ra đến đường Nguyễn Trãi thì thấy người ta đã đứng đông đen ngoài đó…”, bà Anh nhớ lại. “Cháy phát là dắt tụi nhỏ chạy thôi, tiền bạc cũng chẳng có gì, làm ngày nào ăn ngày đó mà…”, chị Thanh tâm sự. Đó là người già, phụ nữ, trẻ em, còn thanh niên thì luôn ở lại dập lửa khi nó mới bùng phát, nếu lửa lan cả khu thì chẳng còn gì.
Bỏ qua hết những nỗi lo ngày thường, nói chuyện xa hơn, là khu Mả Lạng sẽ bị giải phóng để thực hiện dự án phức hợp gồm trung tâm thương mại, nhà ở hiện đại... Chủ trương này, theo người dân cho biết, họ đã nghe thành phố nói đến từ những năm 1990, nhưng cứ treo mãi, riết rồi dân cũng quen. Nói chuyện mấy hôm nay ồn ào việc đền bù giải tỏa, chị Thanh dí dỏm: “Tui nghe nói giải tỏa từ lúc chưa chồng, giờ tui đã có 5 con với đống cháu ngoại vẫn chưa thấy gì”.
Chuyện giải toả râm ran khắp các hẻm hóc khu Mả Lạng, ai cũng ủng hộ chủ trương của thành phố, mừng vì mình sắp hết bị “treo”, nhưng cạnh đó nhiều nỗi lo về một cuộc thiên di. Những câu hỏi về giá cả đền bù, nhận bồi thường rồi đi hay ở lại định cư, đi thì đi về đâu bây giờ… cứ khắc khoải trên từng mặt người. Đó là chưa nói mai đây sẽ là bao nhiêu ồn ào, tranh cãi chuyện đất đai.
Những con người nếu không phải khó nghèo, đã không chen chúc trong những căn nhà bé như bao diêm, nép mình trong không gian chật hẹp đến ngợp thở này. Khu đồng mả ngày nào sẽ thay áo mới, lộng lẫy bao nhiêu chẳng biết nhưng khó tránh sự tổn thương những phận đời vốn rất nhạy cảm. Gần 40 năm tuổi, đâu phải ít, khu Mả Lạng chưa bao giờ được coi là nơi an cư.
Quy hoạch treo gần 20 năm
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh gồm 3 khu phố 4, 5 và 8, có 1.833 hộ dân với 7.099 nhân khẩu. UBND Q.1 vừa qua đã có thông báo thu hồi đất đến hầu hết người dân trong khu vực.
Theo ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.1, từ năm 2000 TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa nhằm thực hiện quy hoạch chỉnh trang đô thị khu Mả Lạng. Thời điểm đó, dự án được giao cho Tổng công ty địa ốc Sài Gòn thực hiện.
Đến năm 2007, UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư để biến khu vực này thành khu phức hợp hiện đại. Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi là khoảng 68.500 m2; tổng số nhà dự kiến giải tỏa toàn phần là 1.424 căn, trong đó 1.391 căn của cá nhân và 33 căn của 22 tổ chức.
Q.1 đã ban hành 1.424 thông báo thu hồi đất, gửi đến các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng, việc thẩm định giá đền bù sẽ tính theo giá thị trường, dựa vào giao dịch thành về việc mua bán nhà ở trong khu vực và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, dự kiến cuối năm 2017 công bố mức giá đền bù cụ thể; đến tháng 9/2018 hoàn thành công tác thu hồi đất.
Đại diện chủ đầu tư cho biết người dân có thể nhận tiền đền bù một lần để tự lo chỗ ở mới. Những trường hợp muốn tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư sẽ chuẩn bị quỹ nhà tạm cư, hoặc người dân có thể nhận tiền tạm cư để tự thuê nơi ở mới, chờ dự án hoàn thành thì quay về ở.