Mỗi ngày có 9 trẻ bị chết đuối
Theo con số thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), tính trung bình mỗi ngày ở nước ta có 9 trẻ em, trẻ vị thành niên chết đuối và cả năm là hơn 3.000 sinh mạng bị “hà bá”, “thủy thần” cướp đi. Số người chết đuối ở Việt Nam rất cao, trẻ vị thành niên ở Việt Nam có tỷ lệ cao nhất so với các nước trong khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đặc biệt là trong những tháng nghỉ hè và những dịp nghỉ lễ, tỷ lệ chết đuối nước càng tăng cao.
Mới đây nhất là vụ chết đuối trưa ngày 15/4/2016 làm chết 9 nam sinh lớp 6B tại sông Trà Khúc, Quảng Ngãi. Cũng trong sáng 16/4, tại suối Lũng Ô, xã Ba Động, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra 1 vụ chết đuối thương tâm khác làm 1 học sinh tử vong. Tiếp đó, vào tối 16/4 cũng tại Quảng Ngãi, hai cháu bé 4 tuổi và 2 tuổi bị ngã vào bể tự hoại đang xây dựng dở dang và tử vong do ngạt nước…
Tử vong chỉ sau 2 phút rơi xuống nước
Theo các khảo sát, tỷ lệ trẻ em đuối nước cho thấy có 84% trẻ bị đuối nước do không biết bơi lại thường chơi đùa gần khu vực ao, hồ, sông... thiếu rào chắn an toàn, 41,9% trẻ tử vong do không được trang bị áo phao và thiết bị cứu hộ khi đi trên các phương tiện đường thủy.
Trong khi, hệ thống sông ngòi, ao hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông, ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát... rất nguy hiểm.
Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy hay chậu tắm (đối với trẻ dưới 15 tháng tuổi) cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể ngã, bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Thậm chí, có trẻ hơn 1 tuổi bị chết đuối trong chậu tắm ngay tại nhà mình.
Vì không biết bơi, vì xuống cứu bạn mà không có kỹ năng chống đuối nước nên các em không thể chống lại tử thần. Và mỗi khi có vụ đuối nước xảy ra người ta lại đề cập đến việc phải dạy bơi cho học sinh và coi đây là môn học bắt buộc trong trường học, nhưng rồi mọi quan điểm lại lắng xuống vì nhiều lý do, trong đó có việc ngành Giáo dục chưa ráo riết thực hiện; nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước cho trẻ em còn thấp…
Được biết, mới đây để tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị 17/CT-TTg yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ LĐ,TB&XH chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trước hết là các trường phổ thông rà soát nội dung chương trình giáo dục thể chất trong nhà trường, đặc biệt chú ý hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích (như cháy nổ, hỏa hoạn, bão, lũ…).
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc rà soát cơ sở vật chất, điều kiện rèn luyện sức khỏe, thể chất cho học sinh, trẻ em, đặc biệt về điều kiện hướng dẫn tập luyện kỹ năng bơi lội phù hợp với điều kiện của địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi…