Cổng làng có thể mang dáng cổng tam quan hay còn gọi là tam môn, tức ba lối đi (một lối đi chính và hai lối ngách); lối ngách đi hàng ngày, lối chính giữa chỉ mở khi có nghi lễ. Thông thường cổng được xây vòm (cuốn tò vò) hoặc vuông góc. Cổng trước xây to, trên trần cửa có ghi tên làng hoặc một câu có liên quan đến địa phương đó, như bức hoành phi, hai bên có thể có đôi câu đối.
Cũng như các công trình truyền thống khác, phép chọn phương hướng để xây cổng làng bị chi phối bởi học thuật phong thủy, lý tưởng nhất là cổng trước nhìn ra hướng đông, cổng sau ra hướng tây, vật liệu xây dựng bằng gạch vữa, trên làm mái, cầu kỳ thì hai tầng mái. Nóc mái thường đắp rồng, phượng, cá hóa long...
Nhiều cổng làng đã rêu mốc với thời gian, nhưng cũng có nhiều cổng làng cũ đã phải đập đi xây lại rộng hơn để đáp ứng giao thông cơ giới, nhiều cổng làng được làm bằng kim loại, trên đó với khẩu hiệu “Làng văn hóa”.
Bên trong cổng làng tôi là cuộc sống của dân làng. Làng tôi tên Cự Đà, trước đây Cự Đà có nghề làm tương nếp, nay Cự Đà nổi tiếng với nghề làm miến. Miến làng Cự Đà được làm từ tinh bột dong riềng, được tráng thủ công hoặc máy trải đều trên phên nứa và đem phơi vào buổi sáng, sau đó đem thái thành những sợi miến dẻo dai như sợi cước có màu trắng hoặc màu vàng.
Cổng làng Hạ Trì |
Người dân nơi đây với nhiều công đoạn để có được sợi miến thơm ngon bán cho người tiêu dùng trên toàn quốc. Người làm miến có bí quyết riêng nhưng luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không pha trộn hóa chất độc hại. Làng tôi vàng rực rỡ trên các con đường trong xóm với các cuộn miến phơi trong nắng, người làng tôi chân chất và không mong quá trình đô thị hóa lấn tới để làng tôi vẫn cổ kính bên dòng sông Nhuệ.
Làng tôi, làng Yên Thái, làng có nghề làm giấy dó có từ thời Triều Lý đến thế kỷ 20. Giấy dó rất bền được làm sổ sách thời phong kiến, và được chuyển lên vẽ tranh Đông Hồ và chuyển tới trên toàn quốc. Làng tôi ở vùng nước Hồ Tây, Hà Nội, đã nổi tiếng với câu ca dao: “Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
Phường giấy Yên Thái trước đây luôn vang dội tiếng chày giã vỏ dó, âm thanh ấy đã đi vào ca dao, dân ca, đã gợi cảm hứng cho những tâm hồn thi nhân nghệ sĩ qua nhiều thế kỷ. Làng Yên Thái (làng Bưởi) vẫn còn đó. Nhưng nghề làm giấy dó cổ truyền của Yên Thái bây giờ không còn nhộn nhịp nữa. Người Yên Thái đang nung nấu một quyết tâm phục hồi nghề giấy, làm ra những sản phẩm độc đáo, quí và đẹp cho đời.
Quê tôi, làng lụa Vạn Phúc – Hà Đông là một làng dệt vải lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng từ ngàn năm trước, được công nhận kỷ lục “Làng dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất còn duy trì đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng. Đây là điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội cho du khách mọi miền và khách nước ngoài.
Làng Vạn Phúc nằm bên bờ sông Nhuệ vẫn còn giữ được nhiều nét cổ kính của làng quê xưa với hình ảnh cây đa cổ thụ, giếng nước, sân đình, buổi chiều họp chợ dưới gốc đa sân đình. Tới đây du khách không chỉ đắm mình vào những sắc màu tươi rói của lụa với đủ thứ mặt hàng đa dạng, đẹp mắt như quần áo, túi, ví, khăn.... hay những tấm lụa nguyên bản.... trong gian hàng trưng bày mà còn được nghe âm thanh rộn ràng của khung cửi, tiếng lách cách của con thoi, những âm thanh trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây.
Cổng làng xóm nơi vui đùa của trẻ em |
Ai đó ngâm nga câu thơ của Nguyên Sa trong bài thơ “Áo lụa Hà Đông” “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt nhớ/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Bạn hãy sờ tay vào tấm lụa để thấy sự mịn màng mát lạnh, và hãy nhìn những mẫu lụa Song Hạc, Thọ Đinh, Tứ Quý....để thấy rõ sự tinh tế của những nghệ nhân đã gửi cả tình đằm thắm vào từng đường kim, mũi chỉ.
Hàng năm làng nghề tổ chức lễ hội giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 8 và 25 tháng Chạp âm lịch. Doanh thu của làng lụa Vạn Phúc đã đạt 45 tỷ đồng năm 2009, 2010 tăng lên 60 tỷ, 2011 là 65 tỷ, các năm gần đây đều tăng cao. Hiện nay lụa Vạn Phúc đã có mặt trên thị trường các nước Đông Âu Nhật và nhiều quốc gia khác thu nhiều ngoại tệ cho đất nước.
Bên trong các cổng làng không chỉ là những làng nghề truyền thống, mà còn tồn tại biết bao nét văn hóa đặc sắc khác: Làng hát quan họ của các liền anh, liền chị (làng Diềm, làng Lim – Bắc Ninh); làng chèo (đất Thái Bình), Múa con đĩ đánh bồng (Triều Khúc - Hà Nội); Múa rối cạn, rối nước ....., rồi các làng nghề khác như nghề thuốc nam Yên Sơn - Ba Vì Hà Nội. Có lẽ ở Việt Nam có bao nhiêu làng, thì sau cái cổng làng ấy có bao sự kiện trải dài năm tháng.